pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngậm "trái đắng" vì dự án nhà giá rẻ chậm tiến độ
Đặt niềm tin nhầm chỗ
Ông Phan Thế Hoài (ngụ tại quận 9, TPHCM), hiện là giáo viên tại huyện Bình Chánh, không giấu được nỗi bức xúc khi kể cho chúng tôi nghe hành trình hiện thực hóa "giấc mơ" có nhà của mình. Thầy Hoài gửi gắm niềm tin vào dự án của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển An Nhân (sau đây gọi tắt là Công ty An Nhân). Vào ngày 8/7/2019, thầy Hoài ký hợp đồng với Công ty An Nhân mua căn hộ A02-30 thuộc Dự án nhà ở Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TPHCM), trong đó chung cư D1 và D2 dành cho người thu nhập thấp. Đây là dự án nhà ở xã hội ngoài ngân sách.
Theo Hợp đồng mua bán, chủ đầu tư cam kết bàn giao căn hộ vào quý I/2020. Thầy Hoài đã thanh toán đủ 70% tổng trị giá của căn hộ. Thế nhưng, đến nay đã sang quý I/2021, chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao căn hộ theo thỏa thuận. Mặc dù tiến độ bàn giao căn hộ trễ hơn 1 năm nhưng chủ đầu tư không có thông báo cho cư dân về thời điểm sẽ bàn giao căn hộ. Thầy Hoài cùng các cư dân khác đã gọi điện thoại cho chủ đầu tư là ông Nguyễn Thanh Tuyên, Giám đốc Công ty An Nhân nhưng không ai nghe máy. Mọi người bức xúc kéo nhau đến trụ sở Công ty An Nhân ở địa chỉ số 6-8, tòa nhà Labonita, Nguyễn Gia Trí (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) để tìm câu trả lời từ chủ đầu tư thì chỉ nhận được sự hờ hững. Tiền đã trót trao mà căn hộ chưa thấy đâu.
Thầy Hoài cho biết, phần lớn người dân mua nhà tại Dự án nhà ở Vĩnh Lộc A đều có thu nhập thấp. Họ là những viên chức, người lao động có nhu cầu nhà ở thực sự và đang phải đi thuê nhà trọ để sinh sống.
Lòng như lửa đốt khi dự án... bất động
Anh Trần Hoàng Phương (ngụ xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM) đến TPHCM mưu sinh được gần 30 năm. Suốt quãng thời gian sinh sống ở đô thị lớn bậc nhất của cả nước này, anh Phương chỉ biết đến những căn phòng trọ với chi phí thuê chiếm đến 20% tháng lương của anh. Anh Phương làm công nhân, mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng thì phải tốn 2 triệu đồng cho việc thuê nhà trọ. Số tiền còn lại, anh Phương chi tiêu dè sẻn thì vừa đủ cho sinh hoạt hàng ngày. Để có tiền tích cóp, anh Phương chỉ biết trông chờ vào lương tháng thứ 13. Ngần ấy thời gian sống tại TPHCM, dành dụm được một khoản tiền, anh Phương bàn với vợ quyết định mua căn hộ giá rẻ thuộc Dự án nhà ở Vĩnh Lộc A. Trót dành toàn bộ số tiền có được vào "giấc mơ" an cư, anh Phương lòng như lửa đốt khi dự án... bất động.
Theo ghi nhận của chúng tôi, Dự án nhà ở Vĩnh Lộc A còn nhiều hạng mục ngổn ngang. Đa số cư dân mua Dự án này đều là lao động nghèo, thu nhập thấp. Trong số đó, nhiều người còn phải vay tiền ngân hàng để đóng theo tiến độ của hợp đồng đã ký kết.
Liên quan đến dự án, ngày 17/6/2020, Thanh tra Sở Xây dựng TPHCM đã lập Biên bản vi phạm hành chính chủ đầu tư với hành vi vi phạm "triển khai xây dựng chậm tiến độ" đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Thanh tra Sở Xây dựng đã tiến hành xử lý Công ty An Nhân về hành vi lựa chọn tổ chức không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động thi công xây dựng (lựa chọn Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông – Trainco). Đồng thời, xử lý Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng đô thị và giao thông về hành vi hoạt động không đủ điều kiện năng lực theo quy định tại công trình Chung cư D1 - D2.
Theo báo cáo của chủ đầu tư, tính đến ngày 4/12/2020, Công ty đã ký kết hợp đồng với 1.158 khách hàng, tuy nhiên có 91 khách hàng đã thanh lý hợp đồng, nên chỉ còn 1.067 khách hàng (tương đương 48.015m2, khoảng 79% diện tích sàn xây dựng của 2 Block D1 – D2).
Cư dân đã yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra về tiến độ dự án theo đúng Hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và người dân mua căn hộ do đã chậm trễ trong việc bàn giao căn hộ. Về việc này, Sở Xây dựng cho rằng, chủ đầu tư chậm bàn giao căn hộ theo hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và người mua căn hộ là tranh chấp dân sự. Sở Xây dựng đã đề nghị người dân mua căn hộ liên hệ với Công ty An Nhân để thỏa thuận việc thực hiện các nội dung liên quan đến quyền, trách nhiệm các bên để giải quyết tranh chấp. Trường hợp không thỏa thuận được, các bên có quyền khiếu kiện ra tòa án dân sự để được xem xét giải quyết.
Để có thông tin đa chiều cung cấp cho độc giả, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Tuyên, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư và phát triển An Nhân. Tuy nhiên, ông Tuyên cho biết "đang bận, sẽ liên lạc lại sau".
Chậm tiến độ là tình trạng xảy ra ở không ít dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ. Theo báo cáo ngày 26/2/2021 của Hiệp hội Bất động sản TPHCM, trong 32 dự án đang gặp vướng mắc, chưa được giải quyết của 21 doanh nghiệp bất động sản có dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, Lê Thành An Lạc của Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành. Những vướng mắc mà doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội thường gặp liên quan đến quyết định miễn tiền sử dụng đất và thời hạn sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các thủ tục vay vốn, thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng...
Dù với lý do nào thì việc người dân mòn mỏi chờ được vào ở trong những căn hộ giá rẻ là câu chuyện rất đáng để suy ngẫm.
(Còn nữa)