Nâng tuổi nghỉ hưu của nữ bằng nam giới nhằm tạo sự bình đẳng (ảnh minh họa) |
Tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ LĐ-TB&XH với các doanh nghiệp diễn ra sáng nay 2/6, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho rằng: Hiện nay, nước ta chưa tận dụng hết khả năng của nguồn lao động. Trong khi nhiều nước trên thế giới quy định tuổi hưu là 65, 67; nước ta vẫn giữ quy định tuổi nghỉ hưu với nữ là 55 và nam là 60.
Theo ông Dương, có ý kiến cho là do người Việt nhỏ bé nên tuổi nghỉ hưu thấp hơn các nước. Điều này theo ông Dương là không đúng mà thực chất là ta đang 'chơi trội'. Tâm lý phổ biến hiện nay của người lao động là 'thích nghỉ nhiều hơn, lao động ít hơn, hưởng BHXH dài hơn... trong khi đó năng suất lao động lại thấp so với các nước, vậy thì bao giờ mới đuổi kịp các nước.
Ông Dương kiến nghị cần sửa đổi quy định, kéo dài tuổi lao động một cách hợp lý. Trong đó, đảm bảo bình đẳng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau, thời gian cống hiến lao động là như nhau. Đồng thời, kiến nghị xây dựng lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi như các nước.
Trả lời PV báo Phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Tuổi nghỉ hưu là một trong những vấn đề được đặt ra trong quá trình chuẩn bị sửa Bộ luật Lao động dự kiến trình Quốc hội vào giữa năm 2017. Khi xây dựng Luật BHXH năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất tăng dần tuổi nghỉ hưu là nam 62, nữ tăng lên 60 tuổi. Nhưng khi đó chưa được Quốc hội chấp thuận.
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, 'đã đến lúc phải suy nghĩ vấn đề tuổi lao động thế nào cho phù hợp'. Hiện nay nước ta đang chịu 2 áp lực song song là thời kỳ dân số vàng và quá trình già hóa dân số, nên phải tính toán hài hòa, bình đẳng. Phương án cụ thể về tuổi nghỉ hưu cần phải tính toán kỹ, theo hướng 'mỗi năm tăng độ tuổi thêm một ít cho phù hợp'.