Nghệ sĩ piano 9X coi âm nhạc là "liều thuốc dịu dàng"

An Khê (thực hiện)
23/02/2025 - 22:17
Nghệ sĩ piano 9X coi âm nhạc là "liều thuốc dịu dàng"

Piano trở thành "bạn đồng hành" của Nguyễn Phúc

Với nghệ sĩ Nguyễn Phúc (SN 1990), piano không chỉ là một loại nhạc cụ mà còn là người bạn đồng hành, là nơi giúp anh tìm thấy sự bình yên và cảm hứng.

+ Nguồn cảm hứng nào đưa anh đến với piano?

Nguồn cảm hứng đưa tôi đến với piano bắt nguồn từ những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ. Tôi đã có cơ hội được đệm đàn piano ở nhà thờ cùng các bạn ca viên. Mỗi lần đặt tay lên phím đàn, tôi cảm nhận được sự yên bình và thanh thản trong tâm hồn. Những bản nhạc mà tôi chơi như một "liều thuốc dịu dàng", giúp tôi quên đi mọi lo toan và mệt mỏi của cuộc sống. Từ đó, piano không chỉ là một loại nhạc cụ, mà còn là người bạn đồng hành, là nơi tôi tìm thấy sự bình yên và cảm hứng.

Nghệ sĩ Piano Nguyễn Phúc: Âm nhạc là liều thuốc dịu dàng- Ảnh 1.

Nghệ sĩ Piano Nguyễn Phúc chinh phục nhiều vai trò, từ nghệ sĩ Piano đến Giám đốc chuyên môn

+ Trên hành trình trở thành nghệ sĩ piano, anh thấy đâu là phần gian nan và nhiều thử thách nhất?

Hành trình trở thành nghệ sĩ piano của tôi khá gian nan, đặc biệt khi phải đối mặt với những bài tập kỹ thuật ngày càng phức tạp ở từng trình độ. Mỗi lần chinh phục một bài tập kỹ thuật mới đều mất nhiều thời gian, công sức tập luyện và đôi khi khiến mình bị nản chí.

Bên cạnh đó, thời đại thay đổi nhanh chóng cũng đặt ra thách thức lớn: phải không ngừng cập nhật, học hỏi để thích ứng với những xu hướng âm nhạc mới và đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khán giả. Đây chính là điều khiến hành trình này luôn đầy gian nan nhưng cũng vô cùng thú vị.

+ Học đại học chuyên ngành Ngữ văn Anh nhưng lại có khát vọng trở thành nghệ sĩ piano, anh có phải đấu tranh để lựa chọn con đường nghệ thuật?

Đúng là có những giai đoạn mình phải đấu tranh rất nhiều để lựa chọn con đường hôm nay. Giai đoạn học đại học năm thứ 3 vào năm 2010, tôi theo học song song 2 ngành: Ngữ văn Anh tại Đại học Quốc gia TPHCM và Piano cổ điển tại Nhạc viện TPHCM. Cả 2 ngành đều có khối lượng kiến thức lớn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và đến một thời điểm, mình buộc phải đưa ra lựa chọn.

Tôi quyết định tạm dừng chương trình học piano tại Nhạc viện để hoàn thành bậc cử nhân tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi từ bỏ âm nhạc. Trong suốt những năm đó, tôi vẫn duy trì việc biểu diễn trong và ngoài nước, học thêm về quản lý giáo dục và giảng dạy để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê.

Đến năm 2018, tôi nhận ra rằng đam mê này không chỉ là sở thích, mà thực sự là sự nghiệp, là lẽ sống của mình. Tôi quay lại Nhạc viện để hoàn thành chương trình chính quy ngành Piano, đồng thời theo học thêm Sư phạm âm nhạc. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục trau dồi, học lên các bậc học cao hơn để hoàn thiện bản thân và phát triển sự nghiệp giáo dục âm nhạc.

Bên cạnh những thách thức về học tập và nghề nghiệp, tôi còn đối mặt với một rào cản lớn khác: định kiến xã hội. Ở quê tôi - một vùng nông thôn Trị An, Đồng Nai - trước đây, việc học đàn, theo đuổi nghệ thuật không được nhìn nhận như một sự nghiệp nghiêm túc. Nghề biểu diễn nghệ thuật từng bị xem là "xướng ca vô loài", một định kiến khiến không chỉ tôi mà cả ba mẹ cũng đã phải vững tâm từng ngày để nuôi 3 anh em theo đuổi âm nhạc.

Hôm nay, khi nhìn lại hành trình ấy, tôi biết ơn tất cả những thử thách đã giúp tôi trưởng thành. Điều quan trọng nhất là tôi đã không từ bỏ. Âm nhạc không chỉ là đam mê mà còn là con đường tôi chọn để cống hiến, để chia sẻ, và để mang đến giá trị cho cộng đồng. Những gì tôi có hôm nay là "quả ngọt" của những năm tháng kiên trì, của niềm tin và tình yêu dành cho âm nhạc.

Nghệ sĩ Piano Nguyễn Phúc: Âm nhạc là liều thuốc dịu dàng- Ảnh 3.

Nguyễn Phúc (thứ 3 từ trái sang) và các nghệ sĩ

+ Được biết ngoài âm nhạc, anh còn học chính quy nhiều ngành khác nhau, liệu các ngành nghề khác có phải là "phương án phòng bị" khi cuộc chơi với âm nhạc thoái trào? Hay còn ý nghĩa gì khác?

Theo đuổi nhiều ngành học chính quy khác nhau, tôi không coi đó như một "phương án phòng bị" khi cuộc chơi với âm nhạc thoái trào. Thay vào đó, tôi tin rằng việc mở rộng kiến thức và khả năng của mình qua nhiều lĩnh vực khác nhau mang lại một ý nghĩa sâu sắc hơn.

Tôi thấy có những người thực sự thành đạt trong sự nghiệp của họ không chỉ giỏi trong một lĩnh vực duy nhất. Họ thường có nhiều tài năng và kiến thức đa dạng. Ví dụ, có những doanh nhân thành đạt còn có khả năng ca hát, chơi nhạc cụ, thậm chí còn có kiến thức uyên thâm về nghệ thuật và xã hội.

Nguyễn Phúc là Nghiên cứu sinh chương trình Tiến sĩ của trường Université Libérale de Paris. Anh còn là sinh viên chính quy ngành Dược, Quản trị Kinh doanh, Luật Kinh tế… của nhiều trường đại học khác nhau.

Với tư cách là một nghệ sĩ, tôi tin rằng không chỉ cần giỏi về nghệ thuật mà còn cần có một vốn tri thức sống phong phú. Điều này giúp nghệ sĩ và những người thuộc các ngành nghề khác có thể xích lại gần nhau khi tìm thấy nhiều điểm tương đồng, tạo nên những mối liên kết mạnh mẽ. Sự đa dạng trong kiến thức không chỉ làm giàu thêm tầm nhìn và sáng tạo mà còn giúp tôi kết nối với thế giới xung quanh một cách sâu sắc hơn.

Vì vậy, việc học tập và khám phá nhiều ngành khác nhau không phải là một lựa chọn an toàn, mà là một cách để tôi mở rộng khả năng và tìm ra những cách mới để thể hiện bản thân trong nghệ thuật và cuộc sống.

+ Trong thời gian tới, anh có dự định gì với âm nhạc?

Tôi sẽ tiếp tục thực hiện những album piano với các tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Đây không chỉ là niềm đam mê mà còn là cách tôi bày tỏ tình yêu và sự trân trọng đối với nền âm nhạc nước nhà. Qua từng giai điệu, tôi mong muốn tôn vinh vẻ đẹp của con người, quê hương và văn hóa Việt Nam - những giá trị đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ.

+ Xin cảm ơn anh!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm