'Ngòi nổ chậm' sau sự ra đi của Tổng thống Dilma Rousseff

13/05/2016 - 21:41
Nữ tổng thống đầu tiên của Brazil Dilma Rousseff (68 tuổi) vừa chính thức bị buộc phải rời văn phòng và đối mặt với quá trình luận tội về lạm dụng công quỹ. Nhiều nhà quan sát lo ngại tình hình chính trị căng thẳng hiện nay có thể châm ngòi thành bạo lực.
Vẻ căng thẳng của bà Dilma Rousseff khi đối mặt với việc bị luận tội
Với 55 phiếu ủng hộ và 22 phiếu chống, Thượng viện Brazil đã đi đến quyết định tước quyền lực tổng thống của bà Dilma Rousseff ít nhất 6 tháng để tiến hành luận tội phế truất bà về tội lạm dụng công quỹ. Toàn bộ Chính phủ của bà bị giải tán và Tổng thống tạm quyền Michel Temer (75 tuổi) thuộc đảng trung hữu Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) đã công bố thành phần nội các mới. Nhưng dàn lãnh đạo mới này cũng không hoàn toàn trong sạch và bản thân ông Temer có dính líu đến đại án tham nhũng Petrobras. 

Nhiều người cảm thấy bất an với cách bà Rousseff ra đi và một số đối thủ còn thừa nhận bà là một chính trị gia ít tham nhũng nhất Brazil. Đến nay, vẫn còn tồn tại ý kiến cho rằng nỗ lực luận tội bà Rousseff của phe đối lập không phải là một cuộc chiến chống tham nhũng ở Brazil mà thuần túy mang động cơ chính trị. Điều đáng nghi ngờ là ông Eduardo Cunha - vị lãnh đạo Hạ viện và là một trong những người chủ chốt trong quy trình luận tội - lại bị mang tiếng tham nhũng. Ông này có tới 11 tài khoản bất hợp pháp ở Thụy Sĩ, từng bị kết tội tại Tòa án Tối cao và bị nêu tên trong “Hồ sơ Panama” là nhận hối lộ từ một tập đoàn đa quốc gia liên quan tới Petrobras. Cũng như ông Cunha, nhiều chính trị gia cánh hữu khác ủng hộ luận tội bà Rousseff đều đang chịu các cáo buộc tham nhũng.
Tổng thống tạm quyền Michel Temer
Có lẽ kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ hai đầu năm 2015 đến nay, dường như bà Rousseff không có một ngày yên ổn. Vì chính phủ của bà cầm quyền đã tồn tại nhiều nguy cơ khiến cho phe đối lập lợi dụng “thừa nước đục thả câu”. Trong những nguy cơ tiềm ẩn này phải kể đến yếu tố xoay chuyển kinh tế không hiệu quả làm mất đi uy tín chính phủ cầm quyền, để Brazil từ một “ngôi sao mới nổi” trong nhóm BRICS và G20 với tăng trưởng kinh tế hằng năm từng đạt 10,5%, biến thành quốc gia mà tỷ lệ lạm phát, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ thất nghiệp đều ở mức tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Tình hình kinh tế xấu đi khiến cho sự bất mãn trong xã hội ngày càng ngày gay gắt, kéo theo uy tín của bà Rousseff giảm sút.
Bà Dilma Rousseff quyết đấu tranh đến cùng
Về phía bà Rousseff, bà chỉ trích động cơ của việc luận tội bà là âm mưu đảo chính và cho rằng mình “phạm lỗi” chứ không “phạm tội” trong thời gian cầm quyền. Bà khẳng định chưa hề nhận hối lộ và thề sẽ chiến đấu trong khoảng thời gian bị xét xử. Bà cảnh báo những thành tựu xã hội mà nước Nam Mỹ đã đạt được trong suốt 13 năm cầm quyền của đảng Lao động (PT) như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên và quyền được tiếp cận dịch vụ y tế và nhà ở của người dân đang bị đe dọa. 

Có thể nói, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Nhiều nhà quan sát lo ngại tình hình chính trị căng thẳng hiện nay có thể châm ngòi thành bạo lực.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm