“Chống chỉ định” phụ nữ ra đồng
Những cơn mưa rả rích mang theo cái lạnh tê tái càng khiến cho làng quê vùng biển Hải Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa,) thêm buồn thảm sau cú sốc ngao chết. Chỉ còn ít ngày nữa là Tết nhưng ở xã Hải Lộc lúc này, đi đâu, gặp ai cũng chỉ thấy nỗi buồn nặng trĩu và nước mắt vắn dài.
Với người dân nơi đây, con ngao là cứu cánh, là sự sống của họ. Ngao bỗng lăn đùng ra chết và chết đúng thời điểm “nhạy cảm” - chuẩn bị thu hoạch nên người dân càng đau hơn. Con số 201ha ngao gần như bị xóa sổ khiến 208 hộ nuôi ngao xót xa vì hàng trăm tỉ đồng mất trắng.
Cánh đồng ngao hơn 200ha gần như bị xóa sổ |
Người dân Hải Lộc quanh năm đương đầu với sóng gió biển khơi, họ rắn rỏi hơn ai hết nhưng tất cả đã phải rơi nước mắt trước cú sốc được xem là “lịch sử”. Theo con số thống kê ban đầu, với số ngao chết hiện lên đến khoảng 80%, hộ gia đình thiệt hại lớn nhất lên đến 9 tỉ đồng, hộ ít cũng 500 triệu đồng.
Số tiền trên là quá lớn và càng lo lắng hơn khi biết có đến 99% số hộ nuôi ngao phải vay mượn ngân hàng, người thân. “Gia đình tôi mất trắng, số tiền đầu tư hết 2 tỉ đồng chẳng thu được đồng nào. Dự kiến dịp này thu hoạch ngao sẽ trả ngân hàng nhưng tình hình hiện tại chẳng biết tính toán thế nào”, anh Đinh Văn Tập, thôn Y Bích, rầu rĩ.
Thu dọn ngao chết để tiêu hủy |
Anh Tập là người mạnh mẽ nhưng cũng đã không cầm nổi nước mắt khi ngồi tâm sự với chúng tôi. Thương mình một, anh Tập thương vợ trăm lần. Anh kể, hôm biết tin ngao chết, anh cùng vợ là chị Đỗ Thị Hằng vội vã lội bùn ra thăm đồng. Nhìn thấy cảnh tượng ngao chết trắng ruộng, chị Hằng đã gào khóc rồi ngất lịm. “Từ hôm đó, tôi không dám để vợ ra đồng. Nếu bây giờ biết đã mất hết, vợ tôi sẽ không chịu đựng nổi”, anh Tập nói.
Suốt chục ngày qua, nhà chị Hằng - anh Tập lúc nào cũng cửa đóng then cài. Chị bảo, phần vì mệt mỏi, phần vì sợ người ta đến nhà đòi nợ. Mỗi lần, nghe ai gọi cửa là chị giật bắn mình. 2 tỉ đồng để đầu tư nuôi ngao, hầu hết vợ chồng chị Hằng phải vay mượn. Theo “thông lệ”, vào dịp gần Tết, nhà anh Tập sẽ thu hoạch ngao và trả nợ. Thế nhưng, với tình cảnh hiện tại, vợ chồng họ chưa biết “đối phó” thế nào.
Ngao chết chất thành đống |
Gia đình chị Phạm Thị Hằng ở thôn Lộc Tiên còn mất nặng nề hơn. Vợ chồng chị Hằng đã đầu tư 9 tỉ đồng để nuôi ngao. "Canh bạc" lớn được ươm trồng suốt nhiều năm qua giờ mất sạch.
Từ hôm ngao chết, chị Hằng choáng váng rồi lăn ra ốm. Suốt chục ngày qua, anh Ba - chồng chị Hằng - không dám để vợ ra thăm đồng lần nào nữa. “Không phải gia đình tôi màhầu hết các gia đình nuôi ngao đều phải “cấm” phụ nữ ra đồng. Họ không thể chịu đựng nỗi sự mất mát này”, anh Ba buồn rầu tâm sự.
1 nhà mất ngao, 10 người mất việc
Người mất ngao đương nhiên xót của nhưng hàng nghìn phụ nữ ở xã Hải Lộc dù không nuôi ngao cũng mang nỗi buồn tê tái. Bãi ngao rộng hàng trăm hecta ở Hải Lộc đã mang đến công ăn việc làm ổn định cho cả nghìn lao động nữ. Trung bình 1 hộ nuôi ngao sẽ giải quyết việc làm cho 10 lao động nữ ở địa phương.
Chiều 11/1/2017, chúng tôi đã tìm tới cánh đồng ngao của người dân xã Hải Lộc để tìm hiểu thực tế. Trong cơn mưa rả rích cùng mùi hôi thối nồng nặc của ngao chết bốc lên, hàng trăm phụ nữ làm thuê vẫn đang cần mẫn thu dọn ngao chết để mang đi tiêu hủy. Nhìn những đống ngao chất cao như núi, ai cũng ngậm ngùi, xót xa.
Cú sốc quá lớn đối với người nuôi ngao |
Được biết, ngao bắt đầu chết bất thường từ ngày 20/12/2016. Đây là lần ngao chết lớn nhất trong mấy chục năm qua. Với kinh nghiệm của mình, sau khi ngao chết, người dân đã bắt tay vào tìm hiểu nguyên nhân.
Ngay lập tức, họ biết ngao chết không phải do dịch bệnh. Một “tổ điều tra đặc biệt” được các hộ nuôi ngao lập ra và âm thầm theo dõi. 4h sáng ngày 31/12/2016, sau nhiều ngày mật phục, họ đã bắt được vợ chồng Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ, trú ở xã Ngư Lộc, đang đổ hàng chục phuy chất thải lạ xuống biển.
Lúc bắt được vợ chồng Thành - Huệ, 11 thùng phuy chất thải đã đổ hết xuống vùng nuôi ngao của các hộ dân. Trên thuyền, chỉ còn lại 4 thùng phuy loại 50 lít/thùng. Cả người và tang vật sau đó đã được bàn giao cho chính quyền địa phương. Vợ chồng Thành - Huệ bước đầu khai nhận, đã được cơ sở chế biển hải sản HT ở xã Ngư Lộc thuê đi đổ chất thải ra biển.
Nếu cánh đồng ngao bị nhiễm độc nặng thìnhững người phụ nữ làm thuê này sẽ thất nghiệp |
Chánh văn phòng UBND huyện Hậu Lộc - ông Trịnh Cao Sơn - cho biết: Hiện tại, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện vẫn đang điều tra để làm rõ nguyên nhân ngao chết. Mẫu nước, mẫu thải đã được lấy để mang đi kiểm nghiệm. “Tài sản của người dân bị thiệt hại rất lớn. Nếu xác định được thủ phạm khiến ngao chết, quan điểm của huyện là sẽ xử lý thật nghiêm, không có sự bao che, dù đó là ai”, ông Sơn nói.
Dù nghi phạm đã bị bắt, song những người dân nuôi ngao tại xã Hải Lộc vẫn rất lo lắng bởi sau lời khai của vợ chồng Thành - Huệ, chưa thấy cơ quan chức năng đến kiểm tra cơ sở chế biến HT. “Sự việc đã diễn ra hơn 10 ngày, nếu không vào cuộc ngay thì doanh nghiệp đó sẽ tẩu tán hết mọi chứng cứ”, một hộ dân nuôi ngao lo lắng.
Vụ ngao năm nay xem như đã bị xóa số nhưng điều người dân lo lắng hơn cả là nếu bãi biển bị đầu độc bằng hóa chất thì đến bao giờ họ mới có thể nuôi ngao trở lại? Nếu trong vòng 3 hoặc 5 năm, thậm chí nguy cơ bãi ngao mãi mãi thành bãi chết, thì sẽ có rất nhiều gia đình ở Hải Lộc đối diện với nguy cơ phá sản, nhiều phụ nữ địa phương sẽ thất nghiệp…
Báo PNVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.