Ngành sản xuất rượu, bia đang bị xem là… tội đồ?

23/05/2019 - 17:43
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho biết, ông có cảm giác nhiều đại biểu coi ngành sản xuất rượu, bia như một “tội đồ”. Bản thân ông thấy không công bằng với ngành này khi bị “đánh đồng” với việc là nguyên nhân gây ra hậu quả khôn lường từ việc uống rượu, bia.

Không công bằng cho ngành rượu, bia

Cuộc thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sáng 23/5 tại Quốc hội khá sôi nổi, được Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ví von rằng "không khí cuộc họp đang nóng lên mấy chục độ".

Nhiều nội dung của dự luật đang bị “vênh” giữa các đại biểu, đơn cử là cách đặt vấn đề về tác hại bia, rượu trong mối tương quan với hoạt động kinh doanh sản xuất thức uống này.

bui-van-xuyen-thai.jpg
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình). Ảnh: VPQH 

Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, ông không đồng tình với ý kiến của khá nhiều đại biểu khi phát biểu coi ngành sản xuất rượu, bia như một tội đồ.  “Tôi không phải trong ngành và cũng không quá ủng hộ ngành này nhưng tôi thấy có gì đấy không công bằng” – ông nói.

Đại biểu Xuyền dẫn chứng, hàng chục nghìn tỷ hằng năm, hàng trăm nghìn lao động đang kiếm sống hàng ngày, đóng góp cho ngân sách nhà nước, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Bác Hồ năm 1960 khi thăm nhà máy bia Trúc Bạch, Bác đã khuyến khích ngành sản xuất. Nói đi cũng phải nói lại, vì sức khoẻ của người dân thì đúng rồi, trong từng giai đoạn, mỗi một giai đoạn có sự phát triển khác nhau và có điều chỉnh khác nhau” – đại biểu tỉnh Thái Bình nêu quan điểm.

Với dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, ông Bùi Văn Xuyền khẳng định giai đoạn này đồng tình rằng việc lạm dụng rượu, bia có vấn đề và chúng ta cần thiết ban hành luật, việc làm này là đúng lộ trình.

Tuy nhiên, không thể vì một việc này, việc kia mà bỏ hoàn toàn công lao của một ngành sản xuất. “Chúng ta phải tính toán đến vấn đề xã hội, phát triển kinh tế - xã hội và có lộ trình, có thực tiễn, không phải bỏ toàn bộ bộ, ngành, cấm đoán hoàn toàn. Hai doanh nghiệp lớn nhất của nhà nước là Sabeco và Habeco vừa cổ phần hóa, rất nhiều vấn đề đầu tư nước ngoài” – đại biểu Bùi Văn Xuyền nói.

Theo ông, có nhiều vấn đề không thể đưa vào luật này được, vì đều có các luật chuyên ngành rồi. Với dự luật này, chỉ nên tập trung vào vấn đề tuyên truyền, vận động và quan trọng nhất là văn hóa.

"Sử dụng rượu, bia nó là văn hoá hàng đời nay và bây giờ cách ứng xử của chúng ta cũng phải là văn hóa, còn nếu là luật cũng chưa phải là giải pháp tối ưu” – đại biểu Bùi Văn Xuyền nêu ý kiến.

“Không được uống rượu là tước đoạt tự do!”

Khi nói về cách tiếp cận với dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thăng thắn cho rằng, lẽ ra luật này cần phải tiếp cận từ văn hoá. Theo ông, bản báo cáo trình Quốc hội là của Chính phủ, nhưng rõ ràng dấu ấn của Bộ Y tế quá nặng và có xu hướng hơi biệt lập, thậm chí là nó hơi cực đoan.

“Ai cũng biết câu thơ nằm lòng của Bác Hồ “Trong tù không rượu, cũng không hoa”, để nói con người bị tước đoạt tự do là không được ngắm hoa, không được uống rượu. Trong di cảo của Bác Hồ có rất nhiều bài thơ rất hay về rượu, “khi nghe tin thắng trận lâng lâng như được uống mấy chén rượu”, nó là văn hóa của cả nhân loại rồi, tại sao ta đưa nó lên đoạn đầu đài như thế này?” – đại biểu Trung Quốc dẫn chứng.

duong-trung-quoc-d.jpg
ĐB Dương Trung Quốc. Ảnh: VPQH 

Ông cũng khẳng định rằng sẽ thẩm tra lại một văn bản được lưu truyền ở Quốc hội do Tổ chức y tế thế giới ở Việt Nam trên bìa đề chữ “Uống rượu, bia có hại cho sức khoẻ”. “Đấy có phải là thông điệp của thế giới không? Trong khi đó là một văn hoá tồn tại bao nhiêu năm rồi. Nếu còn nhìn ở góc độ đó chúng ta sẽ mãi mãi đi vào sự không thực tế, không khả thi và đi ngược lại xu thế chung” – nhà sử học nêu quan điểm của mình.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, cần nhận thức mặt trái của bia, rượu ở khía cạnh năng lực quản lý. Bởi cách đặt vấn đề của dự luật này, ông cho là đang né tránh mặt yếu nhất của chúng ta là năng lực quản lý, năng lực kiểm soát, kiểm soát của nhà nước và mỗi một con người tự kiểm soát mình, từ vấn đề sản xuất, tiêu thụ, sử dụng.

“Nếu chúng ta làm được như thế thì sẽ bền vững, đồng thời vẫn khai thác được mặt tích cực của bia, rượu trên thị trường cũng như trong đời sống” – ông nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm