pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ giảm căng thẳng sau khi được ôm
Ảnh minh họa
Theo một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư tuần trước trên tạp chí PLOS One, các nhà nghiên cứu đã phân tích cách 76 người phản ứng với căng thẳng sau khi nhận được một cái ôm từ người yêu. Kết quả cho thấy sau khi được ôm, phụ nữ giảm sản xuất cortisol - một loại hormone gây căng thẳng, so với những người không được ôm.
Tác giả nghiên cứu cấp cao Julian Packheiser, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Khoa học Thần kinh Hà Lan, cho biết: "Cortisol có thể ảnh hưởng đến khả năng hồi phục trí nhớ, điều có thể làm tăng căng thẳng".
Kory Floyd, giáo sư về truyền thông tại Đại học Arizona (Mỹ), cho biết mặc dù nghiên cứu có kích thước mẫu nhỏ, nhưng được thực hiện chuyên nghiệp và bổ sung thêm dữ liệu vững chắc cho khoa học. Theo Packheiser, không có gì ngạc nhiên khi xúc giác giúp điều chỉnh cơ thể. Cảm xúc nảy sinh với người yêu sẽ giải phóng một chất dẫn truyền thần kinh gọi là oxytocin, thường được gọi là "hormone tình yêu", làm giảm mức cortisol. Theo nghiên cứu, phản ứng này kết hợp với các yếu tố xã hội, sẽ giúp chống lại căng thẳng.
Đã có những nghiên cứu khác xem xét các lợi ích khi tiếp xúc cơ thể lâu hơn, chẳng hạn như mát xa. Hoạt động này giúp kích thích những phản ứng của hệ thống nội tiết trước căng thẳng, điều chỉnh việc giải phóng hormone và hệ thần kinh giao cảm, thúc đẩy phản ứng "chống trả hay bỏ chạy" một cách nhanh chóng trước những tình huống căng thẳng. Trong khi đó, nghiên cứu xem xét hành động ôm này cung cấp bằng chứng khoa học về một lựa chọn hài lòng tức thì. Theo Packheiser, mát xa không phải lúc nào cũng hiệu quả. "Việc nhanh chóng nhận được một cái ôm có thể giúp chống lại các tác nhân gây căng thẳng trong tương lai", ông viết trong email.
Nhà nghiên cứu người Hà Lan cũng cho biết thêm, hiện tại khi các biện pháp hạn chế phòng dịch đã được nới lỏng ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, việc biết thêm rằng có một phương pháp khác giúp chống lại các tác nhân gây căng thẳng trên thế giới là rất hữu ích.
Theo các nhà nghiên cứu, khó có thể giải thích tại sao hormone cortisol không giảm khi nam giới được ôm. Packheiser cho biết điều này có khả năng do yếu tố xã hội khi đàn ông có thể không cảm thấy hài lòng với những cái ôm vì điều này được cho là bất thường hoặc kỳ hoặc đối với phái nam. Nó cũng có thể liên quan đến sự khác biệt trong các thụ thể xúc giác sinh học của nam giới và phụ nữ. "Việc chúng tôi không tìm thấy tác dụng của những cái ôm ở nam giới không có nghĩa là nó không có. Phản ứng đối với nam giới có thể đơn giản là khá ít và không được phát hiện".
Packheiser nói: "Một lời khuyên đơn giản là hãy ôm người yêu, người thân hoặc bạn bè nếu biết rằng họ đang phải đương đầu với những tình huống căng thẳng và tất nhiên nếu họ muốn được ôm".
Giáo sư Floyd cho biết nghiên cứu gần đây nhất này dựa trên những kiến thức đã có, chỉ ra cách bảo vệ về mặt cảm xúc đối với những người yêu thương trước các tác động tiêu cực của căng thẳng đối với cơ thể. Một nghiên cứu khác vào năm 2018 cho thấy những cái ôm sau một cuộc xung đột hoặc sự kiện tiêu cực giúp con người cảm thấy tốt hơn. Lisa Damour, một nhà tâm lý học lâm sàng ở bang Ohio (Mỹ), chuyên nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em gái vị thành niên, cho biết tiếp xúc cơ thể lành mạnh được cho là có tác dụng xoa dịu hệ thần kinh.
Tuy nhiên, một cái ôm không phải lúc nào cũng phù hợp với mọi tình huống. Floyd nói: "Điều quan trọng cần biết là mọi người sẽ có nhiều phản ứng khác nhau trước những cái ôm. Đối với một số người, cái ôm là biểu hiện hoan nghênh của sự ấm áp có thể xoa dịu căng thẳng, giảm đau và thúc đẩy sự thân mật. Những người khác có thể có cảm giác ôm là xâm phạm, một hành động không tự nhiên và thậm chí có thể làm tăng căng thẳng hơn là giảm bớt".
Đối tác lãng mạn thường hiểu rõ mức độ cảm nhận của người mình yêu trong việc tiếp xúc cơ thể. Những cái ôm hữu hiệu nhất là những cái ôm mà đối phương có thể cảm nhận về tinh thần. Điều quan trọng là đảm bảo đáp ứng những gì nửa kia cần thay vì cho rằng họ cần một vòng tay.