THÓT TIM VỚI HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC ĐỈNH NÚI CAO GẦN 3.000M CỦA NHỮNG CÔ GÁI ĐẾN TỪ HÀ NỘI
Hành chinh phục đỉnh núi Lảo Thẩn - cao gần 3.000m, một trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam của những cô gái đến từ Hà Nội có cả máu và nước mắt, đôi chân sưng tấy tưởng chừng như sẽ bỏ cuộc. Nhưng vào khoảnh khắc nhụt chí ấy, những con tim đã ước nguyện cùng nhau, vai kề vai, cùng tiếp bước...
20 giờ tối, thứ Sáu, trước cổng Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, những cô gái chưa từng gặp mặt cùng tụ họp với nhau trên chuyến hành trình chinh phục đỉnh núi Lảo Thần (xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai) – cao 2.860m so với mặt nước biển. Họ chưa từng một lần chinh phục đỉnh núi nào ở Tây Bắc, nhưng đều có khát khao vượt qua những giới hạn của bản thân.
Lảo Thẩn còn được gọi là "Nóc nhà Y Tý" – một xã biên giới của huyện Bát Xát, phía Tây tiếp giáp với hương Mã Yên Để (huyện Kim Bình, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Với độ cao gần 3.000m, đỉnh núi này có mùa mây rất đẹp, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3, đẹp nhất là trong tháng 10 đến tháng 12. Leo núi vào thời điểm này, du khách sẽ có dịp được chiêm ngưỡng cảnh sắc "Mây ôm núi, núi ôm mây", biển mây vô tận ở dưới bước chân người.
Cung đường lên núi Lảo Thẩn dài khoảng 16 cây số. Địa hình chủ yếu là đồi cỏ thấp, gần đỉnh xuất hiện những cây có gai, bụi rậm, được đánh giá có độ khó trung bình. Ngoài đặc sản biển mây như đã biết, trên đường leo núi, du khách sẽ gặp nhiều địa điểm đẹp như bức tranh có thể kể đến như: phiến đá lớn nhìn xuống thung lũng, mỏm núi đá "mặt quỷ", mỏm đá câu cá...
Trên suốt chặng hành trình không có hàng quán, lên cao sẽ không có nhà dân, du khách phải tự mang theo những vật dụng thiết yếu (quần áo rét, vật dụng y tế), nhu yếu phẩm thiết yếu (nước uống, đồ ăn nhanh...)... hoặc thuê porters (người khuân vác) là người địa phương.
Chuyến hành trình kéo dài 2 ngày, 1 đêm, du khách có thể dừng chân ở 3 lán – lán một ở độ cao 2.400m, cách đỉnh núi 3km, thời gian leo đến đỉnh là 3 giờ; lán hai ở độ cao 2.600m, thời gian leo là 1 giờ; lán thứ 3 phía trên lán hai 50m, thời gian leo được rút ngắn hơn.
Thảo Gấu, tên đầy đủ là Phạm Thị Thu Thảo (SN 1995), một tour guide (hướng dẫn viên du lịch) đã giải nghệ, hiện là một giáo viên dạy Văn cấp hai tại Hà Nội. Những ngày chớm đông, tình cờ biết được một tour trải nghiệm leo núi "săn mây" ở Lảo Thẩn vào dịp cuối tuần, Thảo không kìm lòng được nên đã lén rủ em gái (đang là sinh viên đại học) trốn bố mẹ tham gia.
Đây là chuyến trải nghiệm leo núi đầu tiên của hai chị em ở vùng núi Tây Bắc nhằm lưu lại những bức ảnh để đời. Dù đã chuẩn bị tinh thần tốt cho chuyến đi nhưng Thảo không nghĩ hành trình này lại gian nan, vất vả như vậy.
Đường lên đỉnh có rất nhiều đoạn sình lầy, dốc thẳng, một bên là vách núi một bên là vực thẳm. Trên đoạn đường dốc nguy hiểm nhất, em gái của Thảo đã rơi nước mắt và có ý định bỏ cuộc, còn bản thân Thảo đã hai lần trượt ngã. Vốn sức khỏe yếu, bị huyết áp cao, yếu tim, những lúc đó, Thảo cũng không tin rằng mình có thể bước tiếp, đôi mắt nhắm nghiền lại vì mệt mỏi.
"Rất nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc, nhưng trong đoàn có một chị sinh năm 1978. Dù chân bị đau nhưng chị vẫn cố để đi cùng mọi người. Nhìn chị, tôi lại thúc giục mình phải đi theo. Tôi muốn tuổi trẻ của mình phải có một chuyến đi như vậy, sẽ cố gắng đến những nơi mà không phải ai cũng có thể đến được, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp ở đó", Thảo chia sẻ.
Tuy rằng trước đây, Thảo từng dẫn tour nhưng đó chỉ là những tour ngắn đến những di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn Hà Nội. Với những tour này, Thảo rất thông thạo, từ đi đâu, ăn gì, hành trình như thế nào... Còn ở tour trải nghiệm này mọi thứ đều mới mẻ, không biết trước điều gì có thể xảy đến. Thêm vào đó, Thảo đang đi cùng với em gái, nếu bố mẹ biết chắc chắn sẽ không đồng ý và sẽ lo lắng biết bao.
Nhưng khi vượt qua khỏi vòng an toàn sẵn có của bản thân, Thảo cảm nhận rõ hơn về vẻ đẹp của tình người. Mọi người trong đoàn rất đoàn kết, đều cùng nhìn nhau để đi. Trong những đoạn đường khó đều có những bàn tay nắm chặt tay nhau, ấm áp và nhiệt thành cùng dìu nhau tiến bước về phía trước vượt qua những thử thách đang đón đợi...
Sau gần 7 tiếng leo núi vất vả, vào khoảng hơn 5 giờ chiều khi sương đã giăng kín con đường mòn, chị Giang Còi (SN 1978, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và đoàn của mình mới tới được lán A Hờ (lán 2).
Trên khoảng lán rộng vài chục mét vuông ấy đã có nhiều đoàn đến trước với hàng chục người, mọi người đang hối hả chuẩn bị cho bữa ăn tối. Trong làn sương mỏng, dù đã tận dụng tới chiếc áo khoác thứ ba, chị Giang vẫn không thoát khỏi cảnh co ro vì lạnh, cái lạnh ở độ cao 2.600m.
Hai miếng cồn khô bình thường có thể nấu được một nồi lẩu nhưng ở đây lại không thể đun sôi một ca nước. Nhờ cân than củi chuẩn bị từ trước, cả đoàn mới có thể nướng thịt, xúc xích, thịt trâu gác bếp. Quanh bếp lửa tự tạo từ hai khúc củi, mọi người quây quần hơ những đôi tay đang tái nhợt vì lạnh.
Bữa tối đặc biệt này, cũng là lần đầu tiên trong đời chị Giang được trải nghiệm. Vốn từng đi đặt chân đến nhiều nơi trên bản đồ chữ S nhưng chị chưa một lần có cảm giác ăn một bữa ngon như vậy.
Cũng như hai chị em Thảo, đây là lần đầu tiên chị Giang thử thách bản thân. "Khả năng của bản thân đến đâu, mình có làm được những điều trước nay chưa từng làm?", là câu hỏi chị Giang đặt ra trước chuyến đi. Bắt đầu từ con số 0, chị không nghĩ rằng leo núi cần phải có một đôi giày tốt nên đã tận dụng đôi giày thể thao cũ.
Khi xe ô tô chở đoàn đến trung tâm xã Y Tý, một chiếc giày rơi mất đế, chị đã vô cùng lo lắng khi nghĩ tới chặng đường phía trước. Thật may, hôm đó ở Y Tý có chợ phiên, chị đã tìm mua một đôi giày thể thao, dẫu rằng đế giày rất cứng. Điều này đã gây phiền toái không nhỏ cho chị trong suốt chuyến hành trình vì chân bị đau nhức, ngón chân cái và ngón út bị sưng rộp.
Chặng hành trình đến đỉnh vinh quang với chị Giang còn gian nan hơn vì chị có triệu chứng khô khớp gối. Nhưng sự phấn khích, mong mỏi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vỹ của thiên nhiên đã chiến thắng những mệt mỏi. Biển mây bao la và rộng lớn với những gợn sóng lăn tăn đến tận cuối chân trời, trên khoảng không gian mênh mông đó những đỉnh núi như những hòn đảo nhỏ. Mặt trời đỏ hỏn mọc lên từ dưới những đám mây, mang tia nắng ấm áp xua đi sự lạnh giá trên dãy Hoàng Liên Sơn.
"Phải đến tận nơi, mình mới cảm nhận được vẻ đẹp của nó. Những vẻ đẹp không thể nào diễn tả hết được bằng ngôn từ. Mình thực sự cảm thấy nhỏ bé giữa tứ bề đất trời vừa núi, vừa mây, mây ôm núi, núi ôm mây. Những lúc đi máy bay, mình cũng chỉ nhìn đấy là mây thôi, nhưng khi tự đặt chân lên đỉnh núi này mình mới thấy được nó tuyệt diệu như thế nào", chị Giang bộc bạch.
Kể từ thời điểm Hà Nội bùng dịch (đầu tháng 5/2021), đây là tour đầu tiên của Linh Hải Dương (SN 1990, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hướng dẫn viên du lịch của chuyến chinh phục đỉnh Lao Thẩn.
Linh lựa chọn Lào Cai vì hai lý do, thứ nhất đây là mùa săn mây và các đỉnh núi ở vùng đất này có địa thế săn mây rất đẹp; thứ hai vì địa bàn này vẫn cởi mở đón khách, không yêu cầu phải test Covid-19.
Trong gần 5 năm dẫn tour du lịch trải nghiệm, Linh nhận thấy ngày càng có nhiều người lựa chọn hình thức du lịch "mất sức" như thế này. Đây là một chuyến đi có chiều sâu, người ta đi để hiểu bản thân mình, hiểu vùng đất mình đến và đi để chinh phục những gian khó.
Hai ngày băng rừng, thế giới của mỗi người không bị thu hẹp trong chiếc điện thoại mà được mở rộng ra cả không gian thiên nhiên bao la kỳ vỹ. Thời gian sống trở nên ý nghĩa hơn (rời xa thiết bị công nghệ, mạng xã hội...), con người nhìn thấy từ thiên nhiên nhiều điều hơn.
"Có một câu nói mà tôi rất tâm đắc, 'Có những chuyến đi đổi đời'. Với nhiều người, biết đâu những chuyến đi như thế này lại mang ý nghĩa như vậy. Tôi từng thấy những lứa đôi gặp vướng mắc trong tình cảm, họ cãi nhau rất nhiều nhưng khi leo núi trải nghiệm cùng nhau – họ lại thấy yêu nhau hơn. Hay những người bạn chưa thực sự hiểu nhau nhưng cùng nhau qua đoạn đường gần 20 cây số như trên họ lại hiểu nhau nhiều hơn", Linh chia sẻ.