Người cựu binh hơn 25 năm canh 'giấc ngủ' cho đồng đội

18/02/2019 - 16:39
“Thấy nhiều trường hợp là người thân của các liệt sĩ phải 3-4 năm mới có dịp khăn gói, lặn lội từ ngoài Bắc vào thăm viếng, tôi thương lắm. Bản thân tôi là cựu chiến binh, cũng phải làm một việc gì đó có nghĩa để đền đáp ân tình đồng chí, đồng đội đã ngã xuống", ông Nguyễn Văn Liễu (75 tuổi, ở khu vực Tây Phương Danh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) chia sẻ.

Hơn 25 năm qua, ông Nguyễn Văn Liễu đã tự nguyện chăm sóc Di tích lịch sử Mộ tập thể liệt sĩ nằm sát đường lộ đi qua phường Đập Đá. Đây là ngôi mộ tập thể chôn 154 đồng chí, đồng đội của ông.

 

a1.jpg
Đơn vị của ông nhiều lần kề vai, sát cánh chiến đấu cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng 

Ông Nguyễn Văn Liễu kể: Năm 20 tuổi, ông Liễu viết đơn tình nguyện tham gia vào Tiểu đoàn 50 (đơn vị chủ lực của Tỉnh đội Bình Định), chiến đấu chống kẻ thù tại địa phương. Đơn vị của ông nhiều lần kề vai, sát cánh chiến đấu cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng.

Theo đó, trên đường hành quân vào giải phóng toàn tỉnh Bình Định, khi đến An Nhơn vào ngày 22 tháng Chạp năm Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 6 (thuộc Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 Sao Vàng) gặp phải quân địch. Dù lực lượng và hỏa lực của kẻ thù rất mạnh, gồm 2 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn Mãnh Hổ (Đại Hàn), 3 tiểu đoàn của ngụy quân, nhưng các chiến sĩ của Tiểu đoàn 6 vẫn chiến đấu anh dũng, kiên cường, tiêu diệt nhiều xe tăng, máy bay trực thăng, gây tổn thất nặng nề cho quân địch.

“Mất mát quá nhiều khiến địch điên cuồng, tiến hành cuộc càn quét, rải bom trên quy mô lớn. Ngày 29 tháng Chạp năm Mậu Thân, địch kết thúc cuộc càn quét, 154 chiến sĩ Tiểu đoàn 6, trong đó có 151 người có quê quán ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… và 3 người con quê Bình Định đã hy sinh. Kẻ thù đã dồn xác các chiến sĩ hy sinh trong trận chiến chôn chung trong một mộ ở đây”, giọng ông Liễu trầm xuống.

Sau ngày giành được độc lập, thống nhất đất nước, để ghi nhớ công ơn của 154 liệt sĩ, người thân cùng người dân địa phương thường đến ngôi mộ chôn tập thể này để thắp hương tưởng niệm. Năm 1993, Nhà nước đầu tư sửa chữa ngôi mộ tập thể. Sau khi hoàn thành, ông Liễu đã tự nguyện xin được chăm sóc.

 

a3.jpg
Công việc hàng ngày của ông là chăm sóc hương khói cho đồng đội đã nằm lại nơi này

“Thấy nhiều trường hợp là người thân của các liệt sĩ phải 3 - 4 năm mới có dịp khăn gói, lặn lội từ ngoài Bắc vào đây thăm viếng, tôi thương lắm. Các đồng chí không cùng Tiểu đoàn nhưng đã kề vai sát cánh với nhau, bản thân mình là cựu chiến binh, cũng phải làm một việc gì đó có nghĩa để đền đáp ân tình, công lao đối với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống nên tôi tự nguyện xin chăm sóc nơi này”- ông Liễu bộc bạch.

Vợ con đều ủng hộ

Mỗi ngày, ông Liễu đều đặn đến đây quét dọn nhà tưởng niệm, tưới, tỉa cành, chăm sóc cây cảnh, lau chùi các bia mộ, nhang khói và thắp đèn chiếu sáng trong khuôn viên. Có một điều ông cảm thấy vui là vợ, con đều ủng hộ và cảm thấy tự hào về việc làm của ông. 

Cứ mỗi lần đến ngày rằm, mùng 1, các ngày Tết, lễ trọng đại của đất nước khi có người đến viếng, ông còn đảm trách luôn nhiệm vụ đón tiếp và “thuyết minh viên” về di tích này; đồng thời bố trí chỗ ở trong nhà lưu trú cho khách nếu họ có nhu cầu ở lại qua đêm.

a2.jpg
"Hễ có việc phải đi đâu xa là tâm can tôi không yên, lúc nào cũng chỉ muốn trở về bên cạnh các anh sớm"

Đối với ông Liễu, công việc này là niềm vui, động lực sống của bản thân. Nhiều đêm khó ngủ, ông đến từng bia mộ, ngồi tâm sự với các liệt sĩ như người thân của gia đình mình. Có những hôm, ông còn thức trắng cả đêm để kể cho các đồng đội nghe niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống. “Tôi vốn xuất thân là một người lính và nhiều đồng đội của tôi yên nghỉ ở nơi đây. Với tôi đây là nhà của mình. Hễ có việc phải đi đâu xa là tâm can tôi không yên, lúc nào cũng chỉ muốn trở về bên cạnh các anh sớm, để các anh ấy biết rằng luôn có người đồng đội già bên cạnh”, ông Liễu tâm sự.

Hơn 25 năm chăm lo “giấc ngủ” cho các liệt sĩ, ông Liễu không nhớ rõ mình đã khóc bao nhiêu lần khi chứng kiến những cuộc trùng phùng giữa các cựu chiến binh với người nằm dưới nấm mồ, cuộc đoàn tụ giữa thân nhân với người liệt sĩ. Giở từng trang “Sổ vàng”, ông bùi ngùi chỉ cho chúng tôi biết rõ họ tên, đơn vị công tác của những người đã từng ghé qua đây.

Dù tuổi đã cao, đôi chân đã mỏi, đôi mắt đã mờ dần nhưng ông Liễu không tính đến chuyện nghỉ ngơi, bàn giao công việc chăm sóc ngôi mộ tập thể cho người khác mà khẳng định: “Tôi đã gắn bó với công việc này hơn 25 năm rồi và hơn ai hết, tôi là người hiểu rõ từng bia mộ được khắc ghi ở đây. Còn sức thì tôi còn làm”.

Năm 2003, ngôi mộ tập thể được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến năm 2015, ngôi mộ được sửa chữa, cải tạo với quy mô lớn và rất khang trang như hiện nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm