Liên quan đến vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 28/8, đến nay đã có hơn 1.200 người đi khám sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm, theo dõi nhiễm độc thủy ngân. Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức độ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe như vậy, người dân có thể khởi kiện công ty để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trao đổi với PNVN, Luật sư Nguyễn Tiến Thủy, Trưởng Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, người dân trong khu vực ảnh hưởng của vụ cháy công ty Rạng Đông có quyền yêu cầu công ty bồi thường về tài sản bị thiệt hại từ đám cháy; những chi phí hay thiệt hại liên quan đến quá trình xử lý đám cháy và hậu quả của nó. Ngoài ra, người dân còn có quyền yêu cầu bồi thương về sức khỏe bị ảnh hưởng, mức bồi thường do hai bên thỏa thuận. Trong trường hợp giữa công ty và người dân không thể thỏa thuận được thì người dân có thể khởi kiện công ty ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Cũng theo luật sư Nguyễn Tiến Thủy, về phía Công ty Rạng Đông ngoài việc có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại về thực tế tài sản, thu nhập, sức khỏe cho người dân thì công ty còn có trách nhiệm phải xử lý ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề nghiêm trọng cần có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các bộ ngành chức năng và những chi phí liên quan công ty có trách nhiệm chi trả.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”. Theo đó, đối với cá nhân vi phạm thì có chế tài xử phạt tù giam; đối với pháp nhân vi phạm thì có chế tài phạt tiền, cấm kinh doanh, cấm hoạt động một số lĩnh vực có thời hạn hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Đồng quan điểm với luật sư Thủy, các chuyên gia pháp lý cho rằng, đám cháy xảy ra là sự cố không ai mong muốn. Dù vậy, sự cố đã khiến người dân chịu ảnh hưởng nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại là rất rõ ràng kể cả việc cơ quan chức năng xác định có lỗi hay không có lỗi. Tuy nhiên, nếu cơ quan CSĐT xác định Công ty Rạng Đông đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy dẫn đến hỏa hoạn thì ngoài việc bồi thường thì còn bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ Luật tố tụng Dân sự năm 2015 thì thẩm quyền để giải quyết vụ việc thuộc Tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi xảy ra sự cố nếu hai bên không có thỏa thuận khác. Người dân nộp đơn khởi kiện kèm theo các chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của việc bị ảnh hưởng sức khỏe.