pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nghiên cứu tâm lý của Đại học Harvard: Người hay để tâm trí "đi lang thang" thường không hạnh phúc
Những nhà tâm lý học thuộc Đại học Harvard - Matthew Killingsworth và Daniel Gilbert - đã tiến hành một nghiên cứu vào năm 2010 nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa sự tập trung và hạnh phúc, nội dung nghiên cứu hướng đến việc trả lời câu hỏi: Việc tập trung có giúp con người cảm thấy hạnh phúc hơn?
Để làm điều này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động. Ứng dụng này được dùng để khảo sát định kỳ suy nghĩ và hoạt động của mọi người. Vào những thời điểm ngẫu nhiên trong ngày, điện thoại của người tham gia khảo sát sẽ thông báo và đưa ra một bảng câu hỏi ngắn để thu thập thông tin về mức độ hạnh phúc, người tham gia đang làm gì tại thời điểm đó và họ có suy nghĩ về điều mình đang làm hay không.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu từ 2250 người trưởng thành (58,8 % nam giới, 73,9% sinh sống tại Mỹ, độ tuổi trung bình là 34) để đưa ra kết luận.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng chúng ta hạnh phúc nhất khi tập trung nghĩ về những gì bản thân đang làm. Mặc dù việc tưởng tượng đến những điều tốt đẹp sẽ tốt hơn việc nghĩ đến những điều xấu có thể xảy ra, nhưng nhìn chung, việc không nghĩ ngợi linh tinh mà chỉ tập trung vào quá trình mới là liều thuốc tốt nhất cho tâm trí. Chẳng hạn, một người đang là quần áo và nghĩ về việc mình phải là như thế nào sẽ tốt hơn một người ngồi là áo nhưng đầu óc lại nghĩ về một chuyến du lịch biển.
Vậy hoạt động mà chúng ta làm có ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc hay không? Chắc hẳn hầu hết mọi người đều tin rằng việc đi du lịch khắp thế giới sẽ giúp con người cảm thấy hạnh phúc hơn việc chỉ nằm nhà và ngủ.
Tuy nhiên, đáp án ở đây là dù hoạt động mà bạn đang làm là gì, điều đó cũng không quan trọng. Theo dữ liệu từ nghiên cứu của nhóm chuyên gia Harvard, nội dung các công việc mà bạn làm trong ngày không nói lên nhiều về mức độ hạnh phúc. Thay vào đó, sự kết hợp giữa suy nghĩ và hành động mới là yếu tố dự đoán hạnh phúc tốt hơn cả.
Kết luận rút ra từ nghiên cứu trên đã gợi ý một giải pháp đơn giản tuyệt vời để tất cả mọi người, không phân biệt độ tuổi, giới tính hay kinh tế, đều có thể đạt được hạnh phúc: Hãy tập trung vào những gì bạn đang làm.
Giống như bất kỳ liều thuốc nào khác, việc tuân thủ theo nó rất khác biệt so với việc chỉ biết rằng nó tốt nhưng lại không áp dụng. Tất nhiên, để bản thân tập trung vào điều đang làm không hề dễ dàng, vì não bộ của chúng ta vốn luôn tự hiệu chỉnh để thích nghi với từng tình huống.
Ví dụ, trong quá trình thực hiện một công việc buồn tẻ mà về cơ bản cơ thể chúng ta có thể thực hiện theo bản năng, não bộ sẽ tự động đưa ra những lựa chọn thay thế thú vị và đưa tâm trí chúng ta "đi dạo chơi lang thang". Thậm chí, có những trường hợp dù đang thực hiện công việc rất thú vị, nhưng tâm trí của chúng ta vẫn không hoàn toàn tập trung vào nó.
Mặc dù vậy, khi đã hiểu được nguyên tắc tập trung để hạnh phúc, con người hoàn toàn có thể rèn luyện bản thân để đạt được điều đó. Chúng ta có thể học cách thiền định, hay cố gắng chuyên tâm vào những điều đang làm để nhận ra hạnh phúc nằm sâu bên trong tâm trí của mỗi người.