Nghĩa vụ cấp dưỡng khi cha mẹ không đăng ký kết hôn

09/12/2017 - 07:40
Vợ chồng tôi lấy nhau nhưng chưa đăng ký kết hôn. Hiện chúng tôi có 1 con chung nhưng chồng bỏ đi với người phụ nữ khác và anh ấy tuyên bố bỏ mặc mẹ con tôi. Vậy luật quy định thế nào về nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha mẹ không đăng ký kết hôn?

Hỏi: Vợ chồng tôi lấy nhau, có làm đám cưới nhưng vì quê ở xa nên chưa đăng ký kết hôn. Hiện chúng tôi có 1 con chung 1 tuổi. Mấy tháng gần đây, chồng tôi bỏ đi sống chung với người phụ nữ khác và anh ấy tuyên bố bỏ mặc mẹ con tôi. Đề nghị Báo PNVN cho biết, chúng tôi không đăng ký kết hôn thì anh ấy có phải cấp dưỡng cho con không?

                                                                                                                Vũ Thị Lệ Hằng (Đồng Nai)

anh7.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời: Theo quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em 2004 thì trẻ em không phân biệt giới tính, con trong giá thú hay ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng, không phân biệt tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội... đều được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục. Nghiêm cấm hành vi bỏ rơi con.

Còn theo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì cha mẹ có nghĩa vụ yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con; Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ.

Cụ thể, Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Trong trường hợp người cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Như vậy, chị là người giám hộ đương nhiên của con nên có quyền yêu cầu Tòa án buộc cha của con chị phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Về trách nhiệm hành chính: Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP  quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em quy định mức xử phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm