Ngọc Trinh chưa quên thời khốn khó

19/01/2017 - 14:11
Chẳng phải đi đâu quá xa, chỉ cần ra đường Cống Quỳnh, nơi có trường Sân khấu Điện ảnh TPHCM,là các fan có thể gặp thần tượng của mình. Diễn viên Ngọc Trinh kể, với cô, nơi đây không chỉ là cái nôi nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ mà còn như tổ ấm bình yên.

Thời xe đạp chưa xa

Năm ấy, vừa tròn 17 tuổi là Ngọc Trinh đã đi mòn gót trên con đường Cống Quỳnh, để tới coi thông tin tuyển sinh của trường Nghệ thuật Sân khấu II, giờ đã được đổi tên thành ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM. Nhà Trinh hồi đó ở chung cư Ngô Gia Tự, Q.10, mỗi khi cần tới trường để cập nhật thông tin, cô thường đạp xe xuyên từ đường Phạm Viết Chánh băng xuống. Nhưng nhà nghèo, để có được chiếc xe đạp cũng không phải dễ. Ngọc Trinh thường nịnh nọt cô bạn thân nhờ cô ấy chở đi. Bữa nào bạn kẹt việc quá thì bảo: “Thôi cho mày mượn xe nè!”.

Năm lớp 12, để ngóng bằng được thông tin tuyển sinh của trường Nghệ thuật Sân khấu II, Ngọc Trinh cứ một tuần tới đây vài bữa. “Đường Cống Quỳnh ngày đó không đông như bây giờ, nếu không muốn nói là khá vắng. Trinh tan trường phổ thông lúc 11h15 thì chạy ngay tới trường nghệ thuật. Dù đạp xe mướt mải thì cũng là quá trưa rồi. Xong, lại vội vàng chạy về nhà bởi ba mẹ không cho đi quá 15h”, Ngọc Trinh kể. Có nhiều bữa đi lố giờ, về tới nhà là Trinh bị ăn đòn rất đau. Sở dĩ ba mẹ nghiêm khắc đến vậy là do lo lắng đường vắng dễ bị giựt đồ, cướp xe. Trong khi đó, vì quá bận buôn bán mà phụ huynh không thể đưa đón Trinh đi thường xuyên được. Bao áp lực dồn lên cô gái trẻ, nhưng với quyết tâm thi vào khoa Diễn viên, Ngọc Trinh đã băng băng vượt qua những khó khăn trước mắt.

3.jpg
Đường Cống Quỳnh luôn tấp nập

Trên đường Cống Quỳnh những ngày mà Trinh tới lui để canh thời điểm nộp hồ sơ thi, chỉ có vài hàng quán lơ thơ. Bữa nào có chút tiền lẻ thì Trinh dừng lại mua vài miếng bánh khoai mỳ nướng. Mà để có xiu xíu tiền ấy, cô đã phải tiết kiệm rất dữ. Còn bữa nào rỗng túi thì thôi, đành nhịn đói đạp xe về nhà ăn cơm nguội. Trong ký ức của nữ diễn viên Mùi ngò gai, bánh khoai mỳ nướng thơm thiệt là thơm. Chị bán bánh tên là Nhung, đặt “tiệm di động” gần chợ Thái Bình. Sau này Ngọc Trinh đã vô trường rồi, thì hàng ngày vẫn cùng các bạn tới mua bánh khoai mỳ nướng. Hay nhất là chị Nhung cho sinh viên ăn thiếu nợ. Đến kỳ lãnh học bổng, chị vô trường ký nhận thay luôn, khỏi lo ai giựt! 

Trường xưa lối cũ

Thấy Ngọc Trinh cứ hì hụi đi xe đạp mượn mãi thì khổ quá, ông nội bèn thương, quyết định hàng ngày chở cô cháu gái đến trường bằng chiếc xe Cúp cánh én “thần thánh” của mình. Ông đã lớn, chạy xe chậm rãi nên Ngọc Trinh ngồi sau quan sát được rất nhiều chuyện trên đường Cống Quỳnh. Cô chỉ cho ông chiếc xe hủ tíu mỳ, thường đậu trong con hẻm đối diện trường nghệ thuật, đến tận giờ vẫn còn bán, ăn mà húp đến cạn sạch nước lèo trong tô. Nhớ lại, Ngọc Trinh cười nói: “Chiếc xe này đã nuôi bao nhiêu thế hệ diễn viên đó nghen!”. Vì các chị bán hàng có “gan” cho sinh viên thiếu tiền nên không diễn viên tương lai nào bị bỏ đói cả.

Nhưng ấn tượng hơn trong ký ức vẫn là gánh cơm bụi của má Chín ở ngay cổng trường, số 125 Cống Quỳnh. Cứ nhóm sinh viên nào đầu năm nhập học, là má thuộc tên từng đứa. Cuốn sổ ghi nợ của má đúng nghĩa là “sổ đen”, vì màu sắc đen thùi lùi. Cứ tới ăn gặp má, là bị la. Nhưng la xong rồi thì vẫn cho thiếu. Có bữa má Chín nghỉ bán, ngày hôm sau cả đám nhao nhao hỏi sao má nghỉ vậy? Má nói: “Trả tiền đi. Làm sao má bán được khi bao vốn liếng đã bị tụi bây giữ hết rồi!”. Cả đám lảng lảng đi, rồi lại tiếp tục ghi tên vào “sổ đen”!

2.jpg
Diễn viên Ngọc Trinh bên ngôi trường gắn bó lâu năm

Khi Ngọc Trinh nhập học, ngôi trường hết sức đơn sơ, cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Trường lúc ấy chia 2 khu, một khu là kịch hát dân tộc, khoa Cải lương; khu còn lại là kịch nói. Phòng ốc trong trường cũng đơn giản lắm. Vì chật chội như thế nên phải chờ lứa sinh viên này ra trường mới tuyển khoá sinh viên khác vô. Cổng trường thì bằng sắt nặng chịch, bị hoen gỉ hết. Cứ mỗi lần đến giờ học, đám sinh viên lại chạy ra phụ anh bảo vệ một tay. Đâu có giống như bây giờ, người bảo vệ chỉ cần ngồi bên trong bấm cổng khép lại tự động. Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM giờ cũng trang hoàng đẹp hơn, phòng học gắn máy lạnh. Và Sân khấu Trẻ - nơi dành đất diễn cho các diễn viên được khán giả trẻ hâm mộ - hoạt động cực kỳ hiệu quả. Đến chiều tối, các bạn chở nhau ghé mua vé vô coi. Gần như suất nào cũng kín chỗ ngồi.

Ngọc Trinh cũng thường diễn ở đây. Cô giờ không chạy xe đạp nữa, nhà thì đã chuyển nơi khác rồi, mà thỉnh thoảng vẫn quay lại Cống Quỳnh để ăn cơm má Chín, để ghé chơi nói chuyện với chị Hường bán bánh mỳ. “Thói quen đó tôi không dứt được. Cứ lâu lâu lại ghé, chẳng cần biết là khi đó vui hay buồn”, Ngọc Trinh kể. 

Lòng người vẫn nặng về quá khứ

Ở Cống Quỳnh, đường ngắn thôi, chỉ khoảng hơn 1km, nhưng vừa có trường, có bệnh viện, vừa có chợ; mà chợ ngay giáp trường chứ cũng không xa xôi gì. Vì vậy, chẳng phải giờ cao điểm thì con đường này lúc nào cũng xô bồ và hối hả. Gần 20 năm, Ngọc Trinh đã ra trường. Từ cô sinh viên nhỏ xíu nay đã trở thành một diễn viên tên tuổi, Ngọc Trinh cảm giác chưa khi nào xa “ngôi nhà” 125 Cống Quỳnh. Sau này, Trinh còn quay lại trường để học đạo diễn, mới tốt nghiệp năm 2014 nên lại càng thêm gắn bó, yêu thương với nơi này.

4.jpg

Cánh cổng trường nặng trĩu, gỉ sét được thay bằng cánh cổng đẹp hoành tráng hơn; chú bảo vệ già đã nghỉ hưu từ rất lâu, chẳng biết còn loanh quanh đâu đó Sài Gòn hay không nữa? Đường phố hối hả người xe qua lại, khiến Ngọc Trinh nhát chạy xe vô cùng. Cô đi xe ôm, đi taxi, đi nhờ xe bạn bè chứ rất sợ cảm giác bị người ta thúc còi phía sau mình. Phố đổi thay rồi, mà lòng người vẫn nặng về quá khứ.

Guide “bỏ túi”

* Đường Cống Quỳnh thuộc địa bàn Q.1, là nơi có các địa chỉ vô cùng nổi tiếng: Bệnh viện Từ Dũ (ảnh), trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, chợ Nguyễn Thái Bình.

* Mật độ người tham gia giao thông tại con đường này rất dày đặc, bất kể giờ cao điểm hay bình thường.

* Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM nằm tại số 125 Cống Quỳnh. Nơi đây đã đào tạo rất nhiều thế hệ diễn viên nổi tiếng của Sài Gòn.

* Sân khấu Trẻ nằm trong khuôn viên nhà trường hiện là địa chỉ coi kịch đông khách nhất, cùng với sân khấu Idecaf và Hoàng Thái Thanh.

* Ngọc Trinh là diễn viên điện ảnh và kịch nói nổi tiếng, sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. Cô được đông đảo khán giả nhớ tới qua 2 vai diễn: Vy (phim “Mùi ngò gai”) và bé Ba (kịch “Đời như ý”). Ngọc Trinh cũng là đạo diễn của vở kịch “49 ngày yêu” đoạt Huy chương Vàng trong Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2015. Trước đó, vở kịch này đã đoạt giải Mai vàng năm 2014. 

* Đón đọc bài tiếp theo: “Ca sĩ Hà Vân - Dịu ngọt câu ca trữ tình trên phố”

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm