pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngành Xuất bản góp phần tạo nên sức mạnh mềm quốc gia
Đại hội Đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ V diễn ra vào ngày 12/7
Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam khóa V (nhiệm kỳ 2023-2028) diễn ra vào ngày 12/7 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 250 đại biểu, đại diện cho hơn 11.000 hội viên.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: "Trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu sách vào những năm trước giờ đã vươn lên phát triển cả về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực ngang tầm khu vực với hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm".
Theo đánh giá của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nội dung sách ngày càng phong phú, toàn diện, đa dạng về chủ đề; chất lượng chính trị, văn hóa trong các xuất bản phẩm không ngừng được nâng cao; đội ngũ những người làm xuất bản đã và đang phát huy vai trò tiên phong, không quản khó khăn, gian khó, đổi mới, sáng tạo thực hiện tốt trách nhiệm, sứ mệnh của của mình; tích cực, chủ động trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; tham gia xây dựng đảng, phòng chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, bảo vệ chủ quyền biển, đảo...; mảng sách có nhiều ấn phẩm thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, văn học, khoa học công nghệ, tôn giáo, sách cho thiếu nhi, sinh viên thuộc nhiều xu hướng, góc nhìn khác nhau đã được xuất bản, cung cấp đến bạn đọc cả nước.
"Điều đó đã góp phần tạo nên sức mạnh mềm quốc gia, góp phần xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đáng tự hào, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam trong nhiệm kỳ qua: "Tổ chức Hội chưa thực sự lớn mạnh, cơ cấu, số lượng hội viên là các cá nhân, tổ chức tham gia chưa đông, chưa phát huy được tổng hợp sức mạnh của hội viên; một số hoạt động chưa mang tầm quốc gia trong triển khai thực hiện; đề xuất ban hành văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù đối với xuất bản chưa mạnh mẽ; chưa tổ chức được nhiều diễn đàn, hoạt động để hội viên trao đổi thông tin nghề nghiệp; việc tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho hội viên chưa thường xuyên, liên tục; công việc của Hội bị hạn chế trong thường trực, thường vụ: nhiều ủy viên ban chấp hành chưa hoạt động đúng với chức trách được phân công; chưa tạo được nguồn kinh phí để có thể tổ chức nhiều hoạt động phục vụ hội viên tốt hơn...".
Từ đó, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, gợi mở thêm một số vấn đề để Ban chấp hành nhiệm kỳ mới thực hiện:
Thứ nhất, ngành Xuất bản và Hội Xuất bản Việt Nam cần nắm vững, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; có những giải pháp, biện pháp cụ thể, mạnh mẽ, khả thi để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống...
Thứ hai, Hội Xuất bản Việt Nam cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí của mình là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của người làm công tác xuất bản, là một trong những Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức, đa dạng hóa các nội dung hoạt động phù hợp trong bối cảnh thời đại 4.0, ngành Xuất bản phải triển khai hiệu quả việc chuyển đổi số, tiếp tục phát triển và thích ứng với thế giới số hóa ngày càng phát triển.
Tích cực, chủ động triển khai các giải pháp để đưa Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 hàng năm và Giải thưởng Sách Quốc gia lan tỏa, trở thành sự kiện văn hóa nổi bật; phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về truyền thông Sách quốc gia, góp phần định hướng cho văn hóa đọc của xã hội, đồng thời biểu dương, tôn vinh những tác phẩm và tác giả có đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xuất bản nước nhà...
Thứ tư, tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực hoạt động của Hội, đáp ứng bước phát triển nhanh của xuất bản và vị thế mới của Hội Xuất bản hiện nay. Cần quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển hội viên...
Thứ năm, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong Hội Xuất bản Việt Nam và trong các nhà xuất bản, công ty phát hành sách.
Ông Phạm Minh Tuấn được bầu là Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa V
Tại Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, các đại biểu đã bầu ra 37 Ủy viên Ban chấp hành. PGS.TS Phạm Minh Tuấn - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản được bầu là Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Bốn Phó Chủ tịch gồm: ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản; ông Tống Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Đỗ Quang Dũng - nguyên Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật; bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM.
Phát biểu kết thúc Đại hội, ông Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ 2023 - 2028 sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng Hội Xuất bản Việt Nam vững mạnh; nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục phát triển ổn định hệ thống các nhà xuất bản; hoàn thiện các đề án, quy hoạch ngành xuất bản theo hướng đổi mới tư duy, có giải pháp đồng bộ để giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành như đổi mới mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, nâng cao hiệu quả quản trị.
Hội sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện để các công ty phát hành sách, công ty công nghệ có cơ chế tham gia, đóng góp các ý tưởng, sáng kiến, thành tựu, tạo sự đột phá mạnh mẽ cho ngành Xuất bản.