pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người chồng mãi "không chịu lớn"
Dù đã hơn 35 tuổi nhưng chồng tôi vẫn như một đứa trẻ không chịu lớn. Ảnh minh hoạ
Bức thư của người mẹ, người vợ ấy chỉ kể những câu chuyện hàng ngày xảy đến với chị nhưng có thể cảm nhận được trong đó những cay đắng, tù túng, căng thẳng dồn nén theo thời gian.
"Nhịn chẳng đành, tôi lại vừa cãi nhau với chồng. Ngồi viết thư cho Thanh Tâm để xả ra những căng thẳng, mệt mỏi trong cuộc sống. Nếu không, có lẽ tôi chẳng đủ dũng khí để bước tiếp. Quá thất vọng về chồng, những điều tốt đẹp có lẽ không dành cho tôi.
Yêu nhau được một thời gian ngắn thì chúng tôi cưới. Lúc ấy, tôi 25 tuổi nhưng vẫn ngây thơ và nghĩ cuộc sống toàn màu hồng. Lấy nhau được 3 tháng, tôi mang bầu. Cuộc sống bắt đầu dạy cho tôi những bài học đầu tiên. Do ốm nghén và mệt mỏi, tôi phải nghỉ việc để an dưỡng sức khỏe. Ban đầu mẹ chồng không nói gì nhưng sau đó đã thể hiện thái độ. Công việc nhà dù nặng hay nhẹ đều đến tay tôi. Dù có mệt đến mức nào tôi cũng phải thu xếp mà làm, nếu không sẽ phải nghe những lời nói rất nặng nề. Lấy chồng và ở nhà sinh con, có ai bị gọi là "ăn bám" như tôi không? Tôi cũng đâu muốn phải nghỉ việc để quanh quẩn hàng ngày với bỉm sữa và đợi chồng về.
Trước đó, thu nhập của chồng tôi được 10 triệu đồng/tháng nhưng không đưa tiền về gửi vợ để lo việc nhà mà gửi hết cho mẹ chồng. Hành động này chỉ khiến mối quan hệ của mẹ chồng, nàng dâu thêm căng thẳng. Bà luôn nhấn mạnh 2 từ "ăn bám" khiến tôi như bị trầm cảm trong quá trình mang thai và nuôi con.
Chồng đưa tiền cho mẹ rồi cũng mặc nhiên vợ con có bà nội lo, không quan tâm vợ con muốn gì, cần gì nữa. Nhiều tối bế con, tôi tủi thân khóc thầm. Sau khi con đủ 6 tháng, tôi kiên quyết đi làm lại, dù mẹ chồng có cố gắng ngăn cản. Tuy rất thương con, tôi vẫn cần làm chủ cuộc sống của mình. Chồng tôi vẫn chỉ biết nghe lời mẹ và mắng tôi thậm tệ, nói rằng tôi ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân.
Tôi làm việc thật chăm chỉ nhưng những điều không may cứ kéo tới. Công việc của tôi vừa ổn, thì chồng tôi bị mất việc làm do công ty cắt giảm biên chế. Nhưng tính của chồng tôi không thích làm việc tay chân, mà trình độ thì cũng chưa đủ để có thể làm được những công việc mong muốn. Cứ làm vài ba hôm chỗ này thấy không hợp lại đổi chỗ khác, nên một thời gian dài không có đồng lương nào. Mang thai đứa thứ hai, một mình tôi phải tự lo chăm sóc sức khỏe, uống thuốc, khám thai, đi đẻ. Mẹ chồng tôi vẫn không bớt hống hách, lại đổ lỗi do tôi không biết hỗ trợ chồng.
Gần đây, chồng tôi vừa nghỉ việc. Đã thất nghiệp, không giúp đỡ gì được cho vợ con lại còn đăng ký đi bơi đến 10 giờ tối mới về. Ngày nào cũng vậy, không biết làm việc gì, cứ ra ngoài từ sáng sớm, tối mịt mới thấy mặt. Hai đứa con, một mình tôi phải chăm sóc. Đã vậy, bà bảo muốn sửa lại cái bếp, trời nồm nên bị mốc hết tường, cái tủ bếp cánh cửa vừa bị hỏng... Ngay lập tức chồng tôi đi vay bạn bè mấy chục triệu để sửa luôn. Tôi thấy rất ấm ức, tiền nuôi con đã không có, vậy mà hàng tháng còn phải để ra mấy triệu trả nợ, trong khi việc sửa chữa đó cũng chưa thật sự cần thiết.
Dù đã hơn 35 tuổi nhưng chồng tôi vẫn như một đứa trẻ không chịu lớn, suy nghĩ ích kỉ và chỉ biết đến mẹ. Nhiều lần tôi đã nghĩ tới việc li hôn nhưng nhìn 2 đứa trẻ hồn nhiên gọi bố, nhớ bố, yêu bố, tôi lại cố nhẫn nhịn. Tôi đã cố gắng nói chuyện với chồng, nhưng lần nào nói xong cũng chỉ "rước" bực tức vào mình. Chúng tôi cãi nhau và không còn tìm thấy được tiếng nói chung.
Thanh Tâm thân mến, dù biết rằng mỗi người có một số phận nhưng sao có những người phụ nữ lại sung sướng thế, được chồng yêu thương, dù có nghèo khó cũng dành thời gian chăm sóc nhau. Còn tôi thì có chồng mà chẳng được tích sự gì. Tôi phải bước tiếp cuộc đời này như thế nào đây?".
Thanh Tâm rất hiểu, đối với chị ấy, những lời động viên, chia sẻ của chồng, tuy "không mất tiền mua" nhưng sẽ là nguồn khích lệ để chị vững vàng tiến lên trong cuộc sống. Nhưng người chồng ấy đã bỏ quên chính những người thân yêu của mình, không cảm nhận được những rạn nứt, vụn vỡ đang dần hình thành và bao trùm lên gia đình mình.
Thanh Tâm cũng nói với chị cảm nhận của mình sau khi đọc xong bức thư dài của chị. Đó là trong giai đoạn khó khăn này, chị mới chỉ thấy mình bị tác động, ảnh hưởng, khổ sở, còn với chồng chị, Thanh Tâm thấy chị thiếu một chút gì đó gọi là cảm thông. Chị suy diễn mọi việc theo quan điểm cá nhân mà không dành thời gian để lắng nghe chia sẻ của chồng mình.
Chị có hơn 1 năm đầu tiên không đi làm, khó chịu, căng thẳng vì tiền, vì những lời hắt hủi của mẹ chồng. Bây giờ, chồng chị sống phụ thuộc vào vợ, có lẽ anh ấy cũng thấy rất xấu hổ. Thanh Tâm mong chị mạnh mẽ, có thể động viên, giúp chồng trưởng thành và trụ vững.
Chị và 2 con khích lệ giúp anh ấy nhận ra vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình. Điều đó cũng giúp anh ấy nhận ra, trong thời buổi dịch bệnh này, tìm việc làm phù hợp càng trở nên khó khăn nhưng cuộc sống thì vẫn tiếp diễn, anh ấy cần điều chỉnh bản thân và chấp nhận hiện thực. Thanh Tâm tin rằng, với những điều tốt đẹp mà chị luôn mong muốn cho chồng, anh ấy sẽ hiểu, cảm nhận được và dần thay đổi.