Nghe một cuộc điện thoại, nữ đại gia Sài Gòn mất hơn nửa tỷ đồng

12/11/2017 - 18:26
Nghe một cuộc điện thoại, nữ đại gia Sài Gòn mất hơn nửa tỷ đồng; Thầy giáo nghi trầm cảm bỏ lại xe máy nhảy cầu tự tử; Ô nhiễm nước nghiêm trọng tại thành phố Sơn La vì rửa hạt càphê..., là những thông tin đáng chú ý trong Bản tin đô thị ngày 12/11.

Ngày 12/11, Công an quận Tân Bình cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng các lực lượng Công an TP.HCM tiến hành điều tra làm rõ vụ lừa đảo công nghệ cao chiếm đoạt tài sản lớn vừa xảy ra trên địa bàn. 

Nạn nhân là bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (tên đã thay đổi, 47 tuổi, ngụ quận Tân Bình). 

Bà Thuỷ trình báo, sáng 8/11, bà nhận được 1 cuộc điện thoại gọi đến nhà của mình. Đầu dây bên kia là giọng 1 người đàn ông và xưng là cán bộ đang công tác Cục Quản lý hành chính về Trật tự xã hội, Bộ Công an.

nghenhinvietnam_vn_10_xmdl.jpg
Ảnh minh họa

 

Người này cho biết, bà Trang có bưu phẩm nợ ngân hàng chi nhánh Đông Đô - Hà Nội hơn 16 triệu đồng. Bà Thuỷ không tin tính ngắt máy thì người đàn ông nói rằng, bà có thể kiểm tra số điện thoại gọi tới qua tổng đài. Sau đó, bà Thuỷ gọi tổng đài truy vấn số điện thoại thì biết được đây là số của một đơn vị thuộc Cục Quản lý hành chính về Trật tự xã hội - Bộ Công an. 

Ít phút sau, người đàn ông tiếp tục gọi và nói bà Thuỷ có liên quan đến đường dây rửa tiền của tội phạm. Đồng thời yêu cầu bà Thuỷ đến trụ sở Công an để điều tra hoặc chuyển tất cả tiền có trong tài khoản để kiểm tra, làm rõ. Người đàn ông này còn doạ nếu không thực hiện sẽ ra lệnh bắt giữ. 

Vì lo sợ nên bà Thuỷ đã tới ngân hàng ở đường Cộng Hoà, quận Tân Bình chuyển hơn nửa tỷ đồng vào tài khoản mang tên Lê Thị Hồng Vân mà đối tượng cung cấp. Tối cùng ngày, bà Thuỷ kể lại cho gia đình thì biết bị lừa nên trình báo Công an. 

Hiện Công an đang điều tra làm rõ. (Nguồn: kenh14.vn)

Hàng nghìn thí sinh xếp hàng dự tuyển vào Samsung Việt Nam

Sáng 12/11, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Samsung Việt Nam chính thức tổ chức Vòng thi GSAT (Global Samsung Aptitude Test) cho ứng viên tại khu vực miền Bắc.

1.jpg
Các thí sinh xếp hàng dài dự tuyển vào Samsung Việt Nam

 
2.200 ứng viên là các Kỹ sư, Cử nhân tốt nghiệp Đại học được chọn từ 20.000 hồ sơ tham gia trực tiếp vào kì thi tuyển GSAT của Samsung. Các ứng viên tại khu vực phía Bắc phải trải qua các phần thi rất chuyên nghiệp, gắt gao và đánh giá đúng năng lực từ nhà tuyển dụng Samsung Việt Nam.

GSAT là bài kiểm tra năng lực Samsung toàn cầu dành cho Ứng viên mới tốt nghiệp Đại học, gồm ba phần cơ bản: “Khả năng toán học”, “Khả năng suy luận” và “Tư duy bằng hình ảnh”. Đây là một trong những vòng thi đầu tiên trong quy trình tuyển dụng Nhân viên tốt nghiệp Đại học của tất cả các công ty thuộc Tập đoàn Samsung trên thế giới. 

Các ứng viên vượt qua vòng thi GSAT sẽ tiếp tục tham dự vòng Phỏng vấn của Samsung Việt Nam tổ chức vào tháng 12/2017. Sau 2 vòng thi chính thức này, các ứng viên ưu tú và phù hợp nhất sẽ trở thành Nhân viên chính thức của Samsung Việt Nam vào đầu năm 2018 và sẽ làm viêc tại 7 Nhà máy và Trung tâm của Samsung Việt Nam. (Nguồn: vov.vn)

Thầy giáo nghi trầm cảm bỏ lại xe máy nhảy cầu tự tử

Theo ông Nguyễn Đình Manh, Phó chủ tịch xã Hà Linh (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), khoảng 3h30 sáng ngày 11/11, người dân đi đường phát hiện một chiếc xe máy đang cắm chìa khóa và đôi dép được bỏ lại ngay ngắn ở trên cầu Địa Lợi, thuộc xã Hà Linh.

Sau khi xác minh, lực lượng chức năng xác định được người đàn ông bỏ lại chiếc xe trên là ông T.V.H (SN 1963), là giáo viên đang công tác tại một trường học trên địa bàn huyện Hương Khê.

1_olms1.jpg
Người dân tập trung trên cầu Địa Lợi theo dõi việc tìm kiếm thầy giáo H.

 
Theo thông tin từ gia đình thầy giáo H, thời gian gần đây, ông H. này có biểu hiện trầm cảm và đã rời nhà đi từ 3h ngày 11/11, gia đình liên lạc qua điện thoại nhưng không được. 

Ngay sau đó, xã đã triển khai lực lựng công an, quân sự xã tìm kiếm người đàn ông mất tích trên sông Ngàn Sâu vì nghi vấn người này nhảy cầu tự tử. Cả ngày 11/11 xã đã thuê một thợ lặn trong xã tìm kiếm dưới sông Ngàn Sâu khu vực gần cầu Địa Lợi nhưng chưa thấy tung tích. (Nguồn: vov.vn)

Ô nhiễm nước nghiêm trọng tại thành phố Sơn La vì rửa hạt càphê

Từ đầu tháng 11 đến nay, cuộc sống của hơn 12 nghìn hộ dân ở thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La bị đảo lộn do ô nhiễm nguồn nước ở khu vực đầu nguồn. Tình trạng này đã tái diễn nhiều năm khi vào vụ thu hoạch càphê nhưng tỉnh Sơn La vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.

ttxvn_sonla3.jpg
Một điểm bán nước sạch 
 

Từ khi nguồn nước sạch bị cắt, người dân ở thành phố Sơn La buộc phải tìm đủ mọi cách để có nước sinh hoạt. Khắp thành phố, ở đâu cũng thấy cảnh người dân xếp hàng mua và xin nước sạch về sử dụng. Chưa bao giờ người dân ở thành phố Sơn La lại sống trong tình trạng thiếu nước kéo dài như hiện nay. 

Ông Nguyễn Văn Điền, ở thành phố Sơn La cho biết từ 4 giờ mọi người đã phải đến các điểm có nguồn nước ngầm để giặt, lấy nước về dùng. Những lúc cao điểm có tới hàng trăm người xếp hàng lấy nước.

Theo đại diện Công ty cổ phần cấp nước Sơn La, do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên Công ty buộc phải cắt nước nhiều ngày. Toàn bộ hệ thống xử lý nước sạch gần như ngừng hoạt động.

ttxvn_sonla2.jpg
Bể chứa nước thải của một cơ sở chế biến cà phê tại Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

 
 Để tìm hiểu nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước của thành phố, phóng viên đã tìm đến một cơ sở chế biến càphê thuộc bản Hôm, xã Chiềng Cọ thuộc thành phố Sơn La.

Chủ cơ sở này cho biết, chế biến càphê tươi bắt buộc phải dùng nước để tẩy rửa, lọc hạt. Trung bình mỗi ngày, cơ sở chế biến trên 10 tấn càphê tươi và cần 20 m3 nước. Tại cơ sở này, chỉ có một bể chứa nước thải rộng khoảng 40m2, không có bạt chống thấm khiến nước thải chảy đến đâu tự ngấm đến đó. 

ttxvn_sonla.jpg
Người dân thành phố Sơn La đi lấy nước từ mó nước về để sử dụng. (Ảnh: Nguyễn Cường/TTXVN)

 
Theo thống kê, tại khu vực đầu nguồn cấp nước của thành phố Sơn La có 6 cơ sở chế biến càphê. Tất cả những cơ sở này đều không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không xử lý nước thải, hệ thống lưu trữ nước thải không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nước thải ngấm trực tiếp xuống đất. 

Ngoài ra người dân còn lấy vỏ cà phê về làm phân bón cho cây trồng, khi trời mưa vỏ càphê trôi xuống sông, suối gây ô nhiễm môi trường. (Nguồn: vietnamplus.vn)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm