Nghề nào bị ghét, bị "gạch đá" nhiều nhất trên mạng xã hội năm 2024?

Quang Thái
19/10/2024 - 16:35
Nghề nào bị ghét, bị "gạch đá" nhiều nhất trên mạng xã hội năm 2024?

Bất động sản tăng giá ảo, cư dân mạng đổ lỗi cho lực lượng "cò"

Những môi giới bất động sản nói rằng nghề của mình là nghề bị ăn "gạch đá" nhiều nhất trên mạng xã hội, bị ghét nhất trong năm nay. Thị trường bất động sản "ngáo giá", giá tăng ảo, tất cả bị đổ lỗi cho môi giới, cho "cò".

Môi giới bất động sản: "Cứ mở mạng xã hội ra là thấy người ta chửi mắng mình"

"Nghề nào là nghề bị chửi, bị mắng, bị ghét nhiều nhất năm 2024. Em chắc chắn là nghề môi giới bất động sản, không nghề nào bị ấn tượng xấu, bị hiểu sai nhiều bằng nghề này. Trước tới nay, môi giới bất động sản vốn đã hay bị gọi là "cò". Đến thời gian này, trên tất cả các hội nhóm về bất động sản, mua bán nhà đất, các hội dừng mua nhà, các bài viết thảo luận về nhà đất, bất động sản, "bọn cò" luôn bị ghét nhất. 

Thị trường bất động sản tại Hà Nội thực sự đang rất ngáo giá, giá nhà đất được rao bán tăng ảo, tăng bất hợp lý, gây ra nhiều bức xúc, và nguyên nhân tăng giá được đổ cho lực lượng mà người ta gọi là bọn cò",  Thu Mai - một nữ môi giới bất động sản chia sẻ. 

Các môi giới bất động sản không khỏi chạnh lòng khi trong những kết luận của cơ quan quản lý, nguyên nhân giá nhà đất tăng cao là do "có hiện tượng thổi giá của nhóm đầu cơ và môi giới". Là những người trong nghề, các môi giới hiểu rất rõ về thị trường ở thời điểm này, hiểu rất rõ về "ngáo giá", họ cũng không lạ gì những chiêu trò của một lực lượng "cò mồi", và chính những môi giới đang cố gắng, nỗ lực để làm nghề tử tế, chuyên nghiệp cũng bị ảnh hưởng. 

Giá nhà đất lên quá cao, giá bất động sản vượt khỏi mức tích lũy cơ bản của người lao động, các hội nhóm "dừng mua nhà chống ngáo giá" bùng phát về số lượng thành viên. Dừng mua nhà là một cách để cộng đồng phản ứng lại với việc giá bất động sản bị "bơm thổi", giá nhà tăng ảo vượt khỏi giá trị thực. 

Nghề nào bị ghét, bị "gạch đá" nhiều nhất trên mạng xã hội năm 2024?- Ảnh 1.

Các cộng đồng dừng mua nhà chống ngáo giá có hàng trăm nghìn thành viên

Nghề nào bị ghét, bị "gạch đá" nhiều nhất trên mạng xã hội năm 2024?- Ảnh 2.

Bất động sản "ngáo giá", tăng giá ảo, và hàng trăm câu chuyện "bóc phốt" môi giới bất động sản được đưa lên trong thời gian này

Số lượng thành viên của những hội nhóm này ban đầu từ vài nghìn người, rồi nhanh chóng lên đến hàng trăm nghìn người. Môi giới bất động sản - "cò" được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà đất tăng giá, bởi "giá là từ miệng cò". Mỗi ngày, trên các hội nhóm này và các diễn đàn khác về bất động sản, hàng chục bài viết, chủ đề liên quan đến nội dung giá nhà đất được đưa ra để thảo luận, đi kèm theo đó là hàng trăm phản hồi chê bai, chửi mắng bọn "cò". Các môi giới luôn phải tìm hiểu thị trường, luôn có mặt trong các nhóm nhà đất, và theo một môi giới lâu năm thì "sáng mở mắt ra thấy người ta chửi mình, đêm khuya chuẩn bị đi ngủ cũng thấy môi giới bất động sản bị lôi ra bỉ bôi". 

Một nữ môi giới bất động sản trẻ tuổi chia sẻ câu chuyện về ra mắt nhà bạn trai, khi nói rằng mình làm môi giới bất động sản, bố mẹ bạn trai đã bày tỏ sự không ưng ý lắm, khuyên rằng "thôi chọn làm nhân viên văn phòng hay nghề gì đó khác đi cháu, đi làm cò kéo bán nhà bán đất làm gì, vừa mệt vừa bị ghét". 

Môi giới cũng có "người nọ người kia"

"Bán hàng, làm sale chưa bao giờ là nghề dễ dàng, bán cái gì có giá trị cao thì càng khó. Nhà đất là tài sản lớn, là cái quan trọng của cả đời người, muốn kết nối bán được thành công một ngôi nhà đâu phải đơn giản. Môi giới bất động sản vẫn hay bị hiểu nhầm rằng là cái nghề chỉ buôn nước bọt ra tiền, rồi đủ chiêu trò kênh giá, ăn chênh, và nếu làm môi giới kiểu này thì có bị chửi cũng đúng. 

Hiện tại, muốn làm môi giới cần phải có chứng chỉ, cần phải hoạt động trong một công ty có đăng ký về môi giới mua bán bất động sản, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh bất động sản. Môi giới là nghề vất vả, phải luôn học hỏi, nâng cấp mình, nếu không thì không thể theo được nghề", Phan Anh Tuấn - một môi giới chia sẻ cho biết. 

Môi giới thì cũng có "người nọ người kia", và có thể tạm chia thành nhóm "môi giới công ty" và nhóm môi giới chuyên thổ cư, chuyên "lướt". Với nhóm "môi giới công ty", họ là những nhân viên kinh doanh, nhân viên sale đang đầu quân cho các tập đoàn, các công ty lớn, uy tín, chủ yếu chuyên bán các dự án. Các công ty này có quy định rõ ràng về hoạt động, môi giới phải đảm bảo có chứng chỉ mới được phép bán hàng, kết nối khách hàng. 

Các công ty có chiến lược marketing tổng thể cho mỗi dự án, và sau đó mỗi đội nhóm sẽ chạy hết sức mình cho mỗi dự án. Sản phẩm bán của nhóm này là sơ cấp, bán lần đầu đến tay khách hàng, bán trực tiếp sản phẩm của chủ đầu tư đến tay khách hàng. Giá bán do chủ đầu tư quy định.

Nghề nào bị ghét, bị "gạch đá" nhiều nhất trên mạng xã hội năm 2024?- Ảnh 3.

Trên thị trường, môi giới chuyên nghiệp, "môi giới công ty" hoạt động lẫn lộn cùng những môi giới "lướt", môi giới chiêu trò, thổi giá

Thời gian qua, mặt bằng giá chung cư tại Hà Nội tăng cao, tuy nhiên các dự án mới mở bán vẫn nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng. Bán hàng lúc giá cao và nhiều "điều tiếng" càng khó khăn, nhưng nhiều môi giới đã vẫn duy trì tốt được công việc, có thu nhập tốt và ổn định. 

Môi giới vốn là nghề dễ dàng nhảy vào làm về thủ tục, chính vì thế vẫn luôn xuất hiện những môi giới tay ngang, môi giới "làng", môi giới "lướt", cứ rao bán nhà thì tự nhận, hoặc được gọi là môi giới. Nhóm này chủ yếu bán thổ cư, đất nền, căn hộ chung cư thứ cấp (đã được mua đi bán lại). Có một tài khoản mạng xã hội, đăng ký các tài khoản trên các trang mua bán nhà đất, tìm ra được nguồn hàng "nhà trong dân", các "môi giới" này đã có thể thoải mái đăng bài bán nhà, đăng giá ảo để thu thập nguồn thông tin khách hàng. Những chiêu trò kết hợp với nhóm đầu cơ, chiêu trò thổi giá, làm giá ảo, hỏi mua ảo đến từ những cá nhân trong nhóm "cò đất" kiểu này. 

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết: "Trên thị trường, bên cạnh những môi giới có tâm, chuyên nghiệp thì cũng không thiếu những người hoạt động môi giới với các chiêu trò, tạo ra sự hỗn loạn, khiến khách hàng bức xúc, xã hội có ấn tượng xấu với nghề môi giới bất động sản". Luật sư Phạm Thanh Tuấn cho rằng rất khó để phân định rõ giữa đưa ra thông tin về bất động sản và hoạt động kết nối mua bán bất động sản, chế tài xử phạt cho hoạt động môi giới bất động sản "chui" vẫn chưa thực sự mạnh, mang tính răn đe cao, nên hoạt động môi giới bất động sản vẫn rất nhộn nhạo. 

Một nữ môi giới lâu năm trong nghề chia sẻ đã rất xúc động khi dịp 20/10 năm nay, chồng quan tâm, tặng hoa, động viên tinh thần, bởi "thấy trên mạng người ta chửi môi giới nhiều thế". Một môi giới khác thì nhận được một túi quà, được "chia lộc" khi chủ nhà làm lễ nhập trạch sau khi mua được căn nhà ưng ý. 

"Trên thị trường, ông tử tế lẫn ông chiêu trò đều cùng bán nhà cả, vậy là người ta cứ gom lại thành bọn cò, người ta cứ ghét chung, cứ chửi hết cả. Có lẽ bao giờ thị trường bớt loạn, bớt ngáo, thì người ta sẽ bớt chửi môi giới, còn để nghề môi giới bất động sản có được nhìn nhận thiện cảm hơn thì còn lâu lắm", đó là tâm sự nghề của các môi giới trong thời điểm hiện tại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm