pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nếu trẻ có những phản ứng này khi bị đánh đòn, bố mẹ nên dừng lại kẻo hối hận về sau
Chuyên gia cho rằng, nhiều người nghĩ khi buông những lời cay độc, mắng chửi thậm tệ con sẽ thấy xấu hổ mà tự thay đổi. Đó là suy nghĩ sai lầm, thiếu hiểu biết. Khi một đứa trẻ phải liên tục nghe những lời cay nghiệt từ cha mẹ mình, chúng sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, khó phát triển trí tuệ một cách toàn diện. Chúng luôn mang trong mình mặc cảm vì nghĩ rằng mình là một đứa trẻ tồi tệ, hư hỏng, mất dạy.
Trong mắt các con, đòn roi hay lời miệt thị không khiến chúng nhận ra lỗi lầm mà chỉ càng thêm căm hận và thù ghét bố mẹ vì đã hành xử như thế. Thế nhưng, không phải là bố mẹ không yêu con, mà là yêu theo cách không đúng. Sự thiếu hiểu biết về giáo dục con cái có thể mang lại những hậu quả lâu dài khó lường.
Lý do khiến cha mẹ dùng cách quát mắng, đòn roi thể hiện sự bất lực trong giáo dục con cái. Khi con có lỗi, cha mẹ thường dọa nạt, trừng phạt bằng đòn roi. Thấy không còn hiệu quả, họ lại chuyển sang dùng những lời nhẹ nhàng, nhưng mang nặng tính giáo huấn. Thấy con không chuyển biến, cha mẹ đành dùng đến những lời cay độc. Cứ như vậy tạo thành cái vòng luẩn quẩn, không giúp con tiến bộ, mà chỉ khắc sâu thêm oán thù đối với trẻ.
Đặc biệt, nhiều cha mẹ có thói quen đánh con, cứ thấy con làm sai hoặc không vừa lòng vấn đề gì đó là lại lôi con ra quát nạt, đánh đòn. Mỗi lần như vậy, chắc chắn trẻ sẽ rất sợ hãi, hoang mang, khóc lóc hoặc cầu xin bố mẹ. Thế nhưng, trong một vài tình huống, nếu thấy con có những biểu hiện trái ngược sau thì người lớn cần lập tức dừng lại, nếu không sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về sau.
Trẻ vô cảm, im lặng, chờ bị đánh
Ai cũng biết rằng, khi bị đánh, phản xạ của con sẽ là sợ hãi, khóc lóc. Tuy nhiên, một số trẻ lại im lặng, tỏ ra thờ ơ, không sợ hãi những lời chỉ trích, thậm chí dường như đã chuẩn bị tinh thần cho việc đánh đòn này. Điều này là vô cùng nguy hiểm, chúng thể hiện rằng con đã bị tổn thương quá lớn và không còn muốn phản kháng nữa.
Hành vi này của một đứa trẻ là rất nguy hiểm, nó cho thấy con đã không còn quan tâm đến kỷ luật và thái độ của cha mẹ, không có hy vọng vào cha mẹ. Nếu cha mẹ vẫn tiếp tục phương pháp giáo dục bằng đòn roi thì sẽ khó có được mối quan hệ cha mẹ - con cái bình thường, sau này sẽ vĩnh viễn không có được sự tôn trọng từ con.
Mỗi đứa trẻ dù lớn đến đâu cũng muốn nhận được sự khẳng định từ cha mẹ. Tuy nhiên, việc trẻ phải tiếp nhận những lời mắng mỏ, khiển trách nặng nề của cha mẹ quá nhiều sẽ khiến cho sức mạnh tinh thần dần suy yếu. Trẻ sẽ không những không thể sửa chữa mà còn cảm thấy bản thân đặc biệt kém cỏi và tự ti vì điều đó. Những trường hợp như vậy, trẻ thường có ý thức thấp về giá trị của bản thân. Chúng sẽ ngày càng thiếu tự tin, ngại bày tỏ, ngại phản bác và âm thầm chịu đựng những bất bình.
Một đứa trẻ im lặng khi bị mắng có thể là do quá sợ hãi cha mẹ nên không dám phản kháng. Việc con trẻ không dám chia sẻ suy nghĩ của mình cho bố mẹ cũng đồng nghĩa với việc trẻ tự khép mình với mọi người. Từ đó dẫn đến việc thì bố mẹ muốn gần gũi và bước vào thế giới của trẻ càng khó khăn. Cứ như vậy, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cũng ngày càng lớn.
Khi bị mắng, trẻ sẽ im lặng và dần hình thành thói quen không dám bộc lộ mà âm thầm chịu đựng. Điều này sẽ khiến trẻ trở nên rụt rè và hèn nhát. Sau này khi bước vào xã hội, trẻ sẽ sợ hãi thế giới xung quanh, không dám thể hiện bản thân, thậm chí là dễ bị đối xử tệ bạc.
Tức giận, đối đầu, sẵn sàng đánh lại cha mẹ
Trái ngược với phản ứng trên, khi bị bố mẹ đánh, một số trẻ cư xử rất thô bạo, đầy tức giận, nhìn chằm chằm vào bố mẹ. Khi bị bố mẹ đánh, trẻ chủ động chống trả, thậm chí đánh lại cha mẹ. Hành động này cho thấy đứa trẻ không tuân theo kỷ luật của cha mẹ, trong lòng đầy căm thù và oán giận. Đồng thời, nó cho thấy trẻ em cũng đã học cách chống lại phương pháp bạo lực này.
Nếu cha mẹ không ngăn chặn và can thiệp kịp thời thì trẻ sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng về tâm lý. Bên cạnh đó, những đứa trẻ này sẽ có xu hướng ngày càng nổi loạn, gây gổ với cha mẹ nên việc kỷ luật các con cũng khó khăn hơn. Mặt khác, trẻ sẽ trở nên dễ xúc động và thích dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, gây ảnh hưởng không tốt cho sự phát triển của trẻ.
Với tình huống này, tốt nhất bố mẹ nên im lặng, để một khoảng thời gian cho cả 2 bên cùng bình tĩnh, rồi sau đó nhẹ nhàng nói chuyện. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên gần gũi, yêu thương và cho con thấy tình cảm của bản thân dành cho con lớn tới mức nào. Tuyệt đối không dùng đòn roi để dạy dỗ và phải thật kiên nhẫn mới có thể làm con thay đổi.
Đập phá đồ đạc, dọa tự tử
Nhiều đứa trẻ có xu hướng đập phá đồ đạc, sau đó là tìm đến những phương thức như tự tử khiến bố mẹ phải hối hận. Khi đã sử dụng cách này có nghĩa là con đã không còn muốn bố mẹ dạy dỗ, tìm mọi cách để chống đối những trận đòn roi, quát mắng.
Trẻ càng có cá tính sau này càng làm nên việc lớn, nếu con hay cãi hoặc không nghe lời, bố mẹ đừng vội lo lắng, thay vào đó nên tìm nguyên nhân cụ thể phía sau để đưa ra cách dạy con đúng hơn. Khi con đã đến bước đập phá hay dọa tự tử là khi tâm lý trẻ đã tổn thương nặng nề, con không tin, không muốn nghe theo lời bố mẹ nữa.
Nếu cha mẹ phát hiện trẻ có ý định tự tử, để ngăn chặn kịp thời, điều cần thiết là ở bên con ngay lập tức. Thay vì trách móc, cha mẹ hãy nói chuyện để con bỏ ý định xấu.
Điều các em cần là lời khẳng định: Bố mẹ yêu con, dù thế nào cũng yêu quý con. Khi trẻ bình tâm trở lại, phụ huynh nên đưa con đi chơi, đề cập nguyên nhân tự tử với thái độ thoải mái, theo hướng tích cực để định hướng. Đặc biệt, người lớn cần nói cho con biết rằng, còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.
Trường hợp cha mẹ không được con tin cậy, phụ huynh nên liên hệ với những người thân như bạn bè, thầy cô, tìm hiểu lý do để giải tỏa. Tuy nhiên, bố mẹ không nên tiếp cận mối quan hệ của con để quản lý, hù dọa. Hãy đi bên con như một người bảo vệ âm thầm.
Cha mẹ không nên áp đặt, hãy hướng con đi theo nhiều đường khác nhau. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần thay đổi cách giáo dục và cư xử để con cảm nhận được mọi điều tốt đẹp và yêu cuộc sống. Cho các bé tham gia nhiều hoạt động như thể thao, sinh hoạt tập thể, hoạt động xã hội để thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa.