Ngay cả giáo viên cũng khó hình dung môn học trải nghiệm sáng tạo

26/04/2017 - 17:03
Nhiều giáo viên, lãnh đạo các trường học ở Hà Nội đều chưa hình dung cụ thể về “hình hài” môn học trải nghiệm sáng tạo. Đây là một trong những môn học mới thuộc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ được triển khai từ năm học 2018-2019.

Theo bà Phạm Thị Minh An, Hiệu trưởng THPT Olympia, mặc dù dự thảo chương trình phổ thông mới có định nghĩa về môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhưng giáo viên vẫn chưa hình dung hết về môn học mới này.

“Dự thảo chương trình phân bổ mỗi tuần học 3 tiết môn này, nhưng chúng tôi vẫn chưa hiểu rõ học sinh sẽ được học những gì. Bởi nếu nói về sáng tạo và trải nghiệm thì bất cứ môn học nào cũng cần 2 yếu tố đó”, bà Minh An nêu quan điểm.

Nữ hiệu trưởng này cho rằng, thay vì là một môn học độc lập, riêng biệt, chương trình mới nên xem đây là một phương pháp học và trải đều vào các môn học khác. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu về chân dung học trò thế hệ mới có tư duy, kỹ năng và sáng tạo.

 Học sinh Hà Nội sẽ học thêm nhiều môn học mới từ năm 2018-2019. Ảnh minh họa

Đại diện THPT Lê Quý Đôn (Q.Đống Đa) cũng đồng quan điểm khi băn khoăn chưa biết sẽ tổ chức dạy học môn này như thế nào trong điều kiện thực tiễn của các trường hiện nay. Lớp 10 có 70 tiết, lớp 11 và 12 có 15 tiết môn học này. Số lượng tiết học không hề nhỏ, vì vậy nên phân bổ về kèm theo từng môn học để giáo viên dễ định hướng.

Còn nếu dạy thành môn học riêng, sẽ gây không ít khó khăn trong đào tạo giáo viên, kinh phí thực hiện hay cơ sở vật chất của nhà trường chưa thể đáp ứng.

Một nữ giáo viên trường THPT Việt Đức tỏ ra hoang mang với môn học mới này vì "mỗi môn học đều cần có trải nghiệm sáng tạo nên Bộ GD&ĐT cần cân nhắc sắp xếp, coi đây là môn học riêng hay chỉ là phương pháp học. Không chỉ môn học này, chúng tôi mong muốn tất cả các môn học mới cần được trao đổi rộng rãi lấy ý kiến của chính giáo viên".

“Bản thân các trường cũng cần trao đổi với giáo viên để họ chuẩn bị tâm thế cho sự đổi mới. Việc tập huấn cho giáo viên cần thực chất, sát với chương trình. Các tổ chuyên môn cũng cần có phương án về nhân sự trước yêu cầu thay đổi cơ cấu môn học”, đại diện trường THPT Việt Đức nêu quan điểm.

 Ản minh họa

Bà Nguyễn Thanh Tịnh, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, cho rằng, nếu Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là một môn học độc lập thì cần phải có kinh phí để tổ chức các hoạt động cho học sinh.

“Kinh phí cho việc tổ chức sẽ được tính toán như thế nào? Các trường tư thục thì có thể huy động phụ huynh đóng góp, nhưng với trường công lập, huy động các nguồn xã hội hóa hiện gặp rất nhiều khó khăn”, bà Tịnh trăn trở.

Về những băn khoăn này, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, hiện tại theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi tháng học sinh các trường đều có 4 tiết hoạt động tập thể. “Đây chính là khung giờ thay thế bởi môn Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bộ GD&ĐT sẽ nêu khung giờ nhất định cho môn học và gợi ý nội dung môn học để giáo viên dễ hình dung thực hiện”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của đông đảo dư luận, giáo viên, chuyên gia giáo dục… trên cả nước và sẽ kết thúc vào ngày 20/5/2017.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm