'Nghiện' hải sản nướng, dễ dính sán lá phổi

01/10/2016 - 16:29
Ho ra máu, nhiều người nghĩ tới viêm phổi, lao phổi nhưng đây là có thể là một biểu hiện của bệnh sán lá phổi - một bệnh dễ mắc ở những người hay ăn đồ sống, nướng tái...
ThS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ chia sẻ, BV từng tiếp nhận trường hợp bị sán lá phổi nhưng không hay biết mà nghĩ tới bệnh lao phổi, thậm chí có người được chẩn đoán bệnh về gan. Bệnh nhiễm sán lá phổi có biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng có thể nhầm với nhiều bệnh lý khác như nấm phổi, lao phổi… điều trị không kết quả, ảnh hưởng đến sức khỏe và tốn kém kinh tế của người bệnh.

Trường hợp của anh T.V, 40 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, là vì dụ. Anh V. thường xuyên ăn cua suối nướng, mắm cáy. Một lần, sau khi ăn cua suối nướng trên than hoa, anh V. bị ho ra máu. Anh tưởng bị viêm phổi, lao phổi, vào BV khám chữa nhưng bệnh không thuyên giảm.

Sau thời gian đi khắp các nơi kiểm tra, chưa tìm ra nguyên nhân, điều trị không kết quả, bệnh không thuyên giảm, anh V. đến BV Bệnh Nhiệt đới TƯ và được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh là nhiễm sán lá phổi.
Sau hai đợt điều trị, thể trạng bệnh nhân tốt, lên cân, ăn ngủ được, sinh hoạt bình thường, hết ho ra máu, hết đau ngực; không tìm thấy ký sinh trùng trong đàm và phân.
cua.jpg
Không nên ăn cua đá nướng để tránh nhiễm sán lá phổi 
Biết rõ bệnh, sẽ chữa khỏi trong... 2 ngày

GS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cho biết, ăn cua, ốc nấu chưa chín dễ bị nhiễm bệnh sán lá phổi, nhất là loại cua sống ở vùng suối miền núi phía Bắc nước ta. Khi mắc sán lá phổi, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là ho kéo dài, từng đợt; ho ra máu, thường ho nhiều vào sáng sớm hoặc tràn dịch màng phổi. Nếu sán cư trú ở não thì thường có cơn động kinh, ở gan thì gây áp-xe gan. Bệnh sán lá phổi là do ăn phải ấu trùng sán lá phổi trong cua hay tôm, chủ yếu là cua đá (cua suối). Tuy nhiên, sán không chỉ có ở phổi mà nhiều bộ phận khác, sán cũng có thể ký sinh như phúc mạc, gan, tinh hoàn, não...

"Tỷ lệ cua đá mang ấu trùng sán lá phổi là 39%. Thói quen sử dụng nước cua cho trẻ uống để chống còi xương, bỏ gạch cua vào canh sau khi nấu chín và thói quen ăn cua nướng cũng là nguyên nhân chính nhiễm bệnh sán lá phổi. Trên thực nghiệm cho thấy, trong cua nướng chưa kỹ, ấu trùng sán lá phổi vẫn còn sống. Khi cua được nướng vàng vỏ, 65% ấu trùng sán lá phổi còn sống và trong cua nướng cháy vỏ, 23,3% ấu trùng sán lá phổi vẫn còn sống. Vì vậy, thói quen ăn cua nướng, dễ nhiễm sán lá phổi", GS.TS Nguyễn Văn Đề cho hay.

Bệnh sán lá phổi có thể điều trị trung bình trong 2 ngày nhưng nếu chẩn đoán nhầm thì nhiều bệnh nhân phải điều trị lâu dài. Hiện loài ấu trùng sán lá phổi được tìm thấy trong vật chủ trung gian là cua đá. Cách tránh nhiễm bệnh là không ăn cua đá (cua suối) chưa nấu chín dưới mọi hình thức như mắm cua, uống nước cua sống, nướng tái... Thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh trong ăn uống (ăn, uống chín), không ăn gỏi và các hải sản sống... 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm