pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngộ độc thực phẩm: Không chủ quan khi có dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy
Đau bụng, tiêu chảy là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất của ngộ độc thực phẩm. Việc nắm rõ các dấu hiệu đau bụng, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm sẽ giúp bạn phân biệt được triệu chứng đau bụng, tiêu chảy do ngộ độc thức ăn với các loại bệnh khác, từ đó có phương pháp điều trị đúng và hiệu quả.
1. Đau bụng, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm
Đau bụng là một trong những triệu chứng tiêu hóa thường gặp hàng ngày ở mọi đối tượng. Đau bụng thường do nguyên nhân rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc một vài nguyên nhân khác.
Sự khác biệt giữa đau bụng do ngộ độc thực phẩm với đau bụng do một số bệnh lí khác
- Đau bụng do ngộ độc thức ăn: Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh có biểu hiện là đau bụng quặn từng cơn kèm với tiêu chảy. Cơn đau có thể dịu đi một lúc sau khi người bệnh đi ngoài hoặc sau khi nôn mửa.
- Đau bụng do viêm ruột thừa: Người bệnh thường đau ở vùng giữa bụng hoặc trên rốn, sau đó khu trú ở vùng bụng dưới bên phải.
- Đau bụng do táo bón: Người bệnh đau từng cơn ở bụng dưới giữa hoặc đau lệch về bên trái.
- Đau bụng do sỏi thận: Người bệnh bị đau bụng đầu tiên ở lưng và có cảm giác như lan ra vùng bụng đến mặt trong đùi. Kèm theo đó là đau bụng dữ dội xuất hiện, đau quặn lên từng cơn sau đó biến mất.
- Đau bụng do sỏi mật: Triệu chứng là đau dữ dội ở vùng bụng trên bên phải, vị trí đau nhất thường là bên phải, ngay dưới xương sườn.
- Đau bụng do loét dạ dày, tá tràng: Người bệnh có dấu hiệu đau ở vùng bụng trên nhưng cũng có thể đau xuyên ra sau lưng. Các cơn đau thường xuất hiện vào buổi tối và lúc thức dậy vào sáng sớm.
Dấu hiệu tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm
- Người bệnh đi ngoài có phân lỏng nhiều lần (hơn 4 lần một ngày) nhưng không phải kiểu đi ngoài xối xả như những người bị tả.
– Phân có mùi rất khó chịu, phân nát hoặc lỏng, trong phân có thể có lẫn chất nhầy hoặc thậm chí là máu.
- Người bệnh có những cơn đau quặn vùng bụng vô cùng đau đớn, khó chịu
– Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị sốt, phần lớn là sốt nhẹ.
2. Cần làm gì khi bị đau bụng, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm?
Đau bụng tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Vì thế, khi có những dấu hiệu này, người bệnh cần nắm chắc các quy tắc sơ cứu tại nhà.
Theo các bác sĩ, khi bị đau bụng tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu tại nhà. Cụ thể, người bệnh bù dịch bằng cách uống nhiều nước và uống thuốc hạ sốt khi bị sốt trên 38,5 độ.
Ngoài ra, khi bị đau bụng, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, người bệnh cần kiểm soát nôn, buồn nôn và có chế độ dinh dưỡng phù hợp (uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, không nên ăn đồ cứng khó nuốt...)
Người bệnh cũng cần lưu ý không nên dùng thuốc chống nôn hoặc chống tiêu chảy cấp khi chưa có ý kiến của các bác sĩ. Người bị ngộ độc thực phẩm cần tuyệt đối không sử dụng Loperamid. Bởi vì đây là thuốc làm giảm nhu động ruột, khiến độc tố không thải trừ được ra ngoài, gây nguy hiểm tới tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Bệnh nhân cần được đưa ngay tới bệnh viện để thăm khám khi bị đau bụng, tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm mà có các dấu hiệu sau:
- Bệnh nhân đi ngoài phân lỏng nhiều lần liên tục, buồn nôn và nôn nhiều, không có dấu hiệu thuyên giảm.
– Sốt cao, uống thuốc hạ sốt mà hạ thân nhiệt.
– Người bệnh bị đau bụng quằn quại.