pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghiên cứu gây sốc: Nam giới mất vợ có nguy cơ tử vong cao hơn 70% so với nam giới còn vợ
Mất đi người bạn đời có thể là một trong những khoảnh khắc đau khổ nhất mà một người trải qua. Các nhà khoa học từ lâu đã nhận thấy sự ra đi của người bạn đời không những gây tổn thương tinh thần mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Hiện tượng này được gọi là “widowhood effect” (hiệu ứng goá phụ), cho thấy sự gia tăng nguy cơ tử vong của một người trong một khoảng thời gian sau khi người vợ hoặc chồng của mình qua đời. Và khoảng thời gian này thì tương đối ngắn.
Nghiên cứu mới cho thấy rằng nam giới sẽ có nguy cơ từ vong cao hơn so với nữ giới nếu bạn đời của họ ra đi. Trong một nghiên cứu được công bố vào ngày 22/3/2023 trên tạp chí PLOS ONE, các nhà nghiên cứu đã điều tra tác động tiêu cực của hiệu ứng goá phụ đối với chi tiêu chăm sóc sức khỏe và tỷ lệ tử vong, dựa trên độ tuổi và giới tính.
Tuổi tác và giới tính có tác động đến tỷ lệ tử vong
Sau khi phân tích dữ liệu từ gần 1 triệu công dân Đan Mạch trên độ tuổi 65 tuổi, các nhà nghiên cứu nhận thấy đàn ông có nguy cơ tử vong cao hơn trong vòng một năm sau khi người vợ qua đời, đặc biệt là đàn ông ở nhóm tuổi trẻ nhất trong danh sách nghiên cứu, từ 65 đến 69 tuổi.
Theo nghiên cứu sinh Alexandros Katsiferis (sinh viên ngành y tế công cộng tại Đại học Copenhagen) và đồng tác giả của nghiên cứu, nguy cơ tử vong của những người mất vợ hoặc chồng sau một năm cao hơn khoảng 70% so với những người vẫn còn bạn đời. Hơn nữa, dường như tỉ lệ này không thay đổi theo thời gian.
Trong số gần 80.000 người đã mất đi bạn đời tham gia nghiên cứu thì phần lớn là phụ nữ (68%). Tuy nhiên, ở nữ giới không ghi nhận tỷ lệ tử vong cao như nam giới. Nguy cơ tử vong đối với phụ nữ từ 65 đến 69 tuổi là hơn 27% trong năm đầu tiên và sau đó giảm dần xuống mức tiêu chuẩn.
Katsiferis nhận định, đối với cả hai giới, ở độ tuổi càng lớn thì tỷ lệ tử vong sẽ ít hơn. Thêm vào đó, nguy cơ tử vong cao hay thấp còn phụ thuộc vào việc bạn là nam hay nữ, cũng như độ tuổi mà bạn trải qua sự mất mát đó.
Theo Dawn Carr, giáo sư xã hội học và giám đốc Trung tâm Claude Pepper Center tại Đại học Bang Florida, hậu quả của việc mất đi người bạn đời đối với sức khỏe và tỷ lệ tử vong của nam giới đã được chứng minh khá rõ ràng. Tuy nhiên, một phát hiện mới mà nghiên cứu tìm ra độ tuổi càng trẻ thì nguy cơ tử vong càng cao, nhất là với nam giới.
Tại sao nguy cơ tử vong của một người tăng lên sau khi vợ hoặc chồng họ qua đời?
Mặc dù chưa có những lý giải chính thức, nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán nguyên nhân lớn nhất có thể là căng thẳng về mặt tâm lý đã gây ra sự biến đổi về hormone, từ đó gia tăng các bệnh về tim mạch.
Về nguy cơ tử vong cao hơn ở nam giới thuộc nhóm tuổi trẻ hơn, Katsiferis giải thích, nguy cơ tử vong cao hơn ở nam giới trẻ tuổi có thể là do mất vợ khi còn trẻ là một cú sốc lớn và họ chưa sẵn sàng để đối diện. Ngược lại, ở nhóm lớn tuổi, họ đã sẵn sàng chuẩn bị để đối mặt với sự ra đi của người bạn đời. Họ hiểu cái chết và bệnh tật do tuổi già là điều không thể tránh khỏi. Dù vậy, hầu hết đều chật vật khi phải đột ngột chuyển sang trạng thái sống cô độc một mình.
Tại sao nam giới có nguy cơ tử vong cao hơn nữ giới sau khi mất đi người bạn đời?
Các chuyên gia đã suy luận và chỉ ra các yếu tố xã hội có ảnh hưởng đến chất lượng sống. Đàn ông, đặc biệt là nhóm đàn ông lớn tuổi, thường không có nhiều mối quan hệ xã hội như phụ nữ. Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của nữ giới cũng cao hơn nam giới.
Theo Carr, nữ giới thường xây dựng các mối quan hệ xã hội mạnh mẽ với mọi người, đặc biệt là những người phụ nữ khác. Do đó có thể hình dung được là sau khi vợ hoặc chồng qua đời, họ vẫn có những người bạn dìu dắt, giúp đỡ họ vượt qua thương tổn.
Nếu một người phụ thuộc khá nhiều vào sự chăm sóc của người bạn đời và người bạn đời đó đột ngột ra đi, họ sẽ trải qua chấn thương tinh thần nặng nề. Mà trong gia đình, người phụ nữ thường đóng vai trò là người chăm lo, vun vén cho gia đình nhiều hơn.
Thêm vào đó, đàn ông cũng có xu hướng ít bộc lộ tổn thương hay mong muốn được hỗ trợ về sức khỏe tinh thần sau khi mất người thân. Kìm nén cảm xúc có thể khiến sức khỏe của họ trở nên tồi tệ hơn.
Nhưng Katsiferis nhận định rằng rất khó lý giải chính xác tại sao sự ra đi của bạn đời có ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ tử vong. Những yếu tố xã hội, văn hoá, tôn giáo cũng có thể là những khía cạnh cần được nghiên cứu thêm.