Nghệ sĩ Vượng Râu: Chỉ cần đủ sống, không cần rủng rỉnh

Bảo Anh (Thực hiện)
23/01/2022 - 10:37
Nghệ sĩ Vượng Râu: Chỉ cần đủ sống, không cần rủng rỉnh
Tiểu phẩm năm nay trong “Tết Vạn lộc” chỉ vui vui với thông điệp về hạnh phúc của hai thế hệ cha và con. Quả thật hát hay diễn kịch không khán giả còn đỡ chứ diễn hài không khán giả thì diễn viên rất bị tâm lý và khó kiểm soát cảm xúc.

Lâu nay, cứ vào dịp cận Tết Nguyên đán, nghệ sĩ Vượng Râu lại thực hiện chương trình nghệ thuật "Tết Vạn lộc" với sự tham gia của dàn nghệ sĩ tên tuổi. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, "Tết Vạn lộc 2022" với chủ đề "Hãy yêu nhau đi" phải tổ chức không khán giả, chỉ ghi hình và phát sóng trên kênh YouTube Nụ Cười Vàng TV từ ngày 23 tháng Chạp. Nghệ sĩ Vượng Râu (ảnh) chia sẻ với PVNN về chương trình này.

+ Năm nay hầu hết các show diễn bán vé đều phải hủy bỏ, tại sao anh vẫn đổ tiền dàn dựng "Tết Vạn lộc" và ghi hình không khán giả?

Đúng là ghi hình không có khán giả rất vất vả và giảm đi sự hưng phấn của nghệ sĩ. Nhưng nhiều khán giả từ khắp nơi đều hỏi về "Tết Vạn lộc 2022" nên chúng tôi quyết làm bằng được dù khó khăn hiện hữu. Với chủ đề "Hãy yêu nhau đi", "Tết Vạn lộc" năm nay muốn gửi thông điệp yêu thương nhau nhiều hơn, dành cho nhau mến thương hơn bởi sau đại dịch chúng ta đã nhận ra nhiều người quanh ta đã đi xa!

+ "Đặc sản" mọi năm của "Tết Vạn lộc" là các nghệ sĩ hải ngoại tên tuổi. Dịch bệnh khiến nhiều nghệ sĩ không về nước được, anh sẽ gây bất ngờ với khán giả tiết mục gì?

Dù không về nước biểu diễn trực tiếp nhưng các danh ca như Tuấn Vũ, Mạnh Quỳnh, Chế Phong, Mai Thiên Vân đều gửi những bài hát và lời chúc Tết khán giả. Tôi thấy đó cũng là sự mới mẻ đúng xu thế thời 4.0. Nhìn chung các tiết mục trong "Tết Vạn lộc 2022" đều rực rỡ nhưng tôi ấn tượng nhất là bài "Neo đậu bến quê" do ca sĩ Hồ Quang 8 thể hiện với hiệu ứng như con thuyền lơ lửng trên sông thật.

+ Các tiểu phẩm bi hài kịch là thế mạnh trong những chương trình nghệ thuật của Vượng Râu, song diễn hài không có khán giả liệu có phải là quá khó cho anh cùng ê kíp?

Tiểu phẩm năm nay trong "Tết Vạn lộc" chỉ vui vui với thông điệp về hạnh phúc của hai thế hệ cha và con. Quả thật hát hay diễn kịch không khán giả còn đỡ chứ diễn hài không khán giả thì diễn viên rất bị tâm lý và khó kiểm soát cảm xúc. Bởi khán giả là thước đo là cảm xúc để chọc cười, không có thước đo ấy thì diễn viên rất hụt hẫng. Người nghệ sĩ càng đông khán giả càng nhiều hứng thú để diễn. Việc diễn trước máy quay rõ ràng là vất vả, song mọi người đều cố gắng để giữ được thần thái và nét duyên của mình.

Chỉ cần đủ sống, không đòi hỏi rủng rỉnh

+ Có quan niệm rằng, nghệ sĩ hài đúng nghĩa luôn diễn hài một cách sang trọng, lịch lãm, anh nghĩ sao? Kinh nghiệm "chọc cười" khán giả của anh là gì?

Khó nhất là diễn hài và khó vô cực là diễn bi hài. Hài không phải là mấy hành động và mấy câu nói theo trend mà đòi hỏi người diễn phải có chỉ số thông minh cao gieo rắc, nhử, lừa... khán giả bằng nghệ thuật buông bỏ đài từ và cách sáng tạo ngẫu hứng. Đôi khi câu hài lóe lên 1-2 giây phải chớp lấy và đưa vào hợp lý ngay trên sân khấu. Nhưng với hài, quan trọng nhất là duyên.

+ Có nên gọi những diễn viên hài là những người đang "chơi dao" không?

Thật ra làm nghề gì khó cũng như chơi dao. Chỉ có điều ai tinh quái và luyện được thủ pháp tốt thì con dao lại trở thành dụng cụ gọt cảm xúc kỹ thuật thật lợi hại và hiệu quả, còn ai vụng về sẽ đứt tay.

+ Tên tuổi làng hài nào hiện nay mà anh thấy đáng xem nhất?

2 năm nay ít chương trình nên tôi không rõ nhưng có lẽ trong mắt tôi, Bảo Chung, Trấn Thành là nghệ sĩ hài đáng xem nhất. Bởi họ luôn luôn sáng tạo và luôn yêu nghề nghiêm túc. Họ được khán giả công nhận, khác với nhiều diễn viên, xuất hiện rất nhiều nhưng khán giả chỉ quen mặt chứ không công nhận họ là nghệ sĩ hài.

+ Là nghệ sĩ nhưng cũng là một nhà sản xuất các chương trình, năm nay thu nhập của anh thế nào?

Thu nhập năm nay của tôi kém nhất từ trước tới nay, show diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay vì dịch bệnh Covid-19. May là tôi cũng có nguồn thu từ việc khác và có tích cóp từ nhiều năm trước.

+ Anh có phải là người sống rủng rỉnh với nghề diễn không?

Nói rủng rỉnh là chưa đúng nhưng sống đủ với nghề thì tôi vô tư. Đôi lúc tôi hơi quá tay chi tiêu cho sản xuất, song như thế cũng là tính việc trồng cây cho mai sau mình thu lại quả ngọt. Trong thời Covid-19, tôi nghĩ đủ sống là được rồi, không đòi hỏi rủng rỉnh.

+ Trên con đường nghệ thuật của mình, anh nhớ nhất điều gì?

Tôi nhớ nhất khi mới tốt nghiệp ra trường, tôi thường lên Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam để xin làm trợ lý và thư ký, viết kịch bản hài. Khi ấy tôi rất chăm chỉ và đam mê. Có ngày đi xe đạp hàng chục cây số để đưa kịch bản cho các nghệ sĩ nhưng tôi luôn thấy vui và hạnh phúc bởi được làm nghề mình yêu thích.

+ Ở thời điểm hiện tại, nhìn lại chính mình, anh cảm nhận thế nào về hai chữ thành công?

Có thể với khán giả và nhiều đồng nghiệp hay bạn bè đều nói tôi thành công nhưng với, tôi thành công đang ở phía trước. Khi nào tôi cảm thấy mệt và muốn dừng khi ấy tôi xin nhận hai chữ thành công. Còn hiện tại tôi vẫn đam mê dù mệt, có những chương trình tôi thức liền 10 ngày. Nguồn năng lượng làm việc của tôi vẫn còn dồi dào nên giờ tôi vẫn như người mới vào nghề.

+ Xin cảm ơn anh!

Nghệ sĩ Vượng Râu tên thật là Nguyễn Công Vượng, sinh năm 1980 ở Nam Định, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh. Trong 25 năm làm nghề, anh có nhiều đóng góp cho nghệ thuật giải trí Việt Nam với vai trò diễn viên và đạo diễn, nhà sản xuất. Bên cạnh làm phim và tổ chức các show diễn lớn, anh còn cùng Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội sản xuất bộ DVD "Chầu văn". Anh đã được trao tặng Bằng khen UNESCO về đóng góp bảo tồn văn hóa dân tộc, Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch...
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm