Chả là Tết năm ngoái, Tết đầu tiên bước vào đời làm dâu Huyền đã gây nên bao điều 'mất điểm' với nhà
Yêu nhau 4 năm, nhiều lần Huyền đã trổ tài nấu nướng với nhà chồng, vì vậy khi Huyền nói: “Tết năm nay năm nay các anh chị cứ lo việc nhà các anh chị, mâm cỗ cúng để em thao tác một mình, cho em được phục vụ cả nhà”, thì mọi người đồng ý liền. Chẳng ai phải băn khoăn lo lắng, ngay cả mẹ chồng Huyền cũng vui vẻ bảo: “Thế thì mẹ đi thăm bà bạn ốm nhé”...
Huyền tha đủ thứ từ Hà Nội về quê để làm cỗ. Cô nhanh nhẹn, khéo tay nên mâm cơm cúng chẳng là gì đối với cô. Song riêng chuyện bắt gà để làm cỗ thì cô chịu. Huyền đang toát mồ hôi vì đuổi mãi mà chẳng bắt được gà thì chị hàng xóm bảo: "Gà nhà tôi chưa thả, cô sang bắt con nào thì bắt...".
Bữa cỗ cúng gia tiên với đủ thứ: thịt gà, thịt lợn nấu đông, thịt kho tàu, cá kho riềng, giò hoa, giò lụa, chả quế, nem rán, canh măng... với những đóa hoa được tỉa từ đu đủ, cà rốt, ớt đỏ, hành xanh trang trí cho các món ăn đẹp như bức tranh thủy mặc đã được bầy lên. Huyền thở phào sung sướng nhìn thành quả của mình quên hết mệt mỏi. Ai đến cũng phải trầm trồ khen cô dâu út tài giỏi, chỉ có mẹ chồng nhìn mâm cỗ là chẳng nói lời nào. Huyền thoáng thấy lạ nhưng cô nghĩ, chắc sức khỏe của bạn mẹ không tốt nên mẹ buồn...
Huyền dọn dẹp xong xuôi thì cũng gần nửa đêm, cô nằm dài trên giường cho chồng massage, mắt lim dim sung sướng nhớ lại những lời khen của người thân trong bữa cơm, chợt cô thắc mắc:
- Sao em thấy mẹ không vui, anh nhỉ. Anh có thấy thế không. Hình như không chỉ là không vui mà mẹ còn khó chịu nữa thì phải?
- Mẹ không vui là phải. Anh quên không nói với em, mẹ tuổi gà, chẳng biết mẹ nghe thầy bói nói gì nhưng hơn chục năm nay, mẹ cấm mọi người mua gà về ăn. Mẹ bảo, đứa nào thèm ăn gà, đi đâu ăn thì đi. Mẹ cũng không cúng gà, mẹ bảo với mọi người là dị ứng gà nên chẳng ai trách mẹ. Ở nhà thì mẹ bảo, tuổi mẹ mà cúng gà nhất định sẽ có hạn nặng. Hôm nay thấy em bầy con gà lù lù trên bàn thờ mẹ sợ là phải...
Huyền sợ tím cả mặt, nhưng nghe đến con gà, cô chợt hét lên:
- Chết rồi, em chưa trả tiền gà cho chị hàng xóm, em phải sang trả đây kẻo nợ lại dông cả năm.
- Gần đến giao thừa rồi, đi đâu mà đi, dông thì cho bão luôn.
- Còn 10 phút nữa kia mà, 10 phút em có thể chạy ra tận phố huyện chứ đừng nói sang nhà hàng xóm có mấy bước chân.
Vậy mà chỉ vì đôi dép, xỏ đi xỏ lại thế nào mà Huyền vừa đến cổng nhà chị hàng xóm thì đã nghe tiếng reo giao thừa dậy khắp làng. Huyền còn đang lúng túng tiến thoái lưỡng nan thì chị hàng xóm vui vẻ mời vào nhà. Huyền tặc lưỡi, mình trả tiền là mang lộc đến cho chị ấy, chắc chị ấy chẳng nỡ trách mình xông đất đầu năm, với lại tính mình sởi lởi chắc chẳng vấn đề gì. Nghĩ thế nên Huyền vui vẻ vào nhà. Nhưng vào đến nhà Huyền nhìn hai đứa trẻ con chị hàng xóm, ngoan ngoãn chắp tay chào cô, Huyền mới thấy mình thật vô duyên vì cô chỉ mang đúng tiền trả con gà chứ chẳng có dư để lì xì cho bọn trẻ.
Huyền ngượng quá. Cô lao về nhà nhanh như tên bắn, suýt va vào bố chồng đang đi ra. Thì ra năm nào cũng vậy, cứ đến giao thừa là ông bố chồng đi lấy hướng rồi về xông nhà. Nay thấy cô dâu út xông nhà, ông bố chồng chẳng nói chẳng rằng hầm hầm quay vào.
Đêm ấy, Huyền sợ đến không thở được chứ đừng nói đến ngủ. Cô biết gian bên, bố mẹ chồng cô cũng không ngủ. Quê chồng cô coi ngày mồng Một Tết là ngày quan trọng nhất trong năm, nó quyết định sự bình an của mọi người cả một năm trời nên mọi người kiêng cữ nhiều điều. Đằng này Huyền còn chính xung với chủ nhà (bố chồng tuổi Mão, Huyền tuổi Dậu).
Ảnh minh họa, không phải nhân vật thật |
Suốt ngày mồng 1 Tết, mẹ chồng Huyền hết ra thở dài, vào thở dài đến nỗi, bố chồng cô kìm nén mãi cũng phải quát lên:
- Bà đừng có thở nữa, sốt cả ruột.
- Ông bảo tôi không thở để chết à. Ông muốn tôi chết phải không?
- Phỉ phui cái mồm, mồng Một đầu năm mà ăn nói nhảm nhí. Rồi là chẳng ra gì năm nay đâu.
Từ hôm ấy, Huyền sống trong thấp thỏm. Mẹ chồng hắt hơi, sổ mũi Huyền cũng lo cháy ruột, nhưng may mắn lần nào bà cũng chỉ ốm qua loa, chỉ viên thuốc cảm là đã khỏi. Bà đi du lịch, xe bị tai nạn có 2 người chết, mấy người bị thương vậy mà bà chẳng xước lấy một mẩu da, cả nhà ai cũng nắc nỏm khen bà may. Ông bố chồng của Huyền còn may hơn, ông đau ruột thừa mà đi mấy bệnh viện cũng chẳng tìm ra ông bị bệnh gì, đau đến 3 ngày quằn quại mà cái ruột thừa chẳng bục ra, đến ngày thứ tư may gặp được anh bác sĩ giỏi mới phát hiện ra là viêm ruột thừa. May thế, chỉ kéo dài tí ti nữa thì mẩu ruột thừa ấy đã bục ra rồi.
Nhà chị hàng xóm may chẳng kém. Thằng lớn đi thi học sinh giỏi huyện được giải nhất môn Toán, thằng hai bị đau tim đang lo tiền để mổ, vậy mà nhờ chương trình nhịp tim Việt Nam, thằng bé đã được mổ, bây giờ chạy nhẩy khỏe như vâm. Chị hàng xóm cứ xuýt xoa: "Vía cô Huyền tốt thật, đầu năm cô ấy sang xông nhà cháu, lại đem tiền đến nhà cháu nên nhà cháu năm nay gặp nhiều may mắn và có lắm lộc quá. Bố nó chưa hết Tết đã có người gọi đi làm mộc, việc làm chả hết. Năm tới cháu lại xin ông bà cho cô Huyền sang xông nhà giúp chúng cháu...".
Bố mẹ chồng Huyền nghe mà nở mày nở mặt.
Thì ra, chính xung cũng chẳng sao, tuổi gà cúng gà càng không sao!