Trước khi Sơn sang “bển” du học, ông Lượng căn dặn con trai: "Chịu khó học hành con nhé, khi nào lấy được bằng thạc sĩ mà còn có thể học cao hơn nữa thì con cứ học tiếp". Bà Ngà giằng lấy tay Sơn, đanh mặt: "Con không nghe lời mẹ mà vẫn quyết đi học thì thôi, mẹ không phản đối nữa, nhưng con đừng nghe lời bố con nhé. Học xong chuyến này thì con phải về nhà ngay cho mẹ. Có cái “mác” du học nước ngoài rồi thì về đây không thiếu chỗ mời con những công việc tử tế đâu. Quan trọng là con nên về sớm để lấy vợ cho mẹ, con hiểu không?".
Ông Lượng không thể chấp nhận quan điểm của vợ: "Bà buồn cười thế! Con mình phải lo sự nghiệp trước rồi mới tính đến chuyện lập gia đình chứ. Chưa đâu vào đâu đã tính chuyện vợ con thì còn làm ăn được gì nữa". Bà Ngà coi như không nghe thấy gì, tiếp tục dặn Sơn: "Con phải nghe mẹ, sang “bển” thì đừng yêu cô nào mắt xanh tóc vàng nhé, cái ngữ ấy mẹ không mê được. Con dâu mẹ nhất định phải thuần Việt, con hiểu chưa?".
***
Sơn còn chưa nghĩ đến chuyện yêu đương, thế mà cái duyên cái số đã đưa Nguyệt đến với anh quá sớm so với dự kiến. Ngay từ giây phút đầu tiên nhìn thấy cô ở trường, Sơn đã nhận ra Nguyệt chính là người phụ nữ của đời mình. Cô học rất giỏi, đã du học trước anh chừng 2 năm. Chẳng bao lâu sau, họ chính thức trở thành một cặp, Sơn đề nghị: "Mình cưới nhau rồi, em có đồng ý về Việt Nam sống cùng anh không?". Cái gật đầu của Nguyệt đã khiến Sơn trở thành người đàn ông hạnh phúc nhất thế giới.
***
Dù nằm mơ, bà Ngà cũng không thể tin vào sự thật: Ngày trở về, con trai không chỉ mang cô con dâu thuần Việt mà còn bế theo cả cô cháu gái xinh như thiên thần về cho bà. Quá xúc động, quá hạnh phúc, bà Ngà ôm chầm lấy con dâu ở sân bay: "Con gái của mẹ, con vất vả quá rồi. Về đây mẹ sẽ bù đắp cho con".
Về đến nhà, bà Ngà cứ ngồi ngây ra ngắm con dâu và cháu nội, miệng không ngừng cười. Nguyệt xin phép lên phòng cho con đi ngủ, lúc đó bà Ngà mới có dịp thủ thỉ với con trai: "Con giỏi lắm, biết nghe lời mẹ, cái Nguyệt quá được con ạ, vừa đẹp người vừa đẹp nết, mẹ ưng nó ngay từ cái nhìn đầu tiên".
Nấu nướng xong, bà Ngà ngồi chờ mãi không thấy Nguyệt bế cháu xuống, sốt ruột quá, bà đành lên kiểm tra. Chiếc biển to tướng in toàn chữ tiếng Anh treo bên ngoài cửa phòng khiến bà bất an, bà gọi Sơn ra một chỗ, hỏi: "Con à, dòng chữ này nghĩa là gì? Mẹ định gọi cái Nguyệt xuống để mẹ cho cháu ăn". Sơn gãi đầu gãi tai: "À, cái biển này ghi là "Đang ngủ, đừng làm phiền" đấy mẹ ạ". Mẹ cứ ăn trước đi, khi nào cháu ngủ dậy thì con sẽ bảo Nguyệt bế cháu xuống sau. Mẹ con cô ấy chưa quen múi giờ nên ăn ngủ thất thường lắm". Nghe lời con trai, bà Ngà tạm yên lòng.
Về Việt Nam sinh sống rồi mà dường như Nguyệt không chịu thích nghi với môi trường mới (Ảnh minh họa) |
Về Việt Nam gần 1 tháng mà cô toàn “ngủ ngày cày đêm". Cô giao tiếp nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh. Cô làm việc gì cũng đòi hỏi phải được "tôn trọng quyền cá nhân"... Bà con họ hàng biết chuyện tìm đến nhà chơi, nhưng ít ai được nhìn thấy mặt cháu vì lúc nào cháu cũng "Đang ngủ, đừng làm phiền". Ai quá dễ tính, xuề xòa thì chỉ cười, gửi lời chúc mừng qua bà Ngà, ông Lượng rồi về, nhưng người bình thường thì không khỏi trách móc: "Cứ trưng cái biển ra ngoài cửa như thế thì ai dám vào xem cháu?". Bà Ngà ngậm ngùi, không giải thích được câu nào, chả lẽ bà lại bảo: "Tôi là bà nội mà còn chẳng mấy khi nhìn thấy mặt cháu".
***
Lối sinh hoạt của Nguyệt khiến bà Ngà có lúc không thể chịu được. Bà quyết định nói thẳng với Sơn: "Con góp ý với vợ đi chứ! Dù sao nó cũng đang ở Việt Nam, về đây thì nên nhập gia tùy tục, nó không thể một mình một kiểu được, trong nhà còn có bố mẹ nữa cơ mà". Sơn chỉ biết thở dài: "Con cũng bảo Nguyệt rồi, nhưng cô ấy cứ muốn sống và nuôi con theo kiểu Tây, mẹ ạ".