Du khách ngắm biển mây ở thôn cao nhất Việt Nam - Ngải Thầu Thượng (xã A Lù, huyện Bát Xát, Lào Cai).
Ngải Thầu Thượng (xã A Lù, huyện Bát Xát, Lào Cai) nằm ở độ cao 2.300m, là thôn cao nhất Việt Nam. Nơi đây nổi tiếng là một trong những điểm săn mây "chill" nhất, tuyết rơi dày nhất và ruộng bậc thang đẹp nhất của tỉnh Lào Cai.
Ngải Thầu Thượng (xã A Lù, huyện Bát Xát, Lào Cai) là thôn người Mông nằm trên đỉnh núi Ma Cha Va - cao hơn 2.300m so với mực nước biển.
Có khoảng hơn 60 hộ dân người Mông đang sinh sống ở Ngải Thầu Thượng. Họ tự hào, nơi đây có “3 trong 1”: Mây Ngải Thầu đẹp nhất, tuyết Ngải Thầu rơi dày nhất, ruộng bậc thang Ngải Thầu đẹp nhất.
Mùa “săn mây” Ngải Thầu kéo dài tới 6 tháng - từ tháng 11 đến tháng 4 dương lịch năm sau. So với những điểm “săn mây” khác, điểm ở đây dễ đi hơn, không chỉ xe máy mà cả xe ô tô cũng có thể dễ dàng đến điểm check-in.
Những khi Lào Cai có tuyết rơi, ngoại trừ đỉnh Fansipan cao 3.143m, thì bao giờ đỉnh Ma Cha Va và thôn Ngải Thầu Thượng cũng có tuyết rơi trước những nơi khác. Tuyết rơi dày đến hơn 1m, phải gần 1 tháng mới tan hết.
Chỉ có cây tống quá sủ (tiếng Mông) - dịch là “cây qua đông” sống nổi qua mùa đông khắc nghiệt như vậy. Một loài cây cổ thụ rêu phong, thân cao vút, đâm thủng mây trời, hiên ngang trước bão gió. Biểu tượng cho những vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, sức sống bền bỉ, ý chí kiên cường của đồng bào nơi đây.
Thân cây tống quá sủ được người dân sử dụng làm nhà trình tường với tường đất dày gần 1m. Cửa chính, cửa sổ đều nhỏ để tránh sương gió lùa vào. Bên trong mỗi nhà đều có bếp củi để chống lại cái rét khắc nghiệt của mùa đông.
Đứng ở mũi đá Ngải Thầu Thượng có thể phóng tầm mắt ngắm thung lũng Thiên Sinh, ruộng bậc thang Thèn Pả của người Mông... mênh mông, bất tận. Vào mùa lúa chín (tháng 9), ruộng bậc thang chín vàng tầng tầng lớp lớp, trải dài ngút tầm mắt.
Ruộng bậc thang được ví như cái “bồ thóc” không bao giờ vơi của người Mông, như cái “niềng vàng” giữ chân mọi người định canh định cư, không phá rừng làm nương như tập quán vốn có của họ.
Ở những thửa đất cằn cỗi, cho năng suất thấp, người dân mạnh dạn chuyển đổi, đưa cây sâm đất (còn gọi củ hoàng sin cô, khoai sâm) về trồng đại trà. Mỗi ha cho thu hoạch khoảng 20 tấn, giá dao động trên dưới 10.000 đồng/kg, trở thành cây chủ lực giúp bà con thoát nghèo.
Tận dụng các thế mạnh về cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống, đồng bào nơi đây đã cùng bắt tay nhau làm du lịch cộng đồng như xây dựng homestay, làm đường bê tông... để thu hút khách du lịch tới trải nghiệm.
“Khác mới những điểm săn mây khác, điểm săn mây ở đây rất dễ đi, ô tô có thể lên đến tận nơi. Chúng tôi đã ở đây khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi, biển mây hôm nay thật đẹp, mọi người vẫn đang say sưa chụp ảnh”, chị Nguyễn Thị Hương Giang (45 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.
“Ngoài cảnh sắc đẹp, người dân ở đây rất dễ mến và món ăn cũng rất ngon. Tôi hy vọng, Ngải Thầu Thượng sẽ được quan tâm và có nhiều cơ hội phát triển hơn, để trở thành một điểm săn mây, một nơi nghỉ dưỡng quen thuộc đối với du khách trong nước và quốc tế”, anh Phùng Mạnh Quân (người đội mũ len trắng, 35 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Với việc triển khai Đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Bát Xát giai đoạn 2020 - 2025”, chính quyền địa phương đang kỳ vọng biến bản cao nhất nước ta trở thành địa điểm “săn mây” kết hợp du lịch trải nghiệm "có 1-0-2" tại Việt Nam.