Cần có sự chuẩn bị tốt về an sinh xã hội để thích ứng với một xã hội già hóa

Bài và ảnh: An Khê
26/12/2021 - 11:49
Cần có sự chuẩn bị tốt về an sinh xã hội để thích ứng với một xã hội già hóa

Ảnh minh họa

Nếu trước đây, chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới đã có phạm vi rộng lớn hơn.
Bước ngoặt quan trọng trong chính sách

Một trong những thành công của chính sách dân số mà Việt Nam thực hiện trong suốt 60 năm qua là kiểm soát mức sinh, hướng tới mục tiêu giảm sinh. Liên tục 15 năm nay, Việt Nam luôn ở mức sinh thay thế. Đây được xem là một thành tựu lớn trong công tác DS-KHHGD, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, nâng cao các chỉ số sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bức tranh chung về mức sinh vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền. Hiện nay mức sinh trong cả nước không đồng đều, được phân thành 3 vùng khác nhau gồm: 21 vùng mức sinh thấp 33 vùng mức sinh cao, 9 vùng mức sinh thay thế.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của người dân. Cụ thể là đến năm 2030 sẽ tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp. Giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao. Đồng thời duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.

Theo TS. Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Dân số, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), Nghị quyết về công tác dân số trong tình hình mới khẳng định phương hướng chiến lược mới cho công tác dân số của Việt Nam: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững".

TS. Dương cũng cho rằng, chuyển trọng tâm trong công tác dân số không có nghĩa là từ bỏ KHHGĐ mà KHHGĐ sẽ được thực hiện theo phương thức mới. Đó là "giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; Duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; Thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp". Để làm được điều này, công tác dân số cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, vận động về dân số và phát triển.

Ngày Dân số Việt Nam 26/12: Cần có sự chuẩn bị tốt về an sinh xã hội để thích ứng với một xã hội già hóa - Ảnh 1.

TS. Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông Dân số, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế)

Nhận diện những thách thức

Các chuyên gia dân số cho rằng, thách thức lớn nhất chính là quy mô dân số lớn, mật độ dân số rất cao. Theo dự báo, dân số Việt Nam vẫn tiếp tục tăng nhưng chậm lại (giai đoạn 2009-2019 bình quân hàng năm khoảng 1%, sau đó sẽ dưới 1%). Dân số đông là một thị trường lớn, hấp dẫn đầu tư nhưng cũng là thách thức lớn về an ninh lương thực, năng lượng. Bên cạnh đó, dù tỉ lệ dân thành thị thấp nhưng tốc độ di cư, đô thị hóa, tích tụ dân số đang diễn ra khá mạnh. Di dân góp phần thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất lao động nhưng việc tích tụ dân số với mật độ rất cao cũng dẫn tới nhiều áp lực tới hạ tầng cơ sở; gây tắc ách giao thông, ô nhiễm môi trường…

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh không được khắc phục, luôn ở mức cao và ngày càng lan rộng. Mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ đã ở mức cao, ngày càng lan rộng, từ 45/63 vào năm 2009 thì sau 10 năm đã lan ra 55/63 tỉnh, thành phố.

"Chúng ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng dân số bước vào quá trình già hóa với tốc độ nhanh vào nhóm đầu của thế giới. Theo dự báo, Việt Nam sớm trở thành nước có dân số già trong khoảng 27 năm (2011-2038). Điều đáng nói là chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt về an sinh xã hội để thích ứng với một xã hội già hóa, chăm sóc và phát huy người cao tuổi một cách tốt nhất. Dù tuổi thọ trung bình đã tăng lên nhưng số năm sống khỏe mạnh trong cả cuộc đời không cao", TS. Dương nhận định.

Nhiều năm nay, Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện các dự án nâng cao chất lượng dân số, như tư vấn tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh… đã thu được những kết quả tốt. Tuy nhiên, các thành công vẫn chỉ mới trong khuôn khổ các dự án.

"Do vậy, để giải quyết các vấn đề dân số thì chúng ta phải chú trọng giải quyết toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững", TS. Dương chia sẻ.




Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm