pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Giấc mơ” có nhà ở TPHCM ngày càng xa với lao động nhập cư
Ảnh minh họa
Bài 1: Tôi đi mua đất vùng ven
Trong vai khách hàng cần tìm lô đất nền giá rẻ vùng ven, tôi được một người môi giới tên Nam dẫn về xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TPHCM). Khu đất nằm trong con đường bụi mù mịt, chỉ cách đường Vườn Thơm khoảng 100 mét.
Một bãi đất trống trơ trọi hiện ra, cỏ mọc xanh um. Ước tính, dự án có khoảng hàng trăm nền, giá dao động từ 20 triệu đến 24 triệu/m2 tùy vị trí. Theo lời giới thiệu, dự án đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư. Vừa giới thiệu, Nam vừa đưa ra quyết định của UBND thành phố như một minh chứng. Nam cho biết, đây là dự án Bình Lợi Center do Công ty Phú Nhuận Land làm chủ đầu tư. Dự án rộng 5,6ha. "Nếu muốn sở hữu đất nền giá rẻ phải mua ngay từ bây giờ". Khi thấy tôi trao đổi muốn xây nhà ngay để ở, Nam quả quyết "sẽ được nhưng phải đợi thêm một thời gian nữa để hoàn thiện cơ sở hạ tầng".
Theo những tấm pa-nô quảng cáo được dựng dọc một góc của khu đất này, dự án có quy mô 262 nền và khi hoàn thiện hạ tầng sẽ được cấp sổ đỏ với từng nền. Theo lời của Nam, cơ sở hạ tầng gồm đường trải nhựa, điện và nước đầy đủ. Dự án còn có nhiều tiện ích phục vụ cho người dân. Nam đưa ra hợp đồng quy tắc và hướng dẫn các điều trong hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Diện tích mỗi thửa dao động 75-100m2.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm 2020, Phú Nhuận Land đã triển khai bán đất nền bằng hình thức ký hợp đồng với khách hàng theo nguyên tắc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Đến cuối năm 2020, nhiều khách hàng đã thanh toán cho chủ đầu tư hơn 70% giá trị hợp đồng. Số tiền còn lại sẽ được thanh toán sau khi hoàn tất nghĩa vụ hợp đồng.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương. Đại diện UBND xã Bình Lợi khẳng định, ngày 12/2/2020, Phú Nhuận Land mới được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư. Để được phép phân lô, bán nền thì chủ đầu tư phải hoàn thành một số hạng mục công trình để tiến hành hoàn tất các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2020, Phú Nhuận Land đã triển khai bán đất nền.
Vị đại diện UBND xã Bình Lợi xác nhận có sự việc nhiều người kéo đến dự án Bình Lợi Center để giao dịch. Lãnh đạo xã đã chỉ đạo lực lượng chức năng dựng các bảng thông báo cảnh báo người dân. Ngoài ra, UBND xã đã báo cáo về diễn biến liên quan đến dự án này lên UBND huyện Bình Chánh để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Giá tăng chóng mặt
Kể từ khi có thông tin thành lập thành phố Thủ Đức, giá bất động sản tại 3 quận phía Đông gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức liên tục tăng. Giá nhà đất tăng theo từng ngày ở các phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Tăng Nhơn Phú, Long Phước, Long Trường, Phú Hữu...
Trong vai người đi mua nhà, tôi gặp "cò đất" Trần Văn Đương (ngụ quận 9). Lý giải sự tăng giá từng ngày của nhà đất ở thành phố mới này, "cò" Đương cho biết, do hệ thống đường sắt metro kết nối từ thành phố Thủ Đức đến khu trung tâm TPHCM sắp được vận hành. Thành phố Thủ Đức lại tiếp giáp với sân bay quốc tế Long Thành đang được triển khai nên giới đầu tư tranh thủ "gom hàng" chờ thời cơ. "Cò" Đương khẳng định, có tiền đầu cơ vào nhà đất không thể lỗ vốn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những khu vực dễ "làm giá" nhà đất thuộc những phường trung tâm hành chính của thành phố Thủ Đức. Tại phường Thạnh Mỹ Lợi, giá đất rao bán dao động từ 155 triệu đồng đến 390 triệu đồng/m2. So với cách đây 1 tháng, giá đất ở đây tăng gấp 3,5 lần. Ở những khu vực giáp khu trung tâm thuộc quận 9 (cũ), giá đất tăng lên 100 triệu đồng/m2. So với cuối năm 2020, giá đất ở đây tăng gấp đôi.
Muôn kiểu "sang tay" của "cò" đất
Chia sẻ với chúng tôi, anh N.N.T. (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) cho biết, cuối năm 2020, anh có nhu cầu bán căn nhà có diện tích gần 100m2, gồm 1 trệt, 2 lầu với giá 2,7 tỷ đồng. Tờ giấy rao bán nhà vừa được dán thì có một nhóm người đến hỏi mua. Một người phụ nữ tự xưng tên Lan với vai trò "cò" nhà đất. "Cò" Lan cho rằng, nhà của anh T. nằm trong diện quy hoạch "treo". Những lúc triều cường, đường vào nhà ngập nước nên giá bán 2,7 tỷ đồng sẽ không có khách mua. Sau một hồi thương lượng, "cò" Lan hứa nếu chủ nhà đồng ý bán với giá 2,4 tỷ đồng, đồng thời trả thêm 2% phí môi giới thì "cò" Lan sẽ dẫn người đến xem và đặt cọc ngay trong ngày.
Do cần bán nhà gấp nên anh T. đồng ý. "Cò" Lan liền gọi điện thoại cho một người đàn ông tên Đương đến xem nhà. Khoảng 15 phút sau, người đàn ông tên Đương xuất hiện cùng với 2 người khác. Xem một vòng căn nhà, người này đồng ý mua và ký hợp đồng đặt cọc. Trong hợp đồng thể hiện, ông Đương sẽ trả trước 10% giá trị căn nhà, trong vòng 2 tháng sau sẽ trả tiếp 85% giá trị căn nhà tại phòng công chứng. Còn lại 5% chờ có giấy hẹn lấy sổ hồng sẽ trả dứt điểm.
Sau khi thương lượng, anh T. ký hợp đồng đặt cọc với ông Đương và nhận 10% tiền đặt cọc. Những ngày sau đó, ông Đương liên tục dẫn từng tốp người đến xem nhà của anh T. Có một vị khách ưng ý mua lại căn nhà từ tay ông Đương với giá thỏa thuận của 2 bên. Không cần chờ đến hạn theo giấy đặt cọc, ông Đương liên lạc lại với anh T. về việc yêu cầu giao nhà trước thời hạn. Ngày hẹn đến phòng công chứng, ông Đương dẫn khách cùng anh T. làm các thủ tục. Khách mua nhà chuyển khoản trực tiếp cho anh T. và thủ tục sang nhượng được thực hiện giữa anh T. với vị khách. Đến lúc này, anh T. mới hiểu đây là hình thức "lướt sóng" của Đương, vừa có thể tránh được thuế thu nhập cá nhân vừa giảm rủi ro. Trường hợp nhà khó bán, Đương có thể bỏ vốn để "lên đời" nhà phố rồi bán ở mức cao hơn.
Hình thức mua bán "sang cọc", "lướt sóng" kiếm lời này hiện khá phổ biến. Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cảnh báo giá nhà đất tại TPHCM tăng đột biến như thời gian qua dễ xảy ra tình trạng "bong bóng" nếu không được kiểm soát. Nhà nước cần có chính sách quản lý thông qua các sàn giao dịch bất động sản. Giao dịch nhà đất không thông qua sàn khiến người dân dễ bị dẫn dắt bởi tin đồn và bị "thổi giá".
(Còn nữa)