Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền: "Khi yêu, cái đầu tôi cứ đơ ra"

26/09/2017 - 18:57
“Bao nhiêu tính toán, bao nhiêu cân nhắc, tinh tường tôi dành hết cho nghệ thuật rồi. Trong tình yêu, cái đầu tôi cứ cứng đơ ra, chỉ có con tim cứ đập rộn lên thôi”, nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền chia sẻ.
img_3252.JPG
Nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền

Hát nhạc vàng từ 7 tuổi

Thanh Thanh Hiền là một trong những nữ ca sĩ hát Bolero đầu tiên ở Hà Nội. Chị hát Bolero từ những năm 1989-1990, khi ở miền Bắc, dòng nhạc này vẫn còn xa lạ với nhiều người, nếu không muốn nói là bị... kỳ thị. Chị cho biết:

Ngày đó tôi ra album, tôi gọi tên hẳn là CD “Nhạc Vàng”. Với tôi, cái nghĩa của chữ nhạc vàng không phải như mọi người quan niệm vàng vọt, vàng úa, ủy mị, bi thương mà là nhạc bằng vàng. Là những khúc nhạc quý như vàng, chất lượng vàng! Chất lượng vàng được làm nên bởi tác phẩm, bởi giọng hát, bởi những tư duy cho bài hát.

Ra album nhạc vàng từ khi dòng nhạc này còn được nhìn với con mắt thiếu thiện cảm, chị không ngại ư?

Đúng là hồi đó người ta tránh nhạc vàng ghê lắm. Rất nhiều người phản đối khi tôi ra album. Phản đối không phải vì người ta ghét, bất đồng với mình mà lo cho mình. Người ta sợ rằng khi Thanh Thanh Hiền hát nhạc vàng sẽ phải gánh chịu hậu quả không hay. Nhưng tôi cứ làm. Bởi tôi thích. Tôi thích hát những gì tôi cảm thấy rung động.

Điều gì ở nhạc vàng, hay theo cách gọi thời thượng là Bolero, khiến chị rung động?

Tôi hát bản nhạc vàng đầu tiên năm 7 tuổi. Đó là ca khúc Nỗi buồn hoa phượng, do người cậu của tôi là bộ đội giải phóng từ Sài Gòn ra dạy tôi hát. Từ đó tới giờ, tôi chưa bao giờ phôi pha tình yêu với dòng nhạc này. Tôi nghĩ từ đứa trẻ 7 tuổi cho đến người 70 tuổi cũng có thể hát và yêu Bolero. Đây là thứ âm nhạc xóa nhòa ranh giới tuổi tác, giới tính... Nhạc Bolero rất giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, nó có thể đi thẳng vào trái tim, nhanh chóng chạm đến cảm xúc con người.

Là một trong số ít ca sĩ hát Bolero đầu tiên ở miền Bắc, nhưng có vẻ như chị xuất hiện không nhiều trong giai đoạn “làm mưa làm gió” của dòng nhạc này hiện nay?

Tôi vẫn hát như thế từ xưa đến nay. Tôi hát Bolero khi người ta không hát dòng nhạc này và giờ đây, khi Bolero tràn ngập sân khấu thì tôi vẫn như xưa. Tôi hát vì nhu cầu của chính tôi chứ không phải vì chạy theo thị hiếu của số đông.

 

hien-1.jpg 

Yêu nhạc Lam Phương vì ông chưa bao giờ trách cứ phụ nữ

Lần đầu tiên Thanh Thanh Hiền đảm nhận vai trò ca sĩ chính trong một chương trình Bolero: Đêm nhạc Lam Phương – Mùa thu yêu đương sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuổi trẻ vào tối 29/9. Chị nói chị không hát Bolero nhiều hơn trước, nhưng thực tế là chưa bao giờ chị dành cho dòng nhạc này một sự ưu ái đặc biệt trên sân khấu như vậy?

Bởi nhạc Lam Phương quá yêu! Tôi rất ngưỡng mộ nhạc sĩ Lam Phương và yêu vô cùng những tình khúc của ông. Tôi cũng nể người đứng ra mời mình tham gia chương trình nữa, đó là người có được sự uy tín, mến yêu của tôi. Mặt khác, tôi cũng rất thính không gian ấm áp như rạp Tuổi trẻ, dù không lớn nhưng đủ lịch lãm, gần gũi.

Chị thích những ca khúc nào của nhạc sĩ Lam Phương?

Tôi thấy bài hát nào của Lam Phương cũng hay, gần gũi. Nhưng tôi hơi lạ một chút, thích những ca khúc người ta ít hát của ông như Buồn làm chi em ơi, Kiếp nghèo...

Chị yêu nhất âm nhạc Lam Phương ở điều gì?

Tôi yêu nhất Lam Phương ở một điều: Khi viết về mọi sự đổ vỡ, mọi cuộc tình dang dở, chưa bao giờ ông có lời trách cứ nào người phụ nữ. Lam Phương luôn nói, là do tôi không đủ sức mạnh, không đủ sự quyến rũ để giữ em, hoặc ông Trời  cao xanh kia không cho mình bên nhau lâu dài... Lý do chưa bao giờ là từ người phụ nữ. Tôi thấy cuộc đời Lam Phương cũng nhiều gian nan, nhiều cay đắng trong tình riêng, nhưng ông không nói lỗi lầm từ phía bông hoa, từ phụ nữ. Tất cả đều do lỗi lầm của người cầm hoa thôi, do cách anh giữ bông hoa đó thế nào để nó khô héo thế, lả tả thế. Đó là cái nhìn rất nhân văn, rất đẹp.

hien-phong.jpg
Thanh Thanh Hiền và Chế Phong làm đám cưới năm 2015

“Bước ra khỏi nhà là chồng đã chuẩn bị sẵn giày dép, chỉ xỏ chân vào đi”

Ca sĩ Chế Phong chồng chị cũng là một giọng ca Bolero rất ngọt, nhưng ít thấy hai người hát chung sân khấu?

Không chỉ là ít hát chung, mà anh Chế Phong giờ rất ít đi diễn. Từ lâu rồi anh ấy muốn đứng ngoài showbiz, dù có nhiều nơi mời nhưng anh không nhận lời. Anh nói thật với tôi là: “Anh không thích đi hát nữa. Anh chỉ muốn là người chuẩn bị, lo lắng cho em để em đi hát”. Tôi nói với anh: “Nếu chỉ để lo lắng cho em thì người khác cũng làm được. Nhưng anh có giọng hát đẹp mà tổ nghiệp ban tặng, anh phải dâng hiến, làm lan tỏa nó rộng ra, nếu không là có lỗi với tổ nghiệp”. Vậy mà anh vẫn kiên quyết: “Anh chỉ hát khi nào có em!”. Quả thực là trước khi gặp tôi, anh ấy cũng đã nghỉ đi hát. Đến khi yêu rồi lấy nhau, làm chung CD, anh nói về tôi: “Giọng hát này là một động lực đã giúp tôi có sự thăng hoa và đam mê trở lại với nghiệp hát ca”. Và từ đó anh ấy chỉ hát với tôi.

Có một người đàn ông yêu mình như vậy trong cuộc đời, chị có thấy mình là người may mắn?

Điều đó chưa thỏa mãn đòi hỏi của tôi đâu. Anh ấy chuẩn bị cho tôi rất nhiều thứ, viết cho tôi nhiều kịch bản làm CD, rồi cả liveshow. Anh làm một phòng thu riêng, phòng thu ấy chỉ dành cho vợ thôi. Bất cứ lúc nào trong ngày: sáng sớm hoặc nửa đêm gà gáy, chỉ cần vợ dựng dậy, bảo muốn thu là thu. Thỉnh thoảng anh cũng thu cho bạn bè thân quen, nhưng không phải để kinh doanh. Mọi việc cập nhật lịch diễn của tôi đều anh ấy lo. Nếu đi hát, tôi chỉ cần bước lên sân khấu và hát. Hôm nay tôi mặc gì, đi đôi giày nào… đều do anh ấy. Tôi bước ra khỏi nhà là giày dép ở dưới chân rồi, xỏ vào và đi thôi.

Nhưng tôi không thích thế đâu. Tôi muốn anh ấy hát, và hát với nhiều người khác nữa chứ không chỉ riêng tôi. Tôi không thích ai đứng sau mình cả. Nếu anh ấy không đứng trước tôi, thì ít nhất tôi muốn chồng song hành với mình. Song hành đây dễ hiểu nhất là cùng nhau hát ca. Câu hỏi tôi luôn hỏi mình là: Làm gì để anh ấy đi hát trở lại đây?

img_3255.JPG


“Đàn ông còn làm được, huống gì đàn bà!”

Nói đến Thanh Thanh Hiền, khán giả nhớ ngay đến hình ảnh một người đàn bà đẹp, đầy nữ tính. Phía sau dáng vẻ rất đàn bà ấy, Thanh Thanh Hiền thực sự là người phụ nữ thế nào nhỉ?

Tôi thấy làm đàn bà khó lắm. Nhiều khi tôi hay đùa với con khi ai hỏi: Việc này chị có làm được không, thì tôi hay trả lời: “Việc này đàn ông người ta còn làm được huống hồ đàn bà”. Với tôi, chẳng có gì mình không làm được. Mà làm được ở nghĩa làm vui vẻ, chấp nhận được nó ngay.

Vậy kinh tế trong gia đình chị, ai là người phải lo?

Là tôi.

Thế chị là trụ cột trong nhà?

Thực ra là phải thay đổi nó đi chứ nhỉ? Cho dù chồng tôi vẫn làm những việc khác trong gia đình, vì trong gia đình có những dòng chảy ngầm mà mỗi người sẽ chịu trách nhiệm khác nhau. Anh ấy không đi hát, anh ấy làm những việc khác.

Chị nghĩ gì nếu có người đặt câu hỏi: Tại sao Thanh Thanh Hiền lại yêu và lấy Chế Phong?

Khi có một người mà sự hiện diện của họ bên cạnh cuộc sống của mình khiến mình vui hơn thì tại sao lại không yêu? Chúng tôi đến với nhau không có cản trở về pháp lý, về gia đình. Điều cản trở nếu có từ phía một người phụ nữ sẽ là: Tôi sẽ nhận được quyền lợi gì từ người đàn ông này? Nhưng tôi không đặt ra câu hỏi đấy trong mối quan hệ của hai đứa, vì anh là một nghệ sĩ nghèo.

Thực ra nếu tôi để cho cái đầu làm việc một chút, có lẽ tôi đã lựa chọn một mối lương duyên khác. Nhưng trong tình yêu, cái đầu tôi cứ cứng đơ ra, chỉ có con tim cứ đập rộn lên thôi. Bao nhiêu tính toán, bao nhiêu cân nhắc, tinh tường tôi dành hết cho nghệ thuật rồi.

Chị có thấy như vậy sẽ khiến mình thua thiệt, ít ra là về vật chất?

Tôi là người không cần gì: tài sản, tiền bạc đều là những thứ tôi không bao giờ  thấy nó hiện hữu trước mặt mình. Một ngôi nhà to, một chiếc xe đẹp với tôi chưa bao giờ lớn, tôi chỉ thấy người mình yêu là lớn thôi.

Người đàn ông chị yêu luôn “lớn” như thế?

Luôn như thế, người đàn ông hiện tại, người đàn ông trước và trước nữa đều như vậy.

hien-phong-2.jpg


“Chế Phong không có những thứ mà tôi không cần!”

Hỏi thật, nếu Chế Phong biết rằng chị nói anh ấy là một nghệ sĩ nghèo, liệu anh có tự ái?

Tôi hy vọng là không. Còn nếu có cũng không sao, bởi vì đó là sự thật. Nhưng tôi vẫn nghĩ là không.

Có thể nói Chế Phong mang những khiếm khuyết lớn của một người đàn ông mà phụ nữ cần: Nghèo, không phát triển bản thân. Nhưng tại sao ở bên một người đàn ông như thế mà vẻ hạnh phúc cứ ngời lên trên khuôn mặt chị không thể giấu giếm như vậy?

Bạn cứ đặt câu hỏi ngược lại đi: Hẳn anh ấy phải có gì bù đắp những thiếu hụt đó chứ? Anh ấy không có tiền bạc, danh vọng, vậy anh ấy đã bù đắp cái gì để tôi có thể quên hết những thứ mà nhiều phụ nữ đều cho là quan trọng kia? Có chứ, anh ấy đã bù đắp nhiều: đó là cảm giác được yêu. Anh ấy đã cho tôi những thứ tôi cần. Và anh ấy không có những thứ mà tôi không cần!

Cuộc sống bình thường của chị diễn ra như thế nào nhỉ?

So với chính mình ngày xưa, đây là quãng thời gian an nhàn của tôi. Tôi thích như thế lắm. Dù bận rộn cũng là hạnh phúc của người nghệ sĩ, nhưng nếu có thể sống chậm lại một chút cũng rất tốt. Tôi hiện đang sống một quãng thời gian an nhiên, thấy vui lắm. Các con tôi đã lớn, tôi lo cho con theo cách khác, công việc giờ cũng không như ngày xưa. Ngày xưa tôi gần như không được chọn, những cái gì hiện lên chữ “Tiền” là tôi lao đi, giờ thì mình có quyền lựa chọn hơn.

Xin cảm ơn chị!

Nghe Thanh Thanh Hiền hát mộc ca khúc "Xin thời gian qua mau" của nhạc sĩ Lam Phương:


(Cllip: Thúy Thảo)

 

lam-phuong.jpg Thanh Thanh Hiền là ca sĩ chính trong Đêm nhạc Lam Phương - Mùa thu yêu đương
Sau thành công ngoài mong đợi của Đêm nhạc Lam Phương – Cho em quên tuổi ngọc vào ngày 25/8, Đêm nhạc Lam Phương – Mùa thu yêu đương sẽ tiếp tục được Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức vào tối 29/9. Ngoài nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền đảm nhận vai trò ca sĩ chính, đêm nhạc còn có sự góp mặt của các giọng ca Hạ Vân, Ánh Tuyết, Hằng Nga, Việt Thắng, Tôn Sơn, Trung Kiên, Ploong Thiết... cùng vũ đoàn của Nhà hát Tuổi trẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm