pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghệ nhân Đinh Vân: Ca trù chỉ là công việc "tay trái"
Nghệ nhân ca trù Đinh Vân (giữa) trong một lần biểu diễn
+ Chị đã tới với nghệ thuật Ca trù như thế nào?
Tôi sinh ra và lớn lên trong một cái nôi nghệ thuật truyền thống Ca trù lâu đời (khoảng trên 600 năm) do hai ông bà tổ nghề là ông Đinh Dự, bà Mãn Đường Hoa công chúa kết duyên với nhau rồi chọn đất Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) làm nơi sinh sống và truyền nghề chính. Từ bé, tôi đã được nghe những bài hát Ca trù do cố nghệ nhân Phạm Thị Mùi hát.
Đến năm 2002, tôi được học lớp Ca trù do thầy Hồng Thái giảng dạy tại Đình làng thôn Lỗ Khê. Sau đó 2 năm, tôi được tham gia lớp học của cô Phạm Thị Mận và cô Nguyễn Thị Thảo lớp học do Phòng Văn hóa huyện tổ chức. Hai cô cùng là ca nương của thôn Lỗ Khê và hiện nay cô Phạm Thị Mận đã là nghệ nhân dân gian, được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
+ Đâu là sự thu hút của nghệ thuật Ca trù khiến chị đam mê và quyết tâm theo đuổi?
Tôi dần dần nghe và "nghiện" Ca trù, đặc biệt là những bài ca do nghệ nhân Quách Thị Hồ thể hiện. Cụ Quách Thị Hồ hát đẳng cấp và khác biệt trong từng câu thơ, từng cách ém hơi nhả chữ. Nghe Ca trù cần có một trình độ âm nhạc nhất định. Cho tới bây giờ, tôi vẫn thấy mình chưa đủ khả năng hiểu sâu sắc về một tác phẩm kinh điển của Ca trù.
Ca trù thu hút ở chỗ bộ môn nghệ thuật này có đủ làn điệu có đủ thể cách, với vô vàn cách biến hóa khác nhau. Người nghệ sĩ có thể truyền tải cái tình của mình vào trong đó. Thậm chí, một tay trống cừ khôi nước ngoài từng phải "đầu hàng" khi phân tích tiếng phách và nhịp trong Ca trù.
+ Năm 2005, chị bắt đầu biểu diễn Ca trù và giành được nhiều giải thưởng lớn trong các hội diễn toàn quốc. Đến nay, chị là giọng hát được nhiều người đánh giá cao. Ai đã dìu dắt chị trên hành trình đó?
Tôi may mắn được nghệ nhân Nguyễn Thị Thảo và Phạm Thị Mận truyền dạy cho tôi từ bé tới lớn. Các cô dạy tôi hát lối cửa đình tròn vành rõ chữ, cái tình ghi sâu vào lòng người nghe ngay từ lần đầu tiên. Cô cũng chính là một trong những truyền nhân của cụ Phạm Thị Mùi - theo đánh giá của giới chuyên môn là người hát lối cửa đình hay nhất.
Có những buổi ngồi học, tuy đã hết thời gian quy định, cô vẫn ở lại dạy cho tôi từng âm, từng chữ. Hoặc mỗi dịp tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc, cô thường bỏ hết công việc để tận tình chỉ bảo cho tôi. Đam mê của các cô cũng đã truyền vào trong con người tôi, khiến tôi luôn mong muốn loại hình nghệ thuật truyền thống mà ông cha ta đã để lại.
+ Đam mê là vậy, nhưng nghệ nhân Ca trù dường như khó có thể sống bằng nghề?
Đúng vậy, Ca trù không phải là một nghề để "kiếm cơm", mặc dù trước dịch chúng tôi vẫn có suất diễn vào mỗi tuần, nhưng thù lao không dư dả. Trước kia, một nghệ nhân Ca trù may mắn có thể có cuộc sống sung túc, hiện tại thì chúng tôi làm nghề chỉ để gìn giữ thứ văn hóa dân tộc mà mình đam mê và được các nghệ nhân truyền lại. Các cô giáo của tôi người làm giáo viên, người đi làm phụ hồ. Tôi hiện cũng đang dạy môn Âm nhạc tại một trường học tư. Ở đó, tôi ươm mầm nghệ thuật Ca trù cho các học sinh nhỏ vào một tiết học mỗi tuần. Năm 2018, đã có học sinh của tôi tham gia cuộc thi Ca trù của thành phố Hà Nội và giành giải Vàng chung cuộc.
+ Nghệ nhân ca Trù ngày càng ít đi, điều này có khiến chị tiếc nuối và trăn trở?
Đúng là ca nương ca trù ít đi mỗi ngày, đặc biệt là những người trẻ. Vả lại, Ca trù chỉ là công việc "tay trái" thôi, ai cũng phải đảm nhiệm các công việc chính để đảm bảo cho cuộc sống. Chúng tôi cũng rất ít cơ hội ngồi lại với nhau để trau dồi nghề nghiệp hay truyền cho nhau đam mê, tình yêu với môn nghệ thuật này. Tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, mọi thứ sẽ được cải thiện...
+ Cảm ơn những chia sẻ của chị!