Nghề giáo, cần tinh không cần nhiều

18/08/2017 - 16:35
Ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, ĐH Kanazawa (Nhật Bản), người rất quan tâm đến giáo dục nước nhà, cho rằng, điểm đầu vào sư phạm không giải quyết được vấn đề.

Điểm đầu vào không mang tính quyết định

Trước thực tế, điểm đầu vào của ngành sư phạm quá thảm như năm nay, NCS Nguyễn Quốc Vương cho rằng, đây là hiện tượng đáng lo bởi đề thi năm nay không quá khó.

“Đơn cử như môn Lịch sử, đề thi đa phần yêu cầu thí sinh ghi nhớ hoặc hiểu ở mức độ đơn giản. Vì vậy chuyện thí sinh có điểm số không cao nói lên nhiều vấn đề về khả năng học của các em” - ông Vương cho hay.

NCS Nguyễn Quốc Vương cho rằng điểm đầu vào ngành sư phạm thấp là việc rất đáng lo

NCS Nguyễn Quốc Vương nhìn nhận, điểm chuẩn vào các trường sư phạm ngày một thấp là một thực tế. Đây là hệ quả của việc sinh viên sư phạm ra trường khó tìm được việc làm. Thu nhập chính đáng đến từ lương của nghề giáo thấp cùng sự đánh giá xã hội đi xuống làm cho sự hấp dẫn của ngành này không còn. Sự “xuống giá” của nghề giáo tỉ lệ thuận với sự bế tắc của cải cách giáo dục.

Tuy nhiên, điều mà nam NCS muốn nhấn mạnh là những năm trước, dù tuyển sinh đầu vào điểm khá cao, nhưng cơ bản chất lượng giáo dục không có đột phá nào đáng kể. Thay vì có thêm nhiều giáo viên giỏi thật sự, chúng ta chỉ có thêm số giáo sinh giỏi và giáo viên giỏi được nhận giấy khen trong các cuộc thi mà thôi. Đây là hệ quả của việc tuyển sinh ào ạt, không chú trọng chất lượng trong khi nhu cầu về số lượng giáo viên không quá lớn.

“Đầu vào không phải là mấu chốt vấn đề và không mang tính quyết định. Điều quan trọng hơn là chương trình và phương pháp đào tạo của các trường sư phạm cần phải được cải cách mạnh để khoa học hơn, phù hợp hơn với thực tiễn” - ông Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh.

Học sư phạm vẫn có thể làm được nghề khác

Là người làm trong lĩnh vực giáo dục và quan tâm đến giáo dục nước nhà, NCS Nguyễn Quốc Vương cho rằng nghề giáo cần “tinh”, không cần nhiều. Ông đề nghị Bộ GD&ĐT cần có cuộc điều tra xã hội học cụ thể và trên cơ sở đó tính toán tiến tới điều chỉnh chỉ tiêu của các ngành sư phạm sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế trong tương lai.

“Theo cách làm của thế giới, các trường sư phạm cũng dần dần phải biến thành trường tổng hợp có khoa sư phạm để sinh viên học xong có thể làm nhiều nghề thay vì chỉ có thể làm giáo viên.

Nội dung và phương thức đào tạo cần được điều chỉnh để tạo cơ hội cho các sinh viên theo đuổi nghề giáo có thể học sâu về nghề này và các sinh viên khác vẫn có cơ hội được học để làm các nghề khác. Nghĩa là cần đến một chương trình đào tạo “mở” - đây là điều mà nước ta chưa làm được” - ông Vương nói.

Vấn đề áp điểm sàn riêng, NCS Vương cho rằng, đây cũng là điều hợp lý, nhưng bản thân ngành sư phạm cũng cần tôn trọng “luật chơi” chung. Nếu như ngành sư phạm đang không “ăn khách” mà đặt ra các tiêu chuẩn phụ hay nâng điểm sàn theo ý chí của người làm tuyển sinh thì sẽ càng khó tuyển lựa được sinh viên.

“Quan trọng nhất trong chuyện này là phải làm thế nào để nghề giáo viên trở thành nghề hấp dẫn cả ở phương diện vị thế xã hội lẫn thu nhập. Điều này có liên quan đến cải cách giáo dục và cải cách chính sách đối với nhà giáo. Không phải chỉ nâng tiền lương là xong. Sự hấp dẫn đến từ môi trường làm việc tự do, thoải mái, được tôn trọng, đôi khi còn mạnh hơn tiền bạc. Không cải cách giáo dục có hiệu quả ngành sư phạm sẽ còn tiếp tục luẩn quẩn” - NCS Nguyễn Quốc Vương bày tỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm