Nghiên cứu dược liệu kháng ung thư ở Việt Nam còn rất khiêm tốn so với nguồn thuốc Nam dồi dào

TS Nguyễn Thanh Hà (Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.Hồ Chí Minh)
16/02/2024 - 17:03
Nghiên cứu dược liệu kháng ung thư ở Việt Nam còn rất khiêm tốn so với nguồn thuốc Nam dồi dào
Trong vòng 10 năm trở lại đây, chỉ có khoảng 30 đề tài cấp Bộ, cấp Viện Hàn lâm và chỉ có 4 nghiên cứu sinh báo cáo thành công luận án tiến sĩ dược học với đề tài nghiên cứu thuốc kháng ung thư từ dược liệu nhưng vẫn chưa có thành phẩm kháng ung thư nào được nghiên cứu tại Việt Nam, dùng dược liệu Việt Nam được cấp số đăng ký thuốc.

Ung thư là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Theo số liệu mới nhất của GLOBOCAN, trong năm 2020, Việt Nam có 182.563 người mắc mới và hơn 122.690 ca tử vong do ung thư mỗi năm.

Nhiều biện pháp đã được các ngành, các cấp đưa ra nhằm hạn chế nguy cơ mắc ung thư như tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm ô nhiễm môi trường... đồng thời ngành Y tế cũng đã tích cực gia tăng khả năng điều trị bệnh bằng nhiều giải pháp trong nghiên cứu sản xuất thuốc, chẩn đoán và điều trị. Trong đó, việc nghiên cứu sàng lọc dược liệu trị ung thư là một trong những hướng đi khả quan, bắt nhịp với xu hướng chung của thế giới và phù hợp với điều kiện kinh tế, địa lý của nước ta. Tại Hội thảo "Tiếp cận công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, nghiên cứu phát triển thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam", do Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức, các nhà khoa học trong nước cũng đã đồng tình với hướng đi này.

Nghiên cứu dược liệu kháng ung thư ở Việt Nam còn rất khiêm tốn so với nguồn thuốc Nam dồi dào- Ảnh 1.

Việt Nam có nguồn dược liệu dồi dào. Ảnh minh họa: ST

Nước ta có nguồn dược liệu phong phú và y học cổ truyền phát triển, đã hình thành nên một nền y học cổ truyền Việt Nam với các cây và bài thuốc Nam đặc trưng. Đồng thời chúng ta còn học hỏi, trao đổi thêm từ nền y học cổ truyền lớn nhất thế giới là y học cổ truyền Trung Hoa (thuốc Bắc). Tuy nhiên, dược liệu không chỉ quan trọng với nền y học cổ truyền mà còn đóng vai trò rất lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe hiện nay nhưng việc sử dụng dược liệu chưa được chú trọng. Chẳng hạn số lượng bài thuốc cổ truyền, dược liệu được Bảo hiểm y tế thanh toán chỉ có 349 vị thuốc với 229 bài thuốc. Ngược lại, ước tính có khoảng 85-90% dân số thế giới đến nay vẫn dùng dược liệu và các phương thuốc cổ truyền như là giải pháp đầu tiên trước khi tìm đến bệnh viện và có khoảng 50% thuốc trị ung thư có nguồn gốc tự nhiên.

Tại Việt Nam, phần lớn đề tài nghiên cứu thuốc, trong đó có thuốc trị ung thư, đều theo hướng sàng lọc từ dược liệu. Tuy nhiên, trong vòng 10 năm trở lại đây, chỉ có khoảng 30 đề tài cấp Bộ, cấp Viện Hàn lâm và chỉ có 4 nghiên cứu sinh báo cáo thành công luận án tiến sĩ dược học với đề tài nghiên cứu thuốc kháng ung thư từ dược liệu nhưng vẫn chưa có thành phẩm kháng ung thư nào được nghiên cứu tại Việt Nam, dùng dược liệu Việt Nam được cấp số đăng ký thuốc. Đây là kết quả quá khiêm tốn so với ưu thế tài nguyên dược liệu dồi dào và sự nguy hiểm của căn bệnh này trong xã hội.

Trong khi đó, chỉ trong vòng 3 năm, từ 2008 đến 2011, trường Đại học Illinois (Chicago, Hoa Kỳ) đã lấy 824 mẫu dược liệu tại 4 khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và Công viên quốc gia Núi chúa. Từ đó họ đã phân lập được 59 hợp chất tự nhiên (trong đó có 17 chất mới và 42 chất đã biết trước) có tác dụng trên nhiều dòng tế bào ung thư. Về công nghiệp dược, Việt Nam chỉ mới tự chủ nguyên liệu và sản xuất được 1 thuốc trị ung thư được xem là "thuần Việt". Tuy khiêm tốn nhưng dù sao đó cũng là viên gạch đầu tiên trong quá trình tự chủ về sản phẩm thuốc ung thư.

Nghiên cứu dược liệu kháng ung thư ở Việt Nam còn rất khiêm tốn so với nguồn thuốc Nam dồi dào- Ảnh 2.

Năng lực sản xuất thuốc điều trị ung thư ở Việt Nam còn hạn chế. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, một số công ty trong nước cũng đã sản xuất được thuốc trị ung thư dựa vào nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, số lượng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu điều trị. Đây chính là lý do mà trong Hội thảo vừa qua, các nhà khoa học đánh giá mắt xích yếu nhất trong công cuộc điều trị ung thư chính là bước "nghiên cứu, sản xuất thuốc kháng ung thư trong nước".

Theo đánh giá của chúng tôi, các cơ sở nghiên cứu khoa học trên toàn quốc đang sở hữu hệ thống trang thiết bị tiên tiến và lực lượng nghiên cứu viên có trình độ đủ đáp ứng yêu cầu nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc phát triển các đề tài nghiên cứu hiện nay chưa đi theo một định hướng tổng thể và có kế hoạch. Vì vậy, kết quả nghiên cứu tổng thể chưa "vẽ" nên được một hình hài cụ thể cho tình hình nghiên cứu dược liệu tại Việt nam. Năm 2019, Bộ Y tế đã ban hành "Danh mục 100 dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020 – 2030" trong đó có một số dược liệu đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu tác dụng kháng ung thư. Nhưng nếu so sánh với tài liệu "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS Đỗ Tất Lợi thì số lượng này quá nhỏ bé và cho thấy tiềm năng phát triển dược liệu của chúng ta còn rất lớn so với những gì đã khai thác.

Vì thế, tầm quan trọng của việc nghiên cứu dược liệu kháng ung thư nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị là một nhiệm vụ cấp thiết nhất trong công tác sàng lọc dược liệu. Đặc biệt, việc xây dựng danh mục các dược liệu có sẵn tại Việt Nam (chủ yếu là cây bản địa), đã được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu tác dụng kháng ung thư là công tác cấp bách nhất và là khởi đầu của mọi nghiên cứu. Từ đó xây dựng một chương trình hành động thống nhất, nhằm đẩy mạnh khả năng tìm ra những sản phẩm "Make in Vietnam" trong phòng chống ung thư.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm