Người cha không ký giấy để con gái gia hạn visa là vi phạm quyền trẻ em

Đinh Thu Hiền
07/02/2023 - 15:55
Người cha không ký giấy để con gái gia hạn visa là vi phạm quyền trẻ em

Cháu Nguyễn Khánh Linh rất mong cha ký giấy để hoàn tất việc học phổ thông tại Australia. Ảnh: N.L

Theo luật sư, trong vụ việc người cha không ký giấy để con gái gia hạn visa, tiếp tục việc học là vi phạm quyền trẻ em do có hành vi ngăn cản quyền học tập của trẻ.

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc công ty Dân Luật cho biết, theo các thông tin đã đăng trên báo Phụ nữ Việt Nam và Đơn cầu cứu của cháu Nguyễn Khánh Linh, thì cháu Linh đã theo mẹ sang Australia học từ năm lớp 3 và đang học lớp 11 tại Sydney, Australia. Hiện thời hạn visa của cháu Linh sắp hết, nếu không được tiếp tục gia hạn visa để học hết chương trình lớp 12 thì cháu có nguy cơ bị trục xuất khỏi quốc gia đang theo học và khó có thể được quay trở lại nếu vi phạm Luật cư trú của nước sở tại. 

Người cha không ký giấy để con gái gia hạn visa là vi phạm quyền trẻ em - Ảnh 1.

Luật sư Đỗ Ngọc Thanh. Ảnh: NVCC

"Việc cháu Linh quay về Việt Nam và yêu cầu cha đẻ của cháu hỗ trợ ký xác nhận để cháu hoàn tất thủ tục làm visa là chính đáng. Việc người cha từ chối không ký xác nhận để cháu được tiếp tục gia hạn visa là hành vi vi phạm quyền trẻ em do ngăn cản quyền học tập của trẻ", luật sư Đỗ Ngọc Thanh đưa ý kiến bàn luận.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 99 Luật Trẻ em năm 2016 quy định về việc "bảo đảm quyền học tập của trẻ em". Theo đó, cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập, hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho trẻ em theo học ở trình độ cao hơn. 

Từ đó, luật sư Đỗ Ngọc Thanh cho rằng: "Căn cứ theo các quy định trên thì cha của cháu Linh phải tạo mọi điều kiện để cháu có thể học tập hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập. Từ chối việc xác nhận xin gia hạn visa cho cháu là hành vi cản trở việc đi học của trẻ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng theo Khoản 2, Điều 26 Nghị định 130/2021/NĐ-CP.

Ở khía cạnh khác, luật sư cũng cho rằng, dù khi ly hôn, mẹ của cháu Khánh Linh là chị N.L có nhận được quyết định của tòa án được "toàn quyền trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng con" nhưng khi muốn đưa cháu Khánh Linh xuất cảnh, vẫn phải có sự đồng ý bằng văn bản của người cha theo quy định tại khoản 3 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Văn bản này có thể lập dưới dạng: Giấy cam kết, giấy đồng ý có nội dung là đồng ý cho con được xuất cảnh theo mẹ hoặc cha ra nước ngoài. 

Tuy nhiên, trong các trường hợp như cháu Nguyễn Khánh Linh, việc đảm bảo quyền sinh sống, học tập tốt nhất cho trẻ em cần được cân nhắc và đưa lên hàng đầu. Do vậy, nếu cha hoặc mẹ từ chối ký giấy xác nhận này thì bên còn lại có thể liên hệ các cơ quan tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, bảo vệ phụ nữ để nhờ can thiệp hỗ trợ, giúp đỡ. 

"Các cơ quan này có thể liên hệ trực tiếp cha hoặc mẹ của trẻ để giải thích rõ quyền của trẻ phải được tôn trọng và bảo vệ. Nếu cha mẹ vẫn cố chấp không đảm bảo thực hiện quyền của trẻ thì cơ quan chức năng có văn bản trả lời xác nhận việc cha mẹ từ chối xác nhận để bên còn lại có căn cứ và cơ sở để giải trình với nơi xin visa", luật sư Đỗ Ngọc Thanh tư vấn.

Như báo Phụ nữ Việt Nam đã đưa tin, Nguyễn Khánh Linh, sinh năm 2006, là con gái của chị L.T.N.L. và anh N.T.D. Năm 2011, chị L. và anh D. đã ly hôn theo quyết định ly hôn của tòa án. Cháu Khánh Linh được tòa giao cho ở với mẹ.

Chị L. thời điểm đó du học tại Australia và được nhận vào làm việc trong một cơ quan của chính phủ sở tại. Cháu Khánh Linh theo mẹ sang Australia học từ năm lớp 3. Hiện cháu đang học lớp 11 tại Sydney, Australia.

Vào đầu năm 2023, vì sắp hết hạn visa nên cháu Nguyễn Khánh Linh đã quay lại Việt Nam để xin phép bố ký đồng ý nhằm hoàn tất thủ tục làm visa để có thể học xong chương trình lớp 12 tại Australia.

"Con đã về Việt Nam từ ngày 5/1/2023 và năn nỉ bố từ đó cho đến hôm nay (6/2/2023 - PV) nhưng bố vẫn không chịu ký cho con đi học tiếp và cũng không có ý định xin trường học ở Việt Nam cho con. Con và bà ngoại, dì đã gọi và nhắn tin rất nhiều lần nhưng bố đều lấy lý do phải suy nghĩ", cháu Khánh Linh viết trong Đơn cầu cứu gửi báo Phụ nữ Việt Nam.

Cũng trong Đơn, cháu Khánh Linh trình bày trường học của cháu tại Australia đã bắt đầu tổ chức học trở lại vào ngày 1/2/2023.

"Là một trẻ dưới 18 tuổi, con cần được đi học. Con nghĩ bố mẹ nào cũng cần tạo điều kiện cho con đến trường và lo lắng cho tương lai của con cái", cháu Khánh Linh cho biết.

Sau khi tiếp nhận Đơn và trao đổi trực tiếp với cháu Khánh Linh, phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam đã liên lạc với anh N.T.D. theo số điện thoại mà cháu cung cấp. Tuy nhiên, người nhận máy (là nam giới, nói giọng Bắc, theo chị N.L. cho biết đó là anh D. - PV) lại phủ nhận bản thân không phải tên D., cho rằng phóng viên đã gọi không đúng người.

Được biết, ngay sau khi phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam liên hệ theo số điện thoại mà cháu Khánh Linh cung cấp, bố của cháu đã nhắn tin cho cháu nhiều lần. Tuy nhiên, Khánh Linh cho biết là đến trưa ngày 6/2/2023, người bố này vẫn chưa đồng ý ký giấy cho con gái làm visa sang Australia hoàn tất việc học và cũng không có câu trả lời cụ thể về việc nuôi dưỡng cũng như xin học cho cháu tại Việt Nam.

Báo Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi sự việc này và thông tin tới bạn đọc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm