pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người có phiếu tín nhiệm thấp đến mức nào thì từ chức hoặc miễn nhiệm?
Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu trong đợt ấy phiếu tín nhiệm với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: quochoi.vn
3 mức độ ghi trong phiếu tín nhiệm
Theo quy định, phiếu tín nhiệm có 3 mức độ tín nhiệm: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp".
Căn cứ vào nội dung tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm nghiên cứu, đánh giá khách quan về người được lấy phiếu tín nhiệm, ghi ý kiến của mình vào phiếu tín nhiệm. Người ghi phiếu tín nhiệm có thể ký tên hoặc không ký tên vào phiếu tín nhiệm.
Kết quả phiếu tín nhiệm theo 3 mức độ được tính như sau: Tổng số phiếu "tín nhiệm cao" và tỉ lệ phần trăm trên tổng số phiếu thu về; tổng số phiếu "tín nhiệm" và tỉ lệ phần trăm trên tổng số phiếu thu về; tổng số phiếu "tín nhiệm thấp" và tỉ lệ phần trăm trên tổng số phiếu thu về.
Kết quả phiếu tín nhiệm được công khai đối với tập thể và cá nhân sau:
+ Thành phần tham gia ghi phiếu tín nhiệm.
+ Cấp có thẩm quyền trực tiếp quản lý cán bộ.
+ Cá nhân người được lấy phiếu tín nhiệm.
Cách thức công khai kết quả phiếu tín nhiệm được quy định như sau:
+ Công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.
+ Đối với Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư thì công khai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
+ Đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn thì công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân biết.
+ Đối với các chức danh, chức vụ còn lại trong hệ thống chính trị thì công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.
Sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm thế nào?
Quy định 96/QĐ-TW quy định: Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.
+ Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.
+ Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Quy định 96/QĐ-TW cũng đề cập đến trường hợp được lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi.
Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm
Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp), cụ thể như sau:
+ Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc phê chuẩn thực hiện theo quy định của Quốc hội.
+ Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu thực hiện theo chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
+ Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo cấp uỷ địa phương tiến hành sau khi lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do hội đồng nhân dân các cấp bầu.
+ Lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý khác tiến hành sau sơ kết 6 tháng đầu năm của năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp.