pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người 2 lần giữ kỷ lục Guinness thế giới về trí nhớ tiết lộ cách tăng trí nhớ và tập trung tốt hơn
Dave Farrow là người giữ kỷ lục Guinness hai lần về trí nhớ vĩ đại nhất. Năm 1996, khi mới 21 tuổi, Farrow đã thiết lập kỷ lục thế giới sau khi nhớ vị trí của từng quân bài trong 52 bộ (2.704 lá bài) được xáo trộn. Và Farrow chỉ được phép nhìn thứ tự của chúng một lần duy nhất.
Đến năm 2002, một huấn luyện viên trí nhớ khác đến từ Anh là Dominic O'Brien đã phá vỡ kỷ lục của Farrow với khả năng ghi nhớ 54 bộ bài.
Nhưng vào năm 2007, Dave Farrow đã tái thiết lập kỷ lục. Lần này, Farrow đã ghi nhớ thành công 59 bộ, tức là 3.068 quân bài bị xáo trộn.
Và cho tới bây giờ vẫn chưa có ai vượt qua kỷ lục này của anh.
Để giành được kỷ lục thế giới, Farrow đã sử dụng "Phương pháp trí nhớ Farrow". Phương pháp này ban đầu được phát minh để chống lại chứng khó đọc và ADHD (tăng động giảm chú ý) của Farrow. Cho đến nay, nó là một hệ thống ghi nhớ độc đáo được hỗ trợ bởi một nghiên cứu khoa học (có nhóm đối chứng) tại Đại học McGill.
Trong một cuốn sách có tựa đề "Người hack não: Làm chủ trí nhớ, sự tập trung, cảm xúc và giải phóng thiên tài bên trong bạn", Farrow đã đúc kết nhiều kỹ thuật ghi nhớ có từ thời cổ đại, soi rọi chúng dưới lăng kính của khoa học thần kinh hiện đại và sử dụng kinh nghiệm của bản thân để tạo ra cái mà anh gọi là "Phương pháp trí nhớ Farrow".
Chia sẻ trên CNBC Make It, "người hack não" Farrow chia sẻ: "Đối với trí nhớ và sự tập trung tinh thần nói chung, chìa khóa là sự mới lạ. Một cái gì đó càng mới lạ, bạn sẽ càng nhớ nó. Nhưng cũng là một hoạt động rất mới lạ, độc đáo hoặc khác biệt cũng là thứ thách thức bộ não của bạn nhiều hơn".
Và dưới đây là cách người 2 lần giữ kỷ lục thế giới về trí nhớ đã làm để tăng trí nhớ và sự tập trung của mình.
1. Có những khoảng thời gian tập trung cao độ ngắn, tiếp theo là thời gian nghỉ ngơi
"Chúng ta có bộ não mạnh mẽ và nó cũng có một cục pin tệ khủng khiếp. Điều quan trọng là phải kích hoạt sự tập trung theo ý muốn, không cố gắng buộc bộ não của bạn tập trung trong 24 giờ. Nếu bạn đang cố gắng để ghi nhớ một điều gì đó hoặc tập trung vào một hoạt động, bạn nên tập trung cao độ trong 6-8 phút rồi giải tỏa hoàn toàn tâm trí bằng cách thiền hoặc tập các bài thbaifaau trong một thời gian ngắn", Farrow nói.
"Đây thực sự là một trong những bí mật đằng sau kỷ lục Guinness của tôi. Tôi sẽ không bao giờ có thể ghi nhớ 59 bộ bài được xáo trộn cùng nhau nếu tôi cố gắng ghi nhớ tất cả trong một lần", anh nói.
2. Trò chuyện với những người mới
"Gặp gỡ người mới và tham gia vào các cuộc trò chuyện thú vị là một cách kích thích não. Nó cũng có thể rất tốt để tăng cường trí nhớ", Farrow nói.
"Bạn phải hòa đồng. Hãy ra ngoài và gặp gỡ những người mới. Đối với những người mắc bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ, hoặc có yếu tố nguy cơ cho điều đó, điều tuyệt vời nhất họ có thể làm là hòa đồng", ông nói thêm.
3. Tham gia các hoạt động thử thách
Theo Dave Farrow, đừng ngại thử một cái gì đó mới cho dù bạn nghĩ rằng bạn sẽ không giỏi về nó. Ví dụ, chơi một nhạc cụ mới có thể là một thách thức nhưng ngay cả khi bạn không biết chơi thì nó vẫn hữu ích cho việc kích thích não.
"Ngoài ra, hãy xem xét việc học một ngôn ngữ mới, bắt đầu trồng một khu vườn hoặc ngay cả thay dầu xe của bạn nếu bạn chưa bao giờ làm điều đó trước đây", ông lưu ý thêm.
4. Tra cứu thường xuyên nhất có thể
Theo Farrow, điều này thực sự là một thủ thuật kỳ quặc giúp tăng cường trí nhớ. "Khi bạn tra cứu về thứ gì đó, đó là xu hướng tự nhiên của bộ não khi nó cố gắng nhớ lại một cái gì đó. Không ai biết tại sao, nhưng chúng ta biết rằng nó gửi nhiều năng lượng hơn đến vỏ não và vùng hải mã - các trung tâm bộ nhớ của não".
"Vì vậy, bằng cách tra cứu thông tin thường xuyên nhất có thể, bạn thực sự sẽ cải thiện trí nhớ của mình", Farrow nói.
5. Thực hành bài tập hít thở sâu
Farrow đề nghị bạn cần thường xuyên thở đủ sâu bằng cách phồng bụng lên khi hít vào và hóp bụng lại khi thở ra. "Bạn sẽ thấy rằng bộ não của mình thay đổi và thư giãn", ông nói. Điều này sẽ rất hữu ích nếu bạn không thể tập trung hoặc nhớ một số thông tin nhất định bởi bạn đang cực kỳ căng thẳng.
"Với các sinh viên mà tôi đã làm việc cùng, khi họ đang căng thẳng, hít thở sâu thường giúp họ nhớ lại thông tin", Farrow cho biết.
Chia sẻ về phương pháp ghi nhớ của mình, Farrow nói: Khi còn là một đứa trẻ, tôi được chẩn đoán mắc chứng ADHD và chứng khó đọc. Vào thời điểm đó, kiến thức về các bệnh này không nhiều, mọi người coi chúng là bất lợi, và ban đầu tôi cũng cho là vậy.
Khi tôi đi lập kỷ lục Guinness lần đầu tiên, không ai tin tôi có thể làm được. Khi tôi dành được kỷ lục lần thứ hai, tất cả họ đều nói "Ồ, tại sao bạn không làm điều này sớm hơn?".
Tôi chỉ muốn cho những người bị ADHD hoặc chứng khó đọc thấy rằng họ có thể đạt được một số điều tuyệt vời.