Nước mắt ngày đoàn viên
Mấy ngày nay, ngôi nhà nhỏ của gia đình chị Thìn lúc nào cũng tấp nập người vào ra. Mọi người đến hỏi thăm, chung vui với gia đình và để “gặp lại con Thìn xem sau hơn hai chục năm mất tích bây giờ nó như thế nào” – như lời một người già trong xóm.
Anh Trương Công Nhượng, em trai chị Thìn vẫn còn nhớ, đó là vào năm 1997. Năm đó, chuyện chị Thìn mất tích là cú sốc lớn với cả gia đình và là “sự kiện” chấn động cả làng quê nghèo. Khi mất tích, hai người con của chị Thìn còn nhỏ dại, đứa lớn 5 tuổi còn đứa bé vừa tròn 3 tuổi.
Bị chứng đau chân nhưng chị Thìn chạy chữa thuốc thang nhiều nơi không khỏi. Cho đến một hôm, chị về báo với gia đình có một người phụ nữ ở xã Nghĩa Long nói sẽ dẫn chị đi cắt thuốc và cam kết thuốc chữa khỏi bệnh. Mọi người trong nhà ai cũng mừng cho chị. Không lâu sau đó, chị Thìn nói đi lấy thuốc nhưng mãi không thấy trở về, cũng không có liên lạc gì. Gia đình đi tìm nhưng không thấy đâu, cũng không có thông tin về người phụ nữ mà chị nhắc đến để liên hệ. Cả nhà khóc hết nước mắt, bố mẹ chị bỏ hết công việc, không tiếc tiền bạc để đi tìm con nhưng càng đi càng vô vọng. Đến khi nhìn các cháu còn nhỏ dại không người chăm sóc, ông bà đành nén nước mắt, từ bỏ việc tìm kiếm để thay con gái chăm lo.
Dẫu vậy, theo lời anh Nhượng, cả nhà chưa bao giờ nguôi hi vọng sẽ có ngày chị trở về đoàn tụ. “Ngày đó, có người nói chị bỏ đi, có người còn nói có khi chị mất rồi. Bây giờ chị còn sống lại trở về như này thật mừng lắm. Hai mươi ba năm rồi chứ có phải ít đâu” anh Nhượng chia sẻ.
Ngày chị Thìn trở về, mọi thứ đều đã thay đổi. Hai con chị đều đã lớn khôn, người con gái đã lập gia đình và có con, còn người con trai hiện đang ở ngôi nhà của ông bà để lại. Cuộc sống của hai anh em dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cũng được họ hàng, làng xóm đùm bọc, giúp đỡ. Điều day dứt lớn nhất của chị Thìn có lẽ là không thể báo hiếu cho những người thân sinh ra mình. Khi chị bị bán đi Trung Quốc, hai người con của chị còn thơ dại, bố mẹ chị dù sức khỏe đã yếu nhưng vẫn cố gắng nuôi dưỡng hai cháu nên người. Thế nhưng, khi các cháu đã dần lớn khôn, chưa chờ được đến ngày gặp con gái thì bố mẹ chị đều đổ bệnh ra đi, trước khi mất ông bà đều trăn trối phải tìm cho được chị.
Nhắc đến bố mẹ, chị Thìn nghẹn ngào trong nước mắt: "Tôi bị người ta lừa bán sang Trung Quốc. Từng đó thời gian, ngày nào tôi cũng mong ngóng được trở về nhưng khi về thì bố mẹ đã mất cả, đau xót lắm".
Ký ức những tháng ngày lưu lạc
Nụ cười lẫn trong nước mắt ngày trở về, càng làm chị Thìn thêm căm phẫn người đã đẩy cuộc đời mình vào những ngày tháng tăm tối ấy.
Theo lời chị Thìn, người phụ nữ hẹn chị đi lấy thuốc đã cùng chị lên xe ô tô nói là đưa đi gặp thầy lang. Sau khi lên xe đi giữa đường, người đó hỏi cho chị uống một ngụm nước, sau đó, thì chị không còn biết gì nữa. Đến khi chị tỉnh lại, cô ta nói chị ngồi chờ còn mình đi vệ sinh, nhưng chị chờ mãi không thấy người này quay lại. Sau đó có một người lạ đến đưa chị đi và trao chị cho một người khác. Đến lúc này chị mới biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Không biết tiếng, không có tiền, xung quanh toàn người lạ, lại luôn bị theo sát, chị Thìn tìm mọi cách trốn đi nhưng không được. Lúc đó chị hoang mang và tuyệt vọng lắm. Rồi chị Thìn được bán cho một người đàn ông Trung Quốc.
Chị Thìn tâm sự: “Thời gian đầu chồng và gia đình không cho đi đâu vì sợ tôi trốn. Lạ nước lạ cái nên tôi ốm đau liên miên, lúc đó nghĩ quẩn mình bị bán sang đây rồi chắc không có đường về nữa. Thời điểm đó, tôi đã tìm đến cái chết 2 lần nhưng được phát hiện và can ngăn”. Sau này, chị Thìn khỏe hơn nhưng cũng không có cách nào để trở về. Cuộc sống nơi xứ người của chị cũng vất vả, cực nhọc vì nhà chồng rất nghèo, để mua chị về, người chồng Trung Quốc đã phải bán hết tài sản trong nhà. Rồi thời gian cứ thế trôi qua, đã hơn hai mươi năm, đến nay chị với người chồng này đã có với nhau 2 người con.
Dẫu vậy, trong suốt quãng thời gian đó, chị lúc nào cũng mong ngóng một ngày được trở về, đến cả trong mơ, chị cũng thấy hình ảnh các con khóc vì nhớ mẹ. Thương con, nhớ bố mẹ, nhớ quê nhà, chị gửi không biết bao nhiêu lá thư nhưng không hiểu sao đều không nhận được hồi âm, bây giờ khi về chị mới biết là gia đình không nhận được. Những nỗi nhớ ấy cứ quay quắt trong lòng chị đến nỗi chồng chị cũng nói sẽ cố gắng làm lụng để góp tiền cho chị về thăm quê.
Ngần ấy năm qua đi, đầu năm 2018, chị Thìn may mắn gặp được một người Việt Nam sang buôn bán ở gần nơi chị ở. Người này nghe kể hoàn cảnh của chị, đã đưa hình chị lên mạng và nhờ mọi người giúp đỡ. Từ đó, chị mới liên lạc được với gia đình của mình. Những giọt nước mắt buồn tủi như vỡ òa khi chị Thìn nhìn thấy hai người con và những người thân của mình qua màn hình điện thoại. Một tuần sau, chồng chị bán 3 con bò đưa tiền cho chị về thăm quê. Ngày 27/2/2019, chị Thìn về trong niềm vui khôn xiết của con cái, anh em họ hàng. Chị Thìn cũng đã trình báo sự việc lên chính quyền địa phương và trước mắt sẽ xin phục hồi lại hộ khẩu, giấy CMND.
Ngồi trước căn nhà nhỏ của người con trai, ánh mắt chị Thìn như rạng rỡ hơn. Có lẽ với chị, những ngày tăm tối nhất cuối cùng cũng đã qua, mong muốn bao năm nay của chị đã thành hiện thực. Dẫu biết vẫn còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng hi vọng rằng niềm vui đoàn tụ sẽ giúp chị quên đi những ký ức không vui, từ này sẽ chỉ còn những may mắn đến với chị và gia đình của mình.
Có rất nhiều phụ nữ như chị Thìn, chỉ khi họ trở về và kể lại, mọi người mới biết rằng họ bị lừa bán sang Trung Quốc. Chị Thìn là một trong những người may mắn, khi ít nhất sau 23 năm, chị đã được gặp lại gia đình và người thân, dẫu rằng bố mẹ chị không còn nữa. Nhưng vẫn còn biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam bị lừa bán vẫn đang lưu lạc xa xứ và mong ngóng ngày đoàn tụ.
Clip chị Thìn trở về trong niềm vui của gia đình người thân và bà con chòm xóm: