pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghe Bảo tàng Áo dài kể chuyện nữ quyền
+ Quá trình hình thành Bảo tàng Áo dài, hẳn là anh phải tốn nhiều công sức?
Kể từ năm 1989, khi mà tôi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực áo dài và làm công việc giảng dạy tại Đại học Kiến Trúc TPHCM, tôi đã xác định làm áo dài là làm văn hóa và giáo dục, nên những thiết kế của tôi luôn có tính nghiên cứu và phục vụ việc giảng dạy. Tôi đi nhiều nước và thấy các nước có bảo tàng trang phục truyền thống của quốc gia họ như bảo tàng Kimono ở Nhật Bản, bảo tàng trang phục truyền thống Hanbok ở Hàn Quốc… Nhưng tôi xem lại thì ở Việt Nam chưa có bảo tàng áo dài nào. Điều này càng thôi thúc tôi hơn. Bên cạnh những thuận lợi về chuyên môn, tôi còn được sự hỗ trợ về chuyên môn lĩnh vực bảo tàng học từ chị Huỳnh Ngọc Vân, khi đó là Giám đốc Bảo tàng Chiến tích Chiến tranh. Đến năm 2002, tôi mua đất ở quận 9 và suốt 12 năm đứng công trình cho đến năm 2014 thì bảo tàng đi vào hoạt động. Đến nay, tôi đã bàn giao bảo tàng cho Sở Văn hóa Thể thao TPHCM quản lý.
Nói về những khó khăn khi triển khai là điều đương nhiên, nhất là khi tiền bạc và công sức từ mình chứ không có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Tôi không muốn nói nhiều về những khó khăn đã qua, chỉ xin nêu một chi tiết. Đó là ngày khánh thành bảo tàng, báo chí đưa tin, không gọi tôi là nhà thiết kế Sĩ Hoàng mà là "lão nông" Sĩ Hoàng khánh thành Bảo tàng Áo dài. Bởi lúc ấy tôi vừa già vừa đen, khắc khổ vì suốt 12 năm bám sát công trình cho tới ngày hoàn thành (cười).
Tuy nhiên, khi thấy nhiều người xem chiếc áo dài như một di sản trân quý thì mình càng thấy rõ hơn trách nhiệm phải gìn giữ nó, trách nhiệm còn cao hơn cả đam mê hay cảm hứng.
+ Anh muốn kể những câu chuyện gì qua từng hiện vật ở Bảo tàng?
Có rất nhiều hiện vật ở bảo tàng, từ chiếc áo tứ thân là chiếc áo khởi nguồn cho ý tưởng áo dài đến áo dài của vương triều Nguyễn (phục dựng); áo dài Lemur duy nhất còn sót lại đã rách nát do bị chôn giấu trong thời chiến rồi áo dài của những vị anh hùng như nữ tướng Nguyễn Thị Định, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, áo dài của những nghệ sĩ nổi tiếng như Phùng Há, Bạch Tuyết… Mỗi hiện vật mang một câu chuyện riêng. Tôi ví dụ như chiếc áo của những nữ tử tù Côn Đảo. Dù đó là những chiếc áo cũ, có khi sờn rách nhưng người xem, nhất là các nữ sinh, sẽ cảm nhận được câu chuyện từ chủ nhân của nó, những người phụ nữ kiên cường đã mặc nó xuống đường đấu tranh cho tự do rồi bị giam cầm và hy sinh để cho ngày nay có cuộc sống yên bình. Đó là một câu chuyện giáo dục truyền thống hay những câu chuyện khác để cùng vẽ ra một tiến trình xuyên suốt về sự hình thành và phát triển của áo dài mà cột mốc quan trọng là chiếc áo dài Lemur của họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ từ thập niên 30 của thế kỷ trước. Khi đó, từ chiếc áo tứ thân thì áo dài chỉ còn 2 vạt (còn gọi là đôi tà) mà thôi.
- Anh tâm đắc câu chuyện nào?
Tất cả những câu chuyện bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được khi đến Bảo tàng Áo dài. Tuy nhiên, điều tôi muốn chia sẻ thêm ở đây là sự phát triển của áo dài còn song hành, thể hiện bước ngoặt nữ quyền. Trước đây, trong xã hội phong kiến, thân phận người phụ nữ bị coi nhẹ, luôn là vai trò phía sau trong xã hội. Đến thời Pháp thuộc, văn hóa phương Tây xuất hiện mang theo một yếu tố tích cực là vai trò phụ nữ được thay đổi. Họ được đi học, tham gia công việc xã hội. Khi chiếc áo dài ra đời, đó là một trang phục ôm sát cơ thể, nó cho thấy một điều người phụ nữ đã được thể hiện mình, nó bao hàm cả về nội dung, kiến thức, tài năng và hình thể. Có thời kỳ áo dài được thiết kế cổ cao khiến người mặc phải thẳng cổ, ngẩng cao đầu hơn. Chi tiết này hỗ trợ cho tư thế, cốt cách cũng như phong thái tự tin của người phụ nữ. Nó nói lên vai trò xã hội của họ đã được xác lập, xác định và công nhận. Khi vị thế của người phụ nữ ngày càng cao thì chiếc áo dài cũng được biến tấu đa dạng hơn, với kiểu cổ hở, khoét sâu, thể hiện chút phóng khoáng, táo bạo. Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ ngày càng năng động thì chiếc áo dài cách tân còn phát triển mạnh hơn với tà ngắn, áo kết hợp với quần jeans, quần bó… Ở những điểm vừa nói, áo dài không chỉ thể hiện giá trị thẩm mỹ trong văn hóa ăn mặc mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội học.