New Zealand tăng cường hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình

07/09/2018 - 06:00
Bắt đầu từ tháng 4 năm 2019, nạn nhân của bạo lực gia đình ở New Zealand sẽ được nghỉ 10 ngày phép có hưởng lương để giải quyết những vấn đề cá nhân của mình.
Thêm chính sách bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình
 
Người có công lớn nhất trong việc ban hành chính sách này là bà Jan Logie, một thành viên của Đảng Xanh.
 
Sau 7 năm kiên trì đấu tranh cho quyền lợi của nạn nhân bạo lực gia đình (BLGĐ) của bà, luật này đã được Nghị viện New Zealand đã thông qua cuối tháng 7/2018. Bà Jan Logie cho biết: “Một số nghiên cứu cho thấy, BLGĐ không dừng lại trong ngôi nhà của nạn nhân. Họ còn bị rình rập, tấn công đe dọa ở cả nơi làm việc.
 
Thậm chí những đồng nghiệp của họ cũng bị kẻ tấn công làm phiền nhằm mục đích cô lập nạn nhân, khiến nạn nhân bị cộng đồng xa lánh, chủ sa thải. 60% phụ nữ bị bạo lực gia đình là những người làm việc toàn thời gian.
a2.jpg
Bạo lực gia đình làm New Zealand tổn thất từ 4,1-7 tỷ USD một năm

 

Tuy nhiên, sau khi xử lý các sang chấn BLGĐ thì chỉ một nửa trong số họ có thể giữ được việc làm. Một số phụ nữ phải chấp nhận tiếp tục chung sống với kẻ bạo lực chỉ vì lý do kinh tế. Khi dự luật này có hiệu lực, phụ nữ không phải đắn đo lo sợ giữa việc giữ gìn công việc với sự an toàn của mình. Họ sẽ tránh được tình cảnh phải phụ thuộc vào kẻ tấn công mình”.
 
Bà Jan Logie cho biết thêm: “Với 10 ngày phép, các nạn nhân có thời gian cùng giải quyết mâu thuẫn, chuyển nhà hoặc tìm trường học mới cho con cái khi phải tách ly khỏi đối tượng ngược đãi mình. Điều đó giúp hạn chế các tình trạng khi mọi việc đã tồi tệ mới có sự tham gia hỗ trợ từ cộng đồng. Do vậy, đây không chỉ là chiến thắng cho các nạn nhân mà là chiến thắng của toàn xã hội”.
 
Tiến sĩ Ang Jury, giám đốc điều hành của tổ chức Phụ nữ tị nạn cho biết: Kinh tế có vai trò quan trọng đối với cuộc sống phụ nữ. Nếu họ có thể giữ lại công việc và sự tự tin của mình, họ sẽ có những lựa chọn tốt đẹp hơn là chung sống với những người vũ phu.
 
Cần sự chung tay của cộng đồng
 
Tuy nhiên, những người phản đối dự luật này cho rằng, ý tưởng giúp đỡ cho các nạn nhân BLGĐ thì tốt, song sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp. Bà Logie phản đối điều này: “Khi BLGĐ xảy ra, không chỉ có doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mà cả đất nước New Zealand bị tổn thất khoảng 4,1-7 tỷ USD/năm”.
 
Đồng quan điểm với bà Logie, thành viên của đảng Quốc gia New Zealand cho rằng: “BLGĐ cũng giống như một dịch bệnh, cần có sự hỗ trợ từ cộng đồng. Không chỉ người sử dụng lao động mới cần hỗ trợ nạn nhân, mà các cơ quan công quyền, tổ chức y tế, chính trị gia và các nhà hoạt động xã hội cũng cần phải quan tâm”.
a1.jpg
Các nữ nghị sĩ trong nghị viện New Zealand vui mừng khi luật mới được thông qua

 

Trước New Zealand, Philippines cũng đã có một luật tương tự thông qua vào năm 2004. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, chỉ 39% người Philipines có biết đến luật này. 26% người sử dụng lao động muốn từ chối khi nhân viên xin nghỉ phép vì BLGĐ. Canada cũng có chế độ nghỉ phép cho nạn nhân BLGĐ; tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng ở một số bang như Manitoba và Ontario.
 
Những người ủng hộ luật này ở New Zealand cho rằng: Chính phủ cần phát động một chiến dịch công cộng ngăn chặn bạo lực trước khi luật này có hiệu lực. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho các những người sử dụng lao động xem họ có sẵn sàng trả lương và cho nhân sự của họ nghỉ phép khi BLGĐ xảy ra hay không.
 
New Zealand được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia đi đầu về việc rút ngắn khoảng cách giới và là một trong những nơi đáng sống nhất của phụ nữ. Ngay từ năm 1893, New Zealand là nơi đầu tiên trên thế giới cho phép phụ nữ tham gia bầu cử.
 
Tuy vậy, tỉ lệ BLGĐ ở nước này vẫn còn ở mức cao so với các nước phát triển khác. Trung bình, cứ 4 phụ nữ là có 1 người từng là nạn nhân của BLGĐ. Cứ 4 phút, cảnh sát nhận được tin báo của nạn nhân bị đánh đập, ngược đãi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm