Người chuyển giới mưu sinh: Út Ly bán bò bía 30 năm chăm sóc mẹ già

Đinh Thu Hiền
18/01/2021 - 16:30
Người chuyển giới mưu sinh: Út Ly bán bò bía 30 năm chăm sóc mẹ già

Sống 1 mình, Út Ly gắn bó niềm vui cùng chiếc xe đẩy bán bò bía. Ảnh: Minh Thiện

Hiền lành, chất phác, chịu thương chịu khó, Út Ly là 1 trong những người chuyển giới mưu sinh ngoài đường phố được rất nhiều người đồng cảm, ủng hộ

Từ khi còn rất nhỏ, Út Ly - tên thật là Nguyễn Đức - đã thích chơi các trò của bé gái. Lớn lên chút, Đức "lộ" dần với việc để tóc dài và khi ngoài 20 tuổi thì Đức quyết định đi bơm ngực. Cả con hẻm nhỏ trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TPHCM mọi người dần quen với việc thay đổi ấy. Gia đình và bà con hàng xóm không ai gọi tên Đức nữa, mà chuyển thành Út Ly. 

Người chuyển giới mưu sinh: Út Ly bán bò bía 30 năm chăm sóc mẹ già - Ảnh 1.

Út Ly hiền lành, bán bò bía rất ngon nên khách hàng ủng hộ nhiều. Ảnh: Minh Thiện

Út Ly là con út trong gia đình lao động nghèo thành thị, rất đặc trưng tại Sài Gòn. Năm 20 tuổi, cô tự làm ra món bò bía với nhân là tôm khô, lạp xưởng, củ sắn (củ đậu) chấm với nước sốt đặc quẹo, ngon vừa miệng với nhiều khách hàng, bán trên xe đẩy quanh Q.1. Út còn chỉ dẫn cho vợ chồng anh Hai làm món này, bán ở vị trí khác. 

Người chuyển giới mưu sinh: Út Ly bán bò bía 30 năm chăm sóc mẹ già - Ảnh 2.

Út Ly hài lòng với cơ thể phụ nữ hiện tại của cô. Ảnh: Minh Thiện

Mỗi ngày, vào 13h, là Út Ly chất các đồ lên xe, đẩy vòng vòng. Ban đầu là bán cho bà con gần nhà, rồi sau đó lại đi tiếp. Nhiều lúc, khách hàng thèm ăn, phải điện thoại hỏi coi Út Ly đang đứng ở đâu, để còn chạy tới đúng chỗ. Chiều tối, Út Ly đẩy xe đi xa xa hơn xíu, nhưng cũng chỉ loanh quanh khúc Nguyễn Trãi - Trần Hưng Đạo Q.1 chứ không đi quá xa. 21h, khi phố xá nơi đây còn rực rỡ, Út Ly đã bán bò bía xong. Cô lại từ từ thong thả đẩy xe về nhà.

Người chuyển giới mưu sinh: Út Ly bán bò bía 30 năm chăm sóc mẹ già - Ảnh 3.

Út Ly tất bật xắt củ sắn để làm nhân bò bía. Ảnh: Minh Thiện

Thời còn 20 tuổi, Út Ly mong gom được tiền để đi phẫu thuật chuyển giới toàn bộ cơ thể. Nhưng cuộc sống của người lao động bán buôn ngoài đường phố vất vả quá, chỉ đủ lo cho cái ăn, cái mặc của 2 mẹ con, đã là mừng rồi. Nên sau khi bơm ngực và để bộ tóc dài thướt tha, Út Ly hài lòng với hình thức nữ giới của cơ thể. Giọng nói của cô cũng dần dần thanh thoát, không trầm đục nữa.

Cách nay 30 năm, mẹ Út Ly bị tai biến nằm 1 chỗ. Ngoài thời gian chuẩn bị các vật liệu bán bò bía, pha nước chấm, và đi bán hàng, Út Ly ở nhà chăm sóc mẹ. Đến giờ, bà cụ đã mất được 3 năm, nhưng như thói quen, cô cứ hết việc là về nhà quanh quẩn. Út Ly không đi đâu chơi, nên ít có điều kiện để giao lưu với bạn bè. Và vì vậy mà ở lứa tuổi đã ngoài 50, Út Ly vẫn chỉ có niềm vui bên chiếc xe bò bía. 

Người chuyển giới mưu sinh: Út Ly bán bò bía 30 năm chăm sóc mẹ già - Ảnh 4.

Cô chịu thương chịu khó, nuôi mẹ tai biến nằm 1 chỗ trong 30 năm. Ảnh: Minh Thiện

"Thời mới tính mưu sinh, chiếc xe bò bía mắc tiền với mình lắm, nhưng mình đã tiết kiệm nhịn ăn nhịn mặc để mua bằng được chiếc xe. Và đúng là Trời không phụ người. Từ đó tới nay, nhờ có chiếc xe đẩy này mà mình đi bán được nhiều bò bía hơn. Cũng đủ để nuôi má, nuôi bản thân", Út Ly tâm sự. Cô chỉ có vài người bạn gái chơi thân, những ngày đặc biệt lắm, Út Ly mới nghỉ bán bò bía, để ngồi chơi cà phê với bạn bè, kể cho nhau nghe các "câu chuyện phụ nữ".

Người chuyển giới mưu sinh: Út Ly bán bò bía 30 năm chăm sóc mẹ già - Ảnh 5.

Phố lên đèn, Út Ly mải mê đẩy xe đi bán bò bía. Ảnh: Minh Thiện

Bà con lối xóm đều thương Út Ly, thương cái tính tình chất phác, thiệt thà, dễ thương của Út Ly. Nhiều khi gặp trời mưa, cô bán ế, mỗi người lại mua dùm cho cô vài chiếc bò bía ủng hộ. Cuộc sống ở con hẻm nhỏ xíu trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1 cứ thế diễn ra, trong sự đùm bọc, thấm tình yêu thương nhau của những người lao động rặt Nam bộ. 

Út Ly nói chỉ mong muốn khỏe mạnh, hàng ngày đi bán bò bía đều đặn, sau này có chút tiền mang tới hỗ trợ cho các trại dưỡng lão. Vì mẹ mất rồi, số tiền dành ra chăm mẹ sẽ được chuyển tới những người già neo đơn, nghèo khó.  

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm