Bố ơi thùng rác ở đâu?
Chương trình hưởng ứng Ngày Trái đất 2019 với chủ đề “Vì một thế giới không rác thải” vừa được Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR), Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm tổ chức tại phố đi bộ Hồ Gươm… Sự kiện thu hút khá nhiều gia đình tham gia trong một ngày cuối tuần thư thả.
Theo thông tin báo chí, Việt Nam đang đứng thứ 4 về lượng rác nhựa thải ra biển, thứ 17 về ổ nhiễm rác thải nhựa trên thế giới. Hiện nay, cả nước đang xả khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa ra môi trường mỗi ngày, lượng rác thải nhựa ngày một tăng, chưa được thu gom xử lí đúng cách nên phần lớn thải ra sông và dẫn ra biển. Với tình hình này, trong vòng 30 năm tới, đại dương sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn các loại cá.
Bé Lưu Minh Hòa- 8 tuổi - chưa hiểu hết ý nghĩa của các con số đó, nhưng khi cùng bố tham dự hoạt động Chạy vì một thế giới không rác thải xung quanh hồ Hoàn Kiếm, bé khư khư cầm theo bình nước gỗ xinh xắn của mình. Bố bé, anh Lưu Văn Thanh (Phường Cửa Nam) chia sẻ, gia đình anh đi chơi thường mang các đồ dùng cá nhân như bình nước, túi xách….
Một lần đi chơi ở đảo Phú Quốc, con trai anh nhìn thấy một bãi rác lớn ngay bãi biển xinh đẹp là bãi Sao. Trên bãi rác ấy có rất nhiều trẻ chơi đùa. Con trai anh hỏi: “Bố ơi thùng rác ở đâu, sao mọi người lại bỏ rác ra bãi biển?”
“Tôi có nói với con, vì rất nhiều người sử dụng các sản phẩm nhựa 1 lần như túi nilon, các loại cốc nhựa và ăn uống ngay trên bãi biển nên mới có bãi rác này. Con băn khoăn hỏi, sao mọi người không dùng bình nước của mình, không để rác đúng chỗ?”- anh Thanh kể lại.
Từ “trực quan sinh động” khi thấy tác hại của việc sử dụng đồ nhựa 1 lần và bỏ rác không đúng chỗ, bé Hòa luôn nhớ mang theo bình nước, cả khi đi học và khi đi chơi; đi đâu, ăn gì cũng đưa mắt tìm thùng rác. “Bé cũng hay nhắc bạn việc bỏ rác đúng chỗ. Tôi hi vọng những việc nhỏ này sẽ trở thành thói quen của trẻ thì mọi việc mới có thể thay đổi trong tương lai”- anh Thanh nói.
Dạy trẻ những điều thiết thực
Điểm đáng chú ý của sự kiện này thu hút khá nhiều đơn vị tham gia gian hàng trưng bày các ý tưởng tái chế nhựa, giảm thiểu rác thải như Câu lạc bộ sinh viên Cộng đồng xanh trường Đại học Y tế công cộng, trường THCS Nguyễn Du, các doanh nghiệp như tập đoàn TH đến các tổ chức phi chính phủ như CECR, Live&Learn… Với các gian hàng đa dạng, các bé có cơ hội tìm hiểu nhiều ý tưởng về phát triển bền vững mà cụ thể là giảm thiểu và tái chế rác thải nhựa.
Tại gian hàng của CLB Cộng đồng xanh thu hút nhiều gia đình tham gia hoạt động phân loại thu gom chai nhựa, lon, giấy để đổi lấy cây xanh cùng những món đồ handmade thân thiện với môi trường. Chỉ trong buổi sáng thứ bảy, gần 300 chậu cây đã được đổi hết tương đương hàng trăm kg rác được thu thập đem tái chế, hồi sinh khỏi tình cảnh rác chết.
Đến với sự kiện, tập đoàn TH với giá trị cốt lõi “Trân quý mẹ thiên nhiên” và “Vì sức khỏe cộng đồng” đã giới thiệu những bước tiến mới nhất trong con đường phát triển bền vững như sử dụng thìa, túi làm từ nhựa sinh học thân thiện với môi trường thay thế cho nhựa PE, các chiến dịch khuyến khích người tiêu dùng sống xanh như thu gom, xử lí làm sạch vỏ hộp sữa để đổi lấy túi vải canvas tiện dụng, thời trang.
Đặc biệt, hoạt động trò chơi giáo dục như “Con làm hiệp sĩ xanh” – bé cùng bố mẹ tái chế vỏ hộp sữa thành món đồ chơi, vật dụng; đố vui về bảo vệ môi trường đã diễn ra vô cùng sôi động. Tham gia những hoạt động này, các bé không chỉ có những giây phút sáng tạo cùng gia đình mà còn hình thành lối sống xanh, bền vững.
Chị Bùi Thu Hoa- mẹ bé Nhật Anh (Cửa Đông, Hà Nội) chia sẻ, con trai chị rất hào hứng với các trò chơi. Kết thúc chương trình, chị thưởng thức hộp sữa chua ăn dừa tự nhiên TH true Yogurt và tiện tay để trên bàn. Ngay lập tức, “cảnh sát nhí” đã nhắc: “Mẹ phải bỏ rác đúng chỗ để các cô chú còn tái chế, không thải ra môi trường mẹ ạ”
Ngày Trái Đất 22/4 được Liên hợp quốc công nhận năm 2009, trở thành sự kiện thường niên được cả thế giới tổ chức, nhìn nhận về giá trị môi trường tự nhiên của Trái Đất. Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc CECR nhấn mạnh sự cần thiết của việc thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần và việc chung tay giải quyết vấn nạn này của các bên, các tổ chức, các doanh nghiệp, hay ở phạm vi nhỏ hơn là mỗi chúng ta và gia đình. Bà chia sẻ: “Hãy cùng nhau, từ chính bản thân mỗi chúng ta và gia đình giảm thiểu việc dùng sản phẩm nhựa dùng một lần; bên cạnh đó, áp dụng những giải pháp để thay thế cũng như những sáng kiến để tái chế sản phẩm nhựa dùng một lần.” |