pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghiên cứu cho thấy gấu đen Mỹ đang tiến hóa để có bộ lông màu nâu đỏ
Một số gấu đen Mỹ ở miền tây Hoa Kỳ đã tiến hóa để có bộ lông màu nâu đỏ. Nghiên cứu mới cho thấy màu sắc mới này có khả năng là do một biến thể di truyền tương tự như biến thể gây ra bệnh bạch tạng ở người.
Các nhà nghiên cứu từ Hoa Kỳ và Nhật Bản đã phân tích các mẫu DNA từ 151 con gấu đen Mỹ (Ursus Americanus) trên khắp Hoa Kỳ và Canada. Sau đó họ phát hiện ra rằng những con cư trú ở các bang miền Tây như Nevada, Arizona và Idaho có nhiều khả năng có bộ lông màu nâu đỏ hơn phần còn lại.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được một đột biến được gọi là R153C trong một gen gọi là protein liên quan đến tyrosinase 1 (TYRP1), gây ra sự thay đổi sắc tố của bộ lông.
"TYRP1 là một gen tạo sắc tố đã biết trong lộ trình các phân tử tiền chất cuối cùng tạo ra eumelanin (sắc tố đen hoặc nâu) hoặc pheomelanin (sắc tố đỏ hoặc vàng)", Emily Puckett, tác giả chính của nghiên cứu và là trợ lý giáo sư về khoa học sinh học tại Đại học Memphis ở Tennessee nói với Live Science. "Những gì nó đang làm là thay đổi trình tự axit amin của gen đó".
Theo nghiên cứu, "biến thể màu nâu đỏ" này là một dạng "đột biến trẻ", xuất hiện khoảng 9.360 năm trước và đã dần dần lan rộng trong quần thể gấu đen Mỹ.
Puckett cho biết gấu đen ở những nơi khác tại Hoa Kỳ, bao gồm dọc theo Great Lakes và vùng Đông Bắc, ít có khả năng biểu hiện bộ lông màu nâu đỏ vì đột biến này "không có đủ thời gian để di cư tự nhiên".
"Mô hình nhân khẩu học của chúng tôi đã xác định rằng nơi có nhiều khả năng xảy ra đột biến nhất là ở khu vực phía tây, rất có thể là ở Tây Nam. Từ đó, nó mở rộng thông qua dòng gen trong toàn bộ quần thể".
Nhưng ngay cả đó, đây cũng là một quá trình chậm chạp, với phần lớn gấu đen ở Bờ Đông vẫn có bộ lông đen tuyền.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra xem liệu sự phát triển của gen này ở gấu đen miền tây châu Mỹ có liên quan gì đến quá trình điều nhiệt hay không, một cơ chế giúp động vật có vú điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của chúng, hoặc sự cạnh tranh với một loài gấu màu nâu khác: gấu nâu (Ursus arctos), hay còn gọi là gấu xám Bắc Mỹ.
"Mô hình của chúng tôi gợi ý rằng đột biến này có thể giúp cho chúng thích nghi theo một cách nào đó, nhưng chúng tôi không chắc chắn 100% nó thích nghi với cái gì", Puckett nói. "Chúng tôi đã thử nghiệm cả khả năng điều nhiệt và cạnh tranh với gấu nâu, tuy nhiên cả hai đều không đưa ra được bằng chứng thuyết phục. Giả thuyết mới của chúng tôi là đó là một cơ chế cho lợi thế chọn lọc".
Điều thú vị là biến thể này tương tự như biến thể ở người được gọi là bệnh bạch tạng ở mắt và da loại 3 (OCA3) khiến da và tóc có màu sáng hơn, hai dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch tạng. Trong một số trường hợp, nó cũng có thể dẫn đến thị lực kém.
"Điều thú vị là những con gấu có đột biến này không có dấu hiệu của các vấn đề về thị giác" Puckett nói.
Gấu đen Mỹ là một loài gấu kích thước trung bình có nguồn gốc ở Bắc Mỹ. Nó là loài gấu nhỏ nhất và phổ biến nhất của châu lục này. Chúng thường sống ở khu vực chủ yếu là rừng, nhưng lại rời khỏi rừng để tìm kiếm thức ăn. Đôi khi chúng xâm nhập vào các cộng đồng dân cư đào bới rác để kiếm thức ăn thừa.
Mặc dù sống ở Bắc Mỹ, nhưng gấu đen Mỹ không có quan hệ gần gũi với gấu nâu và gấu trắng Bắc Cực; nghiên cứu di truyền cho thấy chúng tách ra từ một tổ tiên chung khoảng 5,05 triệu năm trước.
Các loài gấu đen Mỹ và gấu đen châu Á (gấu ngựa) được coi là các loài có quan hệ gần gũi với nhau hơn so với các loài gấu khác.
Loài gấu nhỏ nguyên thủy Ursus abstrusus là hóa thạch lâu đời nhất của chi Ursus được biết đến ở Bắc Mỹ. Điều này cho thấy Ursus abstrusus có thể là tổ tiên trực tiếp của gấu đen Mỹ.