pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngành công nghiệp chụp ảnh cưới tỷ đô trở lại sau Covid-19
Bộ phim "China Love" của nhiếp ảnh gia người Úc Olivia Martin-McGuire khám phá ngành công nghiệp ảnh cưới trị giá tỷ đô ở Trung Quốc
Khi cặp đôi người nổi tiếng Carlos Chan và Shiga Lin thông báo rằng họ sẽ tổ chức đám cưới vào ngày 24/4 tới, mạng xã hội đã bùng nổ với những lời chúc phúc. Ca sĩ Lin và diễn viên Chan đã thông báo về đám cưới của mình bằng cách tung ra các bức ảnh chụp cô dâu, chú rể trước ngày cưới, một truyền thống có thể xa lạ với nhiều người phương Tây.
Để chuẩn bị cho đám cưới vào tháng 4, Carlos Chan (chú rể) và Shiga Lin (cô dâu) đã bay đến Nhật Bản để chụp ảnh trước ngày cưới. Dù Carlos đã bận rộn với công việc và để Shiga quyết định hầu hết kế hoạch cho đám cưới, anh vẫn đích thân sắp xếp để bộ ảnh được chụp ở Nhật Bản - nơi có ý nghĩa đặc biệt với Shiga. Cô đã được nuôi nấng một mình bởi mẹ - người đã sống 20 năm ở Nhật Bản. Shiga cũng đã lấy tên theo họ Nhật của mẹ cô.
Không giống như các đám cưới ở phương Tây và nhiều quốc gia khác, khi mà các bức ảnh cưới sẽ được chụp vào đúng ngày trọng đại, ở Hồng Kông, các bức ảnh sẽ được chụp một vài tuần, thậm chí vài tháng trước ngày tổ chức đám cưới.
"Các bức ảnh trước ngày cưới thường được chụp 3 đến 9 tháng trước đám cưới của cặp đôi", nhiếp ảnh gia Jenny Tong cho hay. "Như vậy là để cặp đôi có thể chia sẻ câu chuyện tình yêu một cách hữu hình với các vị khách cưới".
Tương tự như ở Hồng Kông, các cặp đôi ở thành phố Thượng Hải của Trung Quốc cũng tổ chức chụp ảnh cưới trước khi bước vào hôn lễ. Nhiếp ảnh gia người Úc Olivia Martin-McGuire, người dành 4 năm ở Thượng Hải, đã bị mê hoặc bởi truyền thống chụp ảnh này tới mức cô lấy nó làm chủ đề cho bộ phim đầu tay. China Love (tạm dịch: Tình yêu Trung Hoa), phát hành vào năm 2018. Phim đi sâu vào ngành công nghiệp chụp ảnh trước ngày cưới, trị giá hàng tỷ đô và khám phá thế giới của những bộ ảnh với chủ đề giả tưởng. Olivia kể rằng bộ phim không chỉ nói về ảnh cưới mà còn khám phá vấn đề của sự tự do, địa vị, tài chính và "giấc mơ Trung Hoa".
Truyền thống chụp ảnh trước ngày cưới đến từ đâu thì vẫn chưa thực sự rõ ràng. Nhiếp ảnh gia Hồng Kông KC Chan có một giả thuyết: "Tôi nghĩ nó ra đời cùng với ngành kinh doanh váy cưới". Nhiếp ảnh gia này đưa ra nhận định này ở bởi có những bộ ảnh cưới bao gồm nhiều bộ váy cưới khác nhau.
Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Derek Ko thì nhìn nhận ở khía cạnh tích cực của việc chụp ảnh cưới. "Các bộ ảnh trước ngày cưới là một điều tốt vì chúng giúp các cặp đôi ngại máy ảnh thả lỏng hơn. Họ có thể coi chúng như cuộc tập dượt trước ngày trọng đại", Derek Ko nói.
Những điểm đến lý tưởng để chụp ảnh cưới
Nhiếp ảnh gia Derek Ko nói rằng, thời tiết đóng một vai trò lớn trong việc quyết định khi nào và tại đâu khi để các cặp đôi thực hiện chụp ảnh cưới. Derek Ko chia sẻ, các chuyến chụp ảnh ở nước ngoài đang ngày càng trở nên phổ biến. "Rất nhiều các cặp đôi đến Nhật Bản vào tháng 3 hay tháng 4 để bắt kịp mùa hoa anh đào nở. Mùa thu, khi lá cây phong ở đó chuyển màu đỏ rực và cam, cũng được nhiều cặp đôi lựa chọn. Tôi đã thực hiện nhiều bộ ảnh ở New Zealand tại Hồ Takepo nổi tiếng".
Các điểm chụp ảnh cưới được nhiều cặp đôi ưu thích gồm có: Paris (Pháp), Tuscany (Ý), Prague (Czech) và Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là những địa điểm được xem là có phông nền rất đẹp để chụp các bộ ảnh cưới.
Nhiếp ảnh gia Chan nói rằng một số cặp đôi muốn các bức ảnh được chụp tại các địa điểm có ý nghĩa về mặt cảm xúc với họ, ví như nơi họ gặp nhau lần đầu. Derek Ko cho hay, một số cặp đôi yêu thích yoga muốn các bức ảnh trước ngày cưới của mình có chủ đề là bộ môn này.