Bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng gắt trong những ngày vừa qua, tại TPHCM, số lượng trẻ em đến khám bệnh và nhập viện do các bệnh mùa nắng đã gia tăng.
Theo quan sát của PV, từ sáng sớm 20/2, tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) có rất đông bệnh nhi được người nhà đưa đến chờ đợi xếp hàng bốc số khám bệnh. Bên trong phòng khám, các y, bác sĩ đã phải làm việc hết công suất.
Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết mỗi ngày khoa tiếp nhận rất đông bệnh nhi. Các bé đến khám đa phần mắc các bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa, sởi, tay chân miệng…
Chị Phan Thị Hương (Q.Tân Phú, TPHCM) cho biết: “Tôi đưa cháu ngoại đi khám vì cháu bị sổ mũi, ho, ọc sữa và sốt cao hai hôm nay rồi. Vì cháu còn nhỏ nên mỗi khi thay đổi thời tiết là bị bệnh ngay. Mấy ngày vừa qua trời nắng nóng quá, cháu nhà tôi quấy khóc suốt. Thời tiết kiểu này người lớn cũng đau chứ nói gì trẻ nhỏ”.
Cùng chung tâm trạng lo lắng, chị Phạm Lan Thanh (Q.Tân Bình, TPHCM) bộc bạch: “Con tôi được chẩn đoán bị viêm tuyến V.A, là bệnh về hô hấp. Bình thường cháu ăn ngủ rất ngoan nhưng 3 hôm nay quấy mẹ suốt. Gia đình tôi ở Gia Lai vào đây làm việc, ăn Tết xong cho con vào lại Sài Gòn gặp thời tiết nắng oi nên cháu nó mắc bệnh liền”.
Các bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM cũng trong tình trạng gia tăng bệnh nhân, đặc biệt là trẻ nhỏ ở thời điểm này. Các bác sỹ khuyến cáo, trong mùa nắng nóng, phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, không cho trẻ ra nắng nhiều, chú ý bảo quản thực phẩm của trẻ an toàn, không để vi khuẩn xâm nhập dễ gây ra các bệnh tiêu hóa. Với một số bệnh có vaccine như thủy đậu, phế cầu, Rota virus..., cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng.
Theo bác sĩ chuyên khoa II, Nguyễn Viết Hậu - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi tốt nhất là khoảng 25°C. Trong khoảng từ 20°C đến 30°C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều nhiệt nằm trên não. Đến một ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá, cơ thể không thể điều chỉnh kịp do vượt quá khả năng hoạt động của trung tâm này thì gây ra bệnh.
Khả năng điều chỉnh với sự thay đổi nhiệt độ cũng kém ở trẻ nhỏ (nhỏ hơn 4 tuổi), hoặc người già (lớn hơn 70 tuổi) hoặc người có nhiều bệnh lý đi kèm.
“Trong thời tiết nóng bức hay trong thời điểm giao mùa, chúng ta phải lưu ý thêm các bệnh lý về đường hô hấp. Bên cạnh đó, cũng nên chú ý đến các bệnh lý về da. Khi nhiệt độ tăng cao thì sẽ dẫn đến việc tăng tiết mồ hôi, chất bã nhờn. Đặc biệt là ở trẻ em hay người già mắc các bệnh phải nằm lâu sẽ dễ bị lở loét, các vi nấm mọc nhiều hơn ở vùng kẽ da như nách, bẹn… Một số bệnh truyền nhiễm, chúng ta ít chú ý tới như sởi, quai bị, bệnh tay chân miệng cũng thường xuất hiện trong thời gian này. Đối với trẻ ở độ tuổi cấp 1 hay cấp 2, cha mẹ ít chú ý kiểm tra lịch chích ngừa. Tốt nhất, sau 3 đến 5 năm, chúng ta nên chích ngừa nhắc lại cho trẻ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm trong mùa nắng nóng”, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu nhấn mạnh.