pnvnonline@phunuvietnam.vn
Kỳ thị người châu Á trong cơn bão dịch corona
Sinh viên châu Á tại Mỹ "cô đơn"
Báo động về virus corona được cho là đặc biệt nghiêm trọng tại các trường đại học ở Mỹ, nơi thu hút sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Sự bùng phát của dịch bệnh cũng khiến nhiều sinh viên châu Á tại Mỹ phải đối mặt với việc bị bạn bè trong trường xa lánh. Nhiều sinh viên chia sẻ, tình trạng xa lánh sinh viên Trung Quốc tại các trường học đang trở nên phổ biến. Một số người học thậm chí đã đăng tải lên mạng xã hội về việc tránh né tất cả bạn học là người châu Á.
Sau sự bùng phát của virus corona, số lượng người học được đưa vào trung tâm y tế của trường ASU đang tăng chóng mặt. Thậm chí, chỉ một tiếng ho của ai đó ở trong lớp cũng có thể nhận lại những cái nhìn lo lắng. Hàng trăm sinh viên tại Mỹ đang phải trải qua quá trình xét nghiệm virus corona, bao gồm những người từng tới Vũ Hán hoặc người có các triệu chứng tương tự bệnh nhân nhiễm virus này. Không ít trường hợp sinh viên tại một số trường như Baylor, Wesleyan và Tennessee Tech đều cho ra kết quả âm tính với virus corona. Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn được sự lo lắng của mọi người.
Sinh viên người Trung Quốc Aaron Li đang học năm cuối tại Cornell cho biết đã thiết lập một mẫu đơn, giúp người học Trung Quốc có thể ẩn danh bày tỏ lo ngại hoặc đưa ra câu hỏi về virus corona. Charles Bui (18 tuổi) - sinh viên năm nhất của Đại học Houston - cho biết, nhiều người tránh né khi đi cùng thang máy với anh. "Môi trường không còn mang lại cho tôi cảm giác giống như trước đây. Đây thực sự là phân biệt chủng tộc hay tôi đang làm quá lên?", anh Charles bức xúc nói.
Mới đây, nhà lãnh đạo Đại học California, Berkeley - nơi có số lượng lớn sinh viên Trung Quốc- đã đưa ra lời xin lỗi sau hành động của các nhân viên y tế trong trường. Trường đã xóa một bài đăng trên Instagram nói rằng "Nỗi sợ hãi về việc tiếp xúc với những người có thể đến từ châu Á và cảm giác tội lỗi về những cảm xúc này". Hành động này đã nhận về nhiều chỉ trích và được cho là dấu hiệu của nạn phân biệt chủng tộc. Nhiều chuyên gia nhận định, các quan chức y tế trong trường đang phải đối mặt với 2 thách thức: Thông báo cho công chúng về virus trong khi kiểm soát nỗi sợ hãi thái quá và chữa trị những trường hợp nhiễm virus cúm thông thường.
Nhiều lái xe Uber và Lyft ở Mỹ cũng có phản ứng cực đoan. Erin Han làm việc tại một cửa hàng bán lẻ của Microsoft tại Seatle (Mỹ) nói với CNBC rằng anh đã gọi một chiếc Uber, bước chân vào xe và ho. Tài xế ngay lập tức hỏi Eric Han rằng anh có đến từ Trung Quốc không và anh nói rằng không phải. Tài xế sau đó nói ho hoàn toàn có thể đồng nghĩa với việc Erin Han đang nhiễm virus corona và sau đó mở cửa xe. "Tôi không bị bệnh .Tôi đến từ Mỹ", Han giải thích nhưng tài xế nói: "Mặc kệ những gì anh nói". Han không phải trường hợp duy nhất gặp phải vấn đề kỳ thị. Khi Lilian Wang gọi một chiếc xe Lyft tại sân bay, tài xế đã từ chối mở cửa. Tài xế sau đó nói rằng anh được khuyên nên cẩn thận và từ chối chuyến xe với những người có tên nghe giống như đến từ Trung Quốc.
Một thành viên của nhóm Facebook có khoảng hơn 12.000 thành viên là tài xế công nghệ ở Mỹ nói rằng có ít nhất 5 bài đăng mỗi ngày nói về virus corona. Người này tiết lộ với CNBC rằng nhiều thành viên đang không muốn đón khách Á hoặc gốc Á vì cho rằng không an toàn khi làm điều này.
"Tôi không phải virus!"
Hiện tượng kỳ thị, xa lánh người châu Á vì virus corona đã xảy ra ở Anh, Đức… Ai cũng "tạo khoảng cách" với người châu Á vì sợ nhiễm bệnh. Họ nhận ánh mắt kỳ thị, tránh xa của người dân. Mỗi ngày đến trường là áp lực với nhiều người vì chỉ cần ho nhẹ một cái là nhiều người đã lập tức tránh, họ tỏ thái độ khó chịu và vội lấy nước ra rửa tay. Họ còn tiếp tục bị kỳ thị khi đi tàu điện. Một phóng viên gốc Á của báo Guardian tại Anh cũng chia sẻ một người đàn ông đã nhanh chóng rời khỏi chỗ khi anh ngồi xuống bên cạnh. Mặt khác, những quán ăn châu Á đều thưa khách. Lượng khách đến quán giảm gần 30% và thường phải đóng cửa sớm vì không có khách đến. Chủ yếu họ đặt cơm mang về nhà và hạn chế đến những quán có người châu Á vì sợ nhiễm bệnh.
Một quán cafe gần Đài phun nước Trevi, địa điểm thăm quan nổi tiếng tại Rome (Italia) đã treo thông báo trên cửa sổ quán ghi "Tất cả người đến từ Trung Quốc không được phép tiếp cận nơi này".
Những nạn nhân gốc Á, người châu Á đang sinh sống và học tập ở Pháp đã đồng loạt lên tiếng. Từ khóa #JeNeSuisPasUnVirus (tôi không phải virus) vươn lên đứng đầu các trang mạng xã hội. Các trường hợp phân biệt đối xử được kể ra như trẻ em gốc Á bị chế giễu trong các khuôn viên trường học, hay hành khách đi tàu điện ngầm chủ động tránh xa những người có diện mạo gốc Á.
Một trong những bài đăng gây chú ý nhất là của cô gái gốc Á ẩn danh. "Tôi đang đi xe bus tuyến số 8 đến Marguente thì trở thành nạn nhân phân biệt chủng tộc bởi một nhóm các cô gái trẻ người Pháp. Tôi nghe thấy họ cười cợt tôi", cô gái viết trên Facebook . "Một cô gái nói 'gọi bệnh nhân corona là gì nhỉ? Người Trung Quốc à? Trong khi một cô bạn nhắc 'nói nhỏ thôi không nó nghe thấy"'. Cô gái bị các bạn Pháp chọc quê mái tóc và cười đùa phân biệt chủng tộc với người châu Á, đặc biệt là lấy virus corona ra để đùa cợt. "Dù không phải người Trung Quốc nhưng việc đó thật sự khiến tôi buồn", cô chia sẻ.
Các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo hệ lụy của những thông tin sai lệch về virus corona và ảnh hưởng của nó tới nạn bài ngoại. Ở Pháp, tờ báo Courier Picard đã gây ra phản đối vì chạy tựa đề "Alerte jaune" (Cảnh báo vàng) và "Le Peril jaune" (Mối họa da vàng?) với ảnh phụ nữ Trung Quốc đeo khẩu trang. "Không, người gốc Hoa không phải là người bệnh nhiễm virus corona! Chúng tôi không phải là virus!", phần thông tin của Hiệp hội Thanh niên Trung Quốc tại Pháp (AJCF) được cập nhật trên Facebook. AJCF phản đối tờ báo Courier Picard vì các thuật ngữ "màu vàng" - màu da và "mối họa" - vốn chỉ cuộc xâm lược của châu Á, ám chỉ việc phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng châu Á. Tờ Courrier Picard sau đó đã thừa nhận đặt tiêu đề không phù hợp.
Hơn 51.000 người đã ký vào thỉnh nguyện thư trực tuyến yêu cầu 2 tờ nhật báo có lượng phát hành lớn nhất tại Úc phải xin lỗi về các dòng tiêu đề được cho là phân biệt đối xử với người Trung Quốc. Thỉnh nguyện thư này chỉ trích tiêu đề của tờ Herald Sun phát hành hôm 29/1 ghi "Gấu trúc virus Trung Quốc" và tiêu đề của tờ The Daily Telegraph ghi "Trẻ em Trung Quốc hãy ở nhà".