pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nâng tầm nghề thêu tay truyền thống
Chị Phạm Ngô Nhật Thảo (bìa phải) hướng dẫn nhân viên
- PV: Ai cũng có câu chuyện khởi nghiệp của riêng mình gắn với ý tưởng và lý tưởng kinh doanh. Câu chuyện của chị là gì?
Chị Phạm Ngô Nhật Thảo: Từ khi còn nhỏ, tôi được bà và mẹ dạy cho cách thêu khăn tay hay đan một chiếc áo xinh xắn. Niềm đam mê với công việc thêu thùa cứ thế nhân lên khi tôi được đi học lớp thêu, được trau dồi thêm về nghề. Ban đầu, tôi định hướng theo nghề kế toán để có công việc ổn định.
Dù đi làm công việc văn phòng nhưng tôi vẫn giữ niềm đam mê với nghề thêu, ấp ủ có một nơi không chỉ để kinh doanh mà còn là nơi lưu giữ các giá trị của nghề truyền thống, dạy nghề thêu cho các bạn trẻ, đặc biệt là trẻ em khiếm thính.
- PV: Mong muốn đó của chị đã được hiện thực hóa như thế nào?
Chị Phạm Ngô Nhật Thảo: Nghệ nhân Hữu Hạnh, người sáng lập cơ sở "Tranh thêu Hữu Hạnh", đã gửi gắm và chuyển giao cơ sở tranh thêu tay cho tôi. Tiếp nối sứ mệnh của cô, tôi đã phát triển nó trở thành Công ty TNHH Thêu nghệ thuật và Mỹ nghệ Hữu Hạnh như ngày hôm nay. Công ty đã trải qua hơn 10 năm phát triển.
Hiện tại, Tranh thêu Hữu Hạnh là một trong những đơn vị tranh thêu tay uy tín trên thị trường Việt Nam, có nguồn khách ở nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Na Uy…
"Tranh thêu Hữu Hạnh" nằm trong top 100 thương hiệu - sản phẩm/dịch vụ nổi tiếng ASEAN năm 2016; là "Doanh nghiệp trẻ tiêu biểu" năm 2005 và năm 2010; đạt 2 Huy chương vàng giải "Bàn tay vàng" của Hội chợ quốc tế hợp tác xã - doanh nghiệp vừa và nhỏ…
- PV: Phát triển nghề truyền thống đòi hỏi người theo đuổi phải không ngừng sáng tạo, tìm hướng đi riêng. Chị đã làm gì để đưa doanh nghiệp của mình phát triển?
Chị Phạm Ngô Nhật Thảo: Tôi đã tích cực phát huy hết khả năng sáng tạo của mình, luôn trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi để đưa ra thị trường các sản phẩm mới. Đồng thời, tôi không ngừng tìm kiếm khách hàng, cố gắng cải thiện sản phẩm để có thể làm hài lòng cả những khách hàng khó tính nhất.
Để quảng bá sản phẩm, tôi đã ứng dụng công nghệ trong quảng cáo, quảng bá trên website, mạng xã hội; quản lý doanh nghiệp bằng các phần mềm điện tử để giảm chi phí nhân công; ưu tiên, tạo điều kiện cho lao động đi học tập, phát triển các kỹ năng mềm trong giao tiếp; sử dụng công nghệ để nghiên cứu, sáng tạo nhiều kiểu thêu mới.
- PV: Trong thời gian tới chị có kế hoạch, định hướng gì?
Chị Phạm Ngô Nhật Thảo: Điều quan trọng nhất là duy trì công việc ổn định cho người lao động tại công ty. Để làm được điều này, chúng tôi liên tục tìm kiếm các nguồn hàng mới, xuất khẩu tranh thêu đi nhiều nơi trên thế giới; phát triển và tạo thêm nhiều sản phẩm độc đáo, mẫu mã hiện đại phù hợp hơn với thị trường; quảng bá sản phẩm nhiều hơn nữa trên các nền tảng mạng xã hội.
- PV: Xin cảm ơn chị!