pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người đàn ông đột quỵ ngay lúc đang ăn cơm: Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
Theo người nhà, bệnh nhân có uống rượu khi dùng bữa. Tuy nhiên, bệnh nhân đột ngột không nói được, liệt nửa người phải. Trước khi xảy ra sự việc, người bệnh vẫn đang rất khoẻ mạnh.
Bệnh nhân có tiền sử từng bị đột quỵ cách đây 1 năm. Do vậy, ngay sau khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, nam bệnh nhân đã được người nhà đưa đi cấp cứu. Bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không đáp ứng, không trả lời được, liệt người phải hoàn toàn. Đo huyết áp của bệnh nhân ở mức thấp, hơi đỏ da vùng cổ ngực. Bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ não cấp, phản vệ nặng không rõ loại.
Ngay lập tức, bệnh nhân được tiêm 1/2 ống Adrenalin bắp. Sau tiêm 5 phút, huyết áp của bệnh nhân về bình thường, tình trạng ý thức và liệt không thay đổi. Bệnh nhân được chuyển đi chụp CT sọ não. Kết quả CT sọ não có hình ảnh tổn thương cũ, không có chảy máu. Bệnh nhân được sử dụng thuốc Alteplase (thuốc tiêu huyết khối).
Ngay sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân tỉnh dần, liệt không thay đổi. Nhưng sau 2 giờ, cơ lực đã lên, tới sáng ngày hôm sau chức năng vận động ngôn ngữ đã trở lại bình thường.
2 nhóm yếu tố nguy cơ gây đột quỵ
Đột quỵ được ví là "căn bệnh tử thần thời đại 4.0" vì có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, ở một số nhóm đối tượng với tình trạng sức khỏe tiềm ẩn sẽ có khả năng bị đột quỵ cao hơn người bình thường.
Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ gồm: nhóm yếu tố có thể thay đổi được (hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ,...) và nhóm yếu tố không thể thay đổi được (tuổi tác, giới tính, gen di truyền).
Để phòng ngừa đột quỵ não cần lưu ý tới những biểu hiện sau:
F (Face) - Khuôn mặt: Người bệnh bất ngờ bị méo mặt lệch về 1 bên, kèm theo méo miệng.
A (Arms) - Cánh tay: Người bệnh có thể bị tê liệt một cánh tay, một bên chân hoặc nửa người.
S (Speech) - Giọng nói: Người bệnh bất ngờ mất khả năng nói, không gọi được người xung quanh mà chỉ phát ra tiếng ú ớ hoặc nói ngọng.
T (Time) - Thời gian: Khi xuất hiện bất cứ triệu chứng nào như trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để có thể được hướng dẫn cấp cứu đúng cách, và cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu và điều trị nhồi máu não tránh lãng phí thời gian.
Để phòng tránh đột quỵ có thể bắt đầu từ việc chặn đứng các yếu tố nguy cơ gây bệnh thông qua các chương trình tầm soát đột quỵ. Một số bệnh lý có liên quan tới việc tăng nguy cơ đột quỵ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, rung nhĩ hoặc các bệnh lý tim mạch khác…
Bên cạnh việc kiểm soát yếu tố nguy cơ cần kết hợp thay đổi các thói quen và lối sống như: bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, kiểm soát cân nặng, tăng cường vận động… sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh lý mạch máu não.
Theo con số thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.