Nghề đi cấy lấy công 'hot' dịp giáp Tết Nguyên đán ở Nghệ An

30/01/2019 - 20:55
Các cánh đồng ở Nghệ An đồng loạt vào thời điểm cấy lúa vụ mới ngay sát Tết nguyên đán. Cùng thời điểm này, những người đi cấy thuê ở Nghệ An cũng trở nên bận rộn. Ngay từ tờ mờ sáng, những người đi cấy thuê đã kéo nhau ra đồng. Không chỉ tăng thu nhập cho bản thân, công việc của họ còn góp phần làm nên những vụ mùa bội thu.
c-mi-khi-bc-vo-v-ma-ngh-an-nhng-ngi-th-cy-th-cy-li-xn-tay-bn-rn.jpg
Cứ mỗi khi bước vào vụ mùa ở Nghệ An, những người thợ cấy, thợ cày lại xắn tay bận rộn
Chị Phan Thị Phượng (32 tuổi, Xuân Tường, Thanh Chương, Nghệ An), cho biết: “Chị đã đi cấy thuê cho người dân trong xã đến nay cũng bốn, năm vụ rồi. Công việc tuy vất vả một tí, nhưng Tết nhất sắp đến rồi, nếu chịu khó thì cũng kiếm được đồng ra đồng vào, mua thêm được cái áo đẹp cho con. Giờ làm gì có việc gì dễ kiếm tiền đâu chú...”.
Theo lời chị Phượng, vốn là con nhà nông từ nhỏ, việc đi cấy với chị chẳng có gì xa lạ, nhưng đi cấy cho người ta lấy tiền thì cũng không đơn giản, phải chăm chỉ, chịu khó mới được. Cấy đều, cấy đẹp đã đành, nhưng còn phải đảm bảo năng suất nữa. Những hôm có lịch đi cấy, chị phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị cơm nước, và nhiều khi đến tối muộn mới về đến nhà. Cấy vài sào thì không sao, nhưng cứ vào vụ thế này, có những tuần hầu như ngày nào chị cũng nhận đi cấy. “Về đến nhà là đau lưng, mỏi gối, đêm về có khi nhức không ngủ được nhưng hôm sau lại vẫn đi làm chú ạ. Những ngày nắng ấm còn đỡ, hôm nào giá rét nhưng đã nhận lời rồi thì cũng vẫn phải đi. Thất hẹn lần sau họ lại không thuê mình nữa. Với lại hôm nay cấy cho nhà này, mai cấy cho nhà khác, có lịch cả rồi, thay đổi một cái là bể ngay” chị Phượng tâm sự.
nhng-bn-tay-kho-lo-ca-nhng-ngi-th-cy.jpg
Những bàn tay khéo léo của những người thợ cấy
Tuy nhiên, so với các năm trước, thời điểm này, việc tìm thợ cấy thuê không hề dễ dàng. Bà Nguyễn Thị Lan, ở xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, chia sẻ: "Giờ người ta thuê cấy nhiều rồi nên cần người lắm. Năm nay lại cấy gần Tết nữa, ai cũng bận rộn và muốn cấy cho kịp trước Tết cả. Nhà tôi có 4 sào, cả người nhà làm nữa nhưng chắc phải thuê thêm 3 công nữa. Hẹn mãi mới có người nhận làm cho". Cũng theo bà Lan “So với cách đây vài năm thì giá dịch vụ cấy thuê đã tăng lên nhiều. Hiện nay mức giá dao động từ 250.000 - 280.000 đồng/ngày”.
mi-ngy-cng-th-cy-c-tr-250-300-nghn-ng-tuy-nhin-cng-vic-kh-vt-v-i-hi-s-chu-kh-cn-c.jpg
Mỗi ngày công thợ cấy được trả 250 - 300 nghìn đồng. Tuy nhiên công việc khá vất vả, đòi hỏi sự chịu khó, cần cù
Không chỉ tại huyện Thanh Chương mà các huyện khác như Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Diễn Châu,... người nông dân đều quen với dịch vụ này. Có nhiều nguyên nhân khiến dịch vụ cấy thuê ngày càng phổ biến và cần thiết, thợ cấy ngày càng ít đi. Trong đó nguyên nhân chính là tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng tại các làng quê, nhất là khi lao động trẻ đã đi làm ăn xa hoặc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, trong khi người già, trung niên không còn đủ sức khỏe nên năng suất lao động thấp hơn. Dù chỉ diễn ra trong vòng nửa tháng, nhưng dịch vụ này đã tạo công ăn việc làm cho những lao động nông nhàn, giúp họ có thêm thu nhập, cũng như giải quyết nhu cầu tức thì cho các hộ gia đình có ruộng nhưng không đủ lao động để kịp mùa vụ trước khi Tết đến Xuân về.
Trên khắp những cánh đồng ở Nghệ An, hình ảnh những dáng người khom lưng bên những đám mạ non vừa được cấy xong lẫn trong tiếng í ới gọi nhau vui vẻ như báo hiệu một vụ mùa mới đầy hứa hẹn. Và trong khung cảnh đó, trên con đường liên thôn, cành đào của người con xa quê trở về khẽ rung rinh trong gió làm mọi người đều cảm thấy nao nao. Tết đã về gần thật gần...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm