pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngân hàng Nhà nước và Hội LHPN Việt Nam sẽ phối hợp để nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ và bình đẳng giới
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của ngành ngân hàng giai đoạn 2021 - 2030, kết quả nghiên cứu hiện trạng nữ giới ngành ngân hàng và tọa đàm với chủ đề "Phụ nữ ngân hàng: Bình đẳng, tiến bộ vì mục tiêu phát triển bền vững".
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Trưởng ban Ban vì sự tiến bộ của Phụ nữ ngành Ngân hàng, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện nay nữ giới chiếm hơn 58% tổng số lao động trong ngành ngân hàng.
Trong thời gian qua, Ban Vì sự tiến bộ của Phụ nữ ngành ngành Ngân hàng và Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp tích cực để triển khai các hoạt động hướng tới mục tiêu bình đẳng giới, thúc đẩy cơ hội, sự tham gia và quyền thụ hưởng của nữ cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động ngành ngân hàng; phối hợp, sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai hoạt động bình đẳng giới; luôn đảm bảo cán bộ nữ được chăm lo đầy đủ và kịp thời các quyền lợi về vật chất và tinh thần...
Theo "Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021-2030", tỷ lệ cán bộ nữ giữ vị trí lãnh đạo cấp Vụ hoặc tương đương của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước đạt ít nhất 25% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Đến năm 2025 và các năm tiếp theo đến 2030, 100% cơ quan, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có nữ cán bộ lãnh đạo chủ chốt (cấp phòng trở lên).
Trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ nữ ngành Ngân hàng; hướng đến đạt được các mục tiêu bình đẳng giới đặt ra trong giai đoạn tiếp theo của Ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, thủ trưởng các đơn vị cần xác định phát triển đội ngũ cán bộ nữ là nội dung quan trọng trong triển khai công tác cán bộ. Các chương trình, kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới và hoạt động công đoàn, nữ công cần hướng đến các giải pháp thực chất, hiệu quả, tránh mang tính hình thức.
Đặc biệt, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ rõ, vấn đề "tiến bộ phụ nữ" không phải chỉ là đưa phụ nữ vào quy hoạch và bổ nhiệm giữ vị trí cao hơn. Đó là phụ nữ cần được trao cơ hội bình đẳng trong học tập, tiếp cận thông tin và thể hiện năng lực bản thân; được tạo điều kiện để chăm sóc gia đình trong suốt quá trình công tác
Vì vậy, cần tăng cường triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng lãnh đạo, quản lý; kỹ năng cân bằng giữa công việc và gia đình; tăng cường tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong việc triển khai công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và các phong trào thi đua mang tính đặc thù về giới trong ngành Ngân hàng; thúc đẩy triển khai các giải pháp để phụ nữ ngành Ngân hàng thể hiện trách nhiệm xã hội, có đóng góp vào sự phát triển chung của phụ nữ Việt Nam và của cộng đồng;
Được biết, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và Hội LHPN Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo Chương trình phối hợp nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách về tài chính toàn diện; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các nguồn tín dụng khác để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận một cách thuận lợi phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cao thu nhập cải thiện đời sống và các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu; qua đó góp phần nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới.