pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngoài cơm tấm, ốc, hay bánh mì thì đây là những món không được bỏ lỡ khi đến TPHCM
Nhắc đến Sài Gòn, người ta thường đính kèm với những tính từ như “phát triển”, “xô bồ” hay “đông dân”, thế nhưng ít ai nhắc đến điểm đặc biệt của nền ẩm thực nơi đây, một nền ẩm thực đầy đa dạng và mới lạ. Sài Gòn ngoài những thức quà quen thuộc như cơm tấm hay bánh mì vốn được báo chí nhắc đến hằng ngày, nơi đây còn được mệnh danh là thiên đường của hàng loạt món ăn đường phố, các biến thể độc đáo của đặc sản đến từ tỉnh ngoài.
Lẩu cù lao, lẩu cá kèo
Ảnh: Andy Tran
Lẩu cù lao, một món ăn đậm nét miền Tây Nam Bộ được nhiều thực khách hào hứng lựa chọn khi đã chán ngấy cái vị chua cay của lẩu Thái. Khác với những loại lẩu, lẩu cù lao phải được đựng bên trong một chiếc nồi khá đặc biệt có tên “nồi cù lao”. Chiếc nồi này được thiết kế với phần đựng than ở giữa nồi, nhô cao nhằm giữ nhiệt đều và bung tỏa đủ toàn bộ nồi.
Ảnh: Andy Tran
Nước lẩu cù lao được nấu hoàn toàn bằng xương ống, nêm không quá nhiều gia vị nên mang đến vị ngọt thanh và đến từ tôm khô, mực và củ sắn, củ cải trắng. Lẩu cù lao ở Sài Gòn được nhiều chủ quán thêm thắt đa dạng đồ ăn kèm hơn, biến những nồi lẩu ban đầu chỉ gồm da heo, thịt bằm, cá viên nay có thêm tôm, mực, phèo, tim, gan...
Nếu thích một vị lẩu đậm đà hơn, lẩu cá kèo chắc chắn sẽ là một thử thách đối với những ai lần đầu thưởng thức. Lẩu cá kèo thường được nấu trong một chiếc nồi nhôm nho nhỏ, dân dã đi kèm rau sống, bún và nước chấm. Điểm độc đáo của món lẩu này một phần nằm ở những loại rau ăn kèm: bắp chuối bào, rau nhút, rau đắng hay kèo nèo, bông điên điển... đây đều là những loại rau, lá, hoa dân dã mà người miền Tây ưa chuộng.
Ảnh: dienmayxanh, halotravel, Andy Tran.
Nước lẩu cá kèo chua thanh nhờ chút lá giang hay có nơi còn dùng lá me non được bóp sơ cho tiết vị chua hòa lẫn vào nồi nước dùng, chút ngọt béo từ phần cá kèo và chút nhẫn của rau đắng. Tất cả gia vị được người đầu bếp hòa trộn một cách khéo léo, tạo ra món ăn không chỉ sặc sỡ màu sắc mà còn ngon lạ miệng.
Gợi ý địa điểm:
Lẩu cù lao: Tiệm lẩu cù lao - 410 Nguyễn Xí, Phường 13, Quận Bình Thạnh.
Lẩu cá kèo: Lẩu cá kèo Bà Huyện Thanh Quan - 87 Bà Huyện Thanh Quan, P. 7, Quận 3. Con đường Bà Huyện Thanh Quan có rất nhiều quán lẩu cá kèo khác để lựa chọn.
Hủ tiếu Sài Gòn
Lần đầu đặt chân đến Sài Gòn, nhiều khách du lịch từ phía Bắc đã không khỏi bất ngờ bởi sự mới lạ của món hủ tiếu, thức quà sáng no ấm bụng của dân Sài Thành. Khác với bún bò, phở hay mì quảng, sợi hủ tiếu chẳng dày hay mềm mại mà có phần mỏng, dai hơn. Nước dùng của hủ tiếu Sài Gòn cũng đậm đà hơn nhờ vị ngọt từ xương ống hầm nhiều giờ, chút mùi nồng thơm của hành, tỏi phi và chút vị béo của mỡ heo.
Hủ tiếu gõ bình dân (ảnh trái) đến hủ tiếu mực và xương sườn. Ảnh: Nguyễn Hoàng Nguyễn, Ái Ái.
Hủ tiếu ở Sài Gòn cũng chia thành nhiều loại, như hủ tiếu khô, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu bò kho hay hủ tiếu Nam Vang. Mỗi loại lại có một cái ngon riêng mà khó có thể đặt lên bàn cân để so sánh hơn, kém.
Ngoài ra còn có những món hủ tiếu rất lạ như tôm càng hay bề bề với muối ớt đỏ. Ảnh: Hủ tiếu muối ớt đỏ.
Gợi ý địa điểm:
Hủ tiếu Nam Vang: Nhân Quán, Liến Húa, Thành Đạt, Thiệu Ký...
Hủ tiếu gõ: 154/56 Phạm Văn Hai, P. 3, Q.Tân Bình, hẻm 449 Bà Hạt, Q.10, 52 Trần Hưng Đạo, P.11, Q.5…
Hủ tiếu sườn kho: hẻm 192 Ngô Quyền, P.8, Q.10
Hủ tiếu muối ớt đỏ: 261 Nguyễn Tri Phương, P.5, Q.10
Bò né, bánh mì chảo
Có lẽ, chẳng ai ở Sài Gòn mà chưa một lần ăn sáng với ổ bánh mì nóng giòn bên chảo bò né nóng hổi. Những quán bò né Sài Gòn như bò né Bà Nũi ở quận 1 hay bò né Thanh Tuyền ở quận 4 đều là những cái tên lâu đời, chiếm được nhiều cảm tình của những người sành ăn.
Bò né nóng hổi từ chảo gang. Ảnh: thankforkau, yakimoeats
Bò né đặc biệt một phần bởi chính cái tên thú vị mà người Sài Gòn đặt cho món ăn này. Chảo gang nóng, nhiều thịt bò, đi kèm ốp la, ít pate béo béo được xào mạnh tay cùng thật nhiều bơ, dầu. Đến khi hoàn thành, thực khách sẽ tự gia giảm độ mặn, cay bằng xì dầu, tương ớt lên trực tiếp phần chảo gang. Cái tiếng nổ lách tách khi dầu nóng, bắn nhẹ khắp phần chảo khiến nhiều người phải thật sự vừa “né” vừa thưởng thức nó. Trái ngược với bò né, bánh mì chảo lại nhẹ nhàng hơn ở khâu thưởng thức nhưng kỳ công hơn ở đoạn chế biến.
Bánh mì chảo có thể không có thịt bò xào, nhưng chắc chắn phải được tưới đẫm nước xốt cùng giò chả, nem, thịt nguội, đôi khi là một viên xíu mại hay một lát phô mai. Cũng chính vì vậy mà mỗi hàng bánh mì chảo, sẽ mang lại một hương vị đặc trưng riêng, khó hòa lẫn vào nhau.
Gợi ý địa điểm:
Bò né: Ba Ngon - 18 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, Q.1, Thanh Tuyền - 20/6 Nguyễn Trường Tộ, P.12, Q.4...
Bánh mì chảo: Hòa Mã - 53 Cao Thắng, Q.3, Mạc Thị Bưởi - 97 Mạc Thị Bưởi, P.Bến Nghé, Q.1, Đặng Trần Côn - 8 Đặng Trần Côn, P.Bến Thành, Q.1...
Tré trộn
Tré rõ ràng là một đặc sản của vùng đất Bình Định, thế nhưng khi đến với Sài Gòn, cái phần tré chua chua, cay cay còn được biến tấu thêm để hợp với mô hình ăn vặt tại vùng đất này. Chút tré thơm thơm, được trộn cùng chả bò, chả heo, nem chua, tỏi, ớt, người bán khéo léo rưới thêm tí nước mắm pha cay rồi nhanh tay đảo trộn. Khi bày ra đĩa lại được điểm thêm tỏi phi, đậu phộng rang béo bùi.
Chập tối ở dọc tuyến đường Đông Du hay bùng binh hồ Con Rùa, không khó để du khách có thể bắt gặp một hàng tré trộn được bày nhỏ gọn trên vỉa hè, người mua chỉ việc trả khoảng 50.000-60.000 đồng, chờ thêm 5-10 phút sẽ được nhận ngay một phần tré trộn tròn vị chua, cay, mặn, ngọt.
Gợi ý địa điểm:
Cu sữa - 59 Nguyễn Du, P.Bến Nghé, Q.1, Cô Lan (Đông Du) - 45 Nguyễn Phúc Nguyên, P.10, Q.3, Cô Bé - 112 Rạch Bùng Binh, Q.3, ngoài ra khu Nguyễn Thượng Hiền (quận 3) cũng có rất nhiều hàng tré trộn ngon.
Ẩm thực của người Hoa tại quận 5, quận 6, quận 11
Ẩm thực người Hoa ở Sài Gòn được xem là điểm sáng hiếm tìm thấy ở nơi nào khác. Dọc đoạn đường khu vực Hà Tôn Quyền, du khách có thể tìm thấy không chỉ một mà đến hơn 10 hàng ăn mang đậm phong cách Quảng Đông với đa dạng hương vị, mức giá lại phải chăng. Dân Sài Gòn mê đắm cái vị mặn ngọt của món sủi cảo sốt dầu hào trứ danh được những đầu bếp Hoa gia giảm công thức, biến món ăn trở nên phù hợp hơn với người Việt.
Chỉ với 70.000-100.000 đồng/món, thực khách dễ dàng có được những tô mì xá xíu nóng hổi, chén nước súp đậm đà ăn cùng phần mì kéo, sủi cảo nhà làm. Điểm đặc biệt làm nên tên tuổi của những hàng quán khu người Hoa còn đến từ nồi sa tế cay tế được chính những người dân khu này tự làm.
Gới ý địa điểm:
Cơm dạng gia đình: Cơm cháo Triều Châu - 450 Hồng Bàng, P.16, Q.11, Cơm thố Chuyên Ký - 65-67 Tôn Thất Đạm, Bến Nghé, Q.1, Tân Nhã - 100 Trần Tuấn Khải, P.5, Q.5, cơm gà Đông Nguyên - 801 Nguyễn Trãi, P.14, Q.5, Toàn Ký - 9 Văn Thân, P.8, Q.6…
Ngoài ra ẩm thực người Hoa còn có rất nhiều món khác như: Chè, Dimsum, bánh cuốn, hàu chiên trứng, mì vịt tiềm…
Bánh canh cua từ vài chục đến trăm nghìn/tô cảm hứng lên phim của Trấn Thành
Không phải vùng biển nhưng Sài Gòn lại là nơi đông đúc những hàng bánh canh cua. Khác với bánh canh cốt dừa miền Tây Nam Bộ hay bánh canh cá lóc phía Bắc, bánh canh cua Sài Gòn đậm đà vị hải sản hơn, màu sắc rực rỡ hơn và lạ miệng hơn. Bánh canh cua ở Sài Gòn cũng đa dạng mức giá bởi dù trong túi còn 50.000 đồng hay 100.000 đồng, thực khách vẫn có cơ hội thưởng thức một tô bánh canh cua nóng hổi, với đầy đủ cua, thịt, trứng cút.
Những cửa tiệm bánh canh cua nức tiếng tại Sài Gòn có thể kể đến như tiệm Hoàng Lan hay Út Lệ ở khu chợ Vĩnh Viễn. Ngoài ra, đặc biệt nhất chắc phải kể đến tô bánh canh cua hơn 300.000 đồng từ quán Bà Ba. Thế nhưng, dù đắt hay rẻ, bánh canh cua ở Sài Gòn vẫn thơm ngon trọn vị.
Cho đến những tô bánh canh cua "hạng sang" trở thành nguồn cảm hứng vào phim Nhà bà nữ của Trấn Thành. Ảnh: Minh Khôi, Diễm Hạnh.
Gợi ý địa điểm:
Bánh canh cua: 360, Phạm Văn Chí, P.4, Q.6, Trần Khắc Chân - 87 Trần Khắc Trân, P.Tân Định, Q.1, Dì Năm - 41/5 Cô Giang, P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, Út Lệ - 204-210 Tô Hiến Thành, P.14, Q.10, Hoàng Lan - 404 Vĩnh Viễn, Q.10...
Phá lấu
Một trong những “đặc sản” mà khách du lịch nào khi đặt chân đến Sài Gòn cũng nên thử không thể không nhắc đến phá lấu. Phá lấu Sài Gòn được chế biến từ nhiều nguyên liệu như tim, gan, phèo, lá lách… với chút màu điều, sữa bò hoặc nước cốt dừa thơm béo. Ở quận 4 còn từng được mệnh danh là “thủ phủ của phá lấu” bởi hàng phá lấu nào ở đây cũng ngon. Rõ ràng chỉ là những phần thịt, lòng mề rồi nấu cùng hỗn hợp nước dùng mà sao lại béo, thơm và ngon đến vậy.
Sài Gòn có rất nhiều kiểu phá lấu khác nhau và đây là một trong những loại được khìa bằng nước dừa có để ăn cùng cơm hoặc bánh mì. Ảnh: Bách hóa xanh, Điện máy xanh.
Nhiều thực khách lần đầu ăn thử “đặc sản” này có phần hơi e dè khi nghe đến những nguyên liệu lạ. Tuy nhiên chỉ cần cắn thử miếng lòng bò dai sần sật, chấm bánh mì với nước sốt đậm đà thì chắc chắn, hiếm ai có thể không ăn đến chén thứ hai.
Thường thấy nhất là loại phá lấu nấu với nước cốt dừa hoặc sữa tươi bán nhiều trước các cổng trường.
Ngoài ra, Sài Gòn còn có món phá lấu Triều Châu thường được bán ở khu người Hoa có vị hoàn toàn khác so với phá lấu thường dù nguyên liệu gần như không có gì thay đổi. Phá Lấu người Hoa có nước dùng thanh ngọt hơn do không có nước cốt dừa, tùy nhiên vẫn có mùi thơm đậm nhờ ngũ vị hương hoặc thập tam hương tùy nơi chế biến.
Gợi ý địa điểm:
Phá lấu có thể ăn với cơm hoặc bánh mì: Phá lấu lòng heo Bụi Tre - ngã tư Hưng Phú và đường Dã Tượng, Q.8, Tâm Ký 823 Nguyễn Trãi, Phường 14, Quận 5, Huỳnh Ký - 2 Bis, Trần Quang Khải, P.Tân Định, Q.1…
Phá lấu nấu với sữa: Phá lấu 30 năm trước cửa chợ Lớn quận 5, Cô Thảo - 243/29G Tôn Đản, P.15, Q.4, Dì Nủi - 30 Tôn Đản, P.15, Q.4, Bà Hạt - 533 Bà Hạt, P.8, Q.10...
Các quán nhậu bình dân nhưng đồ ăn không hề tầm thường
Văn hóa chén chú chén anh đã không còn quá xa lạ ở Sài Gòn bởi cứ sau giờ tan làm, những hàng quán nhậu vỉa hè lại tấp nập khách. Dạo quanh đoạn đường Hoàng Sa, Trường Sa, cứ cách 100m lại có một hàng bia với muôn kiểu đồ ăn nhắm. Một số cửa hàng nổi bật tại đây thường được những dân sành ăn “chọn mặt gửi vàng” mỗi cuối tuần có thể kể đến như Vỹ Dạ quán hay quán Thanh Bình, Xiên Khè.
Những hàng quán ở khu này tuy có mức giá bình dân nhưng đều rất ngon và vừa miệng bởi đều tồn tại nhiều năm dài. Khách đến những quán nhậu ở Trường Sa, Hoàng Sa đa số là sinh viên, công nhân viên bởi những món ăn tuy đơn giản nhưng khi nhắm cùng chút đồ uống có cồn lại hợp miệng đến lạ thường.
Thông thường, lẩu thái hay sụn gà mắm tỏi, cơm chiên hải sản sẽ luôn thường trực xuất hiện ở bàn ăn nhờ công thức đặc trưng của những đầu bếp có nghề. Chút bò lúc lắc đậm vị, ăn cùng đĩa khoai tây chiên chấm bơ đường đậm chất “Sài Gòn” khiến ai thử một lần cũng phải tấm tắc khen. Sự thật, ngoài đồ ăn ngon, những quán nhậu này cũng thu hút nhiều thực khách bởi chính cái văn hóa lề đường mà chỉ ở Sài Gòn mới thấy rõ: văn hóa hội họp bạn bè, cùng nhau nâng cốc bia mát lạnh sau những giờ làm việc căng thẳng mà chẳng cần quá sang trọng hay cầu kỳ.
Gợi ý địa điểm:
Quảng Sanh Long (Rum pha sô) - 19,Phan Văn Đạt, Bến Nghé, Q.1, Vỹ Dạ - 62 Lý Tự Trọng, Q.1...
Khu vực đường Hoàng Sa và Trường Sa hoặc quận 4, quận 8, quận 1 cũng có rất nhiều hàng quán bình dân tương tự rất dễ tìm kiếm.