Người dân "ngóng" giá vé máy bay "hạ nhiệt"

H.Y
27/05/2024 - 19:03
Người dân "ngóng" giá vé máy bay "hạ nhiệt"

Ảnh minh hoạ

Tình trạng vé máy bay trong nước giá cao kéo dài đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân, nhất là thời điểm dịp hè. Hạ nhiệt giá vé máy bay là giải pháp cần được các cơ quan chức năng tính đến.

"Quay xe" tìm phương án du lịch gần

Chị Phạm Huyền Trang (ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội ), một giáo viên chia sẻ, do đặc thù nghề nghiệp nên chị chỉ có thể đi du lịch vào dịp nghỉ hè, khi cả mẹ và các con cùng được nghỉ dài ngày. Chị đã tranh thủ mua vé dịp hè sớm, thậm chí trước ngày bay đến 2-3 tháng, nhưng đều thất vọng vì khó tìm được giá vé rẻ. Giai đoạn hè từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 9, các hãng bay đều có giá vé ở mức khá cao.

"Giá vé thấp nhất chặng Hà Nội - Phú Quốc dịp hè của Vietnam Airlines là 4-5 triệu đồng/vé khứ hồi, Vietjet 3,2 - 4 triệu đồng/vé khứ hồi" - chị Trang chia sẻ sau khi đã tìm hiểu giá vé trên các website của các hãng bay.

Nhẩm tính, 4 người trong gia đình đi du lịch, riêng tiền vé máy bay đã khoảng 13 - 20 triệu đồng. Thấy vậy, chị Trang đành "quay xe" tính phương án đi du lịch gần, bằng đường ô tô cho kinh tế.

Theo báo cáo mới đây của Cục Hàng không Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, đối với đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).

Đối với đường bay từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, giá vé trung bình của Vietnam Airlines khoảng 1,8 triệu đồng/đường bay (tăng từ 17% - 26%), Vietjet Air khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/đường bay (tăng từ 32% - 38%), Bamboo Airways khoảng 1,3 - 1,6 triệu đồng/đường bay (tăng từ 13% - 29%) và Vietravel Airlines khoảng 1,1 - 1,4 triệu đồng/đường bay (tăng từ 14% - 20%).

Đối với đường bay từ Hà Nội - Phú Quốc, giá vé trung bình của VN khoảng 2,7 triệu đồng (tăng 13,8%), VJ xấp xỉ 1,8 triệu đồng (tăng 49,6%). Đối với đường bay từ Hà Nội - Nha Trang, giá vé trung bình của VN khoảng 2 triệu đồng (tăng 7%), VJ khoảng 1,55 triệu đồng (tăng 39%), QH khoảng 1,45 triệu đồng (tăng từ 3%).

Ngành hàng không Việt Nam vẫn thiếu tính cạnh tranh

Giá vé máy bay neo cao, ảnh hưởng tới phục hồi kinh tế, cũng nhận nhiều góp ý của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở tổ. Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, Nhà nước cần làm rõ nguyên nhân khiến giá vé tăng cao và giải pháp để bình ổn. Bởi, giá vé cao làm giảm nhu cầu đi lại, ảnh hưởng tới việc làm ngành du lịch, khách sạn.

Ông so sánh, các đường bay độ dài tương đương ở Thái Lan thì giá vé rẻ hơn Việt Nam. Chẳng hạn, từ Bangkok đến Phuket gần 869 km, giá vé của Air Asia là 768.000 đồng, Thai JetAir 796.000 đồng, Thai Airways là 1,16 triệu đồng.

Trong khi Hà Nội - Đà Nẵng dài 757 km thì Vietjet Air là 1,12 triệu, Vietnam Airlines 1,58 triệu đồng. "Giá vé của chúng ta rất cao so với Thái Lan", ông nói, đề nghị có gói hỗ trợ cho hàng không để có chương trình giảm giá, hỗ trợ phí dịch vụ tại sân bay.

Ngoài ra, ngành du lịch và hàng không cần hợp tác chặt chẽ, đưa ra các sản phẩm khuyến mãi, giúp giảm giá vé máy bay. Về lâu dài, Việt Nam cần đầu tư trung tâm bảo dưỡng máy bay, hạ chi phí dịch vụ lĩnh vực này.

Theo ông, nguyên nhân chính là ngành hàng không Việt Nam vẫn thiếu tính cạnh tranh; chi phí bảo trì, bảo dưỡng máy bay cao và thiếu sự hợp tác giữa hàng không và du lịch. "Hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch vẫn mạnh ai nấy làm, lợi ai người ấy hưởng, không chia sẻ rủi ro", ông Sơn nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm